“Ma trận” hàng giả, hàng nhái (3)
Bài cuối: Tràn lan trái cây Trung Quốc
(Cadn.com.vn) - Hiện nay, tại các đại lý phân phối và bán lẻ trái cây tại chợ Đầu mối Hòa Cường, hàng Trung Quốc đang lấn át hàng nội như: táo, nho, lê, lựu, cam, quýt... Nhiều tiểu thương bán tại chợ cũng không thể biết được hàng nào là hàng Trung Quốc và nếu biết họ cũng nói tránh là trái cây địa phương này, địa phương nọ làm người tiêu dùng rất khó khăn để lựa chọn.
Trái cây Trung Quốc được tiểu thương bày bán tràn lan tại chợ Đầu Mối Hòa Cường. |
Ghi nhận của chúng tôi tại chợ Đầu mối Hòa Cường (nơi cung cấp sỉ, lẻ trái cây cho các chợ trong thành phố), hàng ngày từ 4 – 6 giờ sáng, khu buôn bán sỉ trái cây tại đây có hàng chục xe container, xe tải đổ về, bên trong chứa trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có các loại nho xanh, nho đỏ, táo, lê, lựu, quýt, cam...
Những thùng các-tông được đưa ra khỏi xe đều in chữ Trung Quốc rất đẹp mắt. Đáng nói là sau khi xé thùng các-tông có in chữ Trung Quốc, các mặt hàng này đã bị “biến” thành hàng trong nước, hàng Mỹ... Cũng tại đây, xuất hiện các tiểu thương các chợ hoặc các đại lý trái cây trên địa bàn, thậm chí những người bán hàng rong đến lấy hàng về bán.
Trái cây Trung Quốc có màu sắc bắt mắt, trái to rất hấp dẫn người tiêu dùng nhưng ngược lại giá rất rẻ. Đơn cử, lựu Trung Quốc các đầu nậu bỏ cho các tiểu thương có giá chỉ 7.000 đồng/kg, táo giá 10.000 đồng/kg, lê giá 11.000 đồng/kg. Trái cây Trung Quốc có ưu điểm để được lâu hơn, thậm chí cả tuần vẫn tươi nên được các tiểu thương lựa chọn.
Ông Thắng, chuyên bốc xếp và chở hàng trái cây cho các tiểu thương tại chợ Đầu mối cho biết, thông thường trong các thùng đựng trái cây Trung Quốc, mà đặc biệt là nho đều có chất làm ngọt, chất bảo quản giữ đẹp cho trái cây dạng như viên thuốc B1 nhưng không biết rõ chúng là chất gì, độc hại đến mức nào mà vẫn được các tiểu thương nhập về bán.
Ông Nguyễn Công An, Trưởng Ban quản lý chợ Đầu mối xác nhận, hàng đêm số lượng trái cây Trung Quốc như táo, lê, cam vẫn chiếm thị phần khá lớn sản lượng trái cây ngoại nhập tại chợ. Tuy nhiên, đối với sản phẩm bán tại đây, vẫn được phân thành khu bán sản phẩm rõ ràng. Còn việc phân bổ và bán hàng cho ai và bán như thế nào thì do tiểu thương hợp đồng với khách hàng.
Chính người bán lẻ cũng không biết được loại trái cây nào là của Trung Quốc, chỉ biết khi đại lý cấp 1 cho biết. Chị Hà chủ sạp bán trái cây trên đường Lê Sát cho biết, trái cây được nhập từ các tiểu thương chợ Đầu mối nhưng không thể nào biết đâu là trái cây Trung Quốc hay của Việt Nam, chỉ khi nào các đầu nậu cung cấp báo là trái cây Trung Quốc thì mình mới biết còn không thì cũng chịu.
Tại ki-ốt D. chuyên bán lẻ trái cây ở chợ Đầu mối, anh D. - chủ kiốt - cho biết, trong quầy trái cây của anh có từ 40 - 50% mặt hàng xuất xứ từ Trung Quốc như táo, nho, nhãn, xoài, lê, lựu. Đó là những mặt hàng mà chính đại lý phân phối bỏ cho mình nói là hàng Trung Quốc thì mình mới biết, còn nếu đại lý phân phối không báo thì mình cũng chịu.
Theo anh D. mặt hàng này bán rất chạy cho các dịch vụ cưới hỏi, ma chay họ chuộng hình thức đẹp và giá “bèo”. Cũng theo anh D., nhiều ki-ốt khi nhập hàng bán về vẫn còn tem dán trên trái cây nhưng khi đưa ra bán tại quầy, họ đã gỡ hết nhãn mác Trung Quốc để lừa người mua để bán được giá cao hơn...
Theo ông Nguyễn Nho Hậu, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng, mặc dù Chi cục Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra nhiều lần đối với các xe container chuyên chở trái cây về cung cấp tại chợ Đầu mối cũng như các điểm bán hàng nhưng hầu hết tiểu thương đều trình đầy đủ giấy tờ nguồn gốc hàng hóa, hóa đơn chứng từ nên Chi cục Quản lý thị trường không thể nào xử lý, còn đối với việc trái cây có nhiễm độc tố hay không lại không thuộc chức năng quản lý của chúng tôi.
Khi người tiêu dùng vẫn chưa yên tâm vì thông tin trái cây Trung Quốc nhiễm đủ thứ hóa chất độc hại cứ dồn dập, trong khi cơ quan chức năng chỉ kiểm tra chiếu lệ, không thường xuyên. Thế nên tình trạng trên ngày càng leo thang và chỉ có người tiêu dùng lãnh đủ...
Xuân Đương