Mali và nỗi ám ảnh đảo chính
Vụ đảo chính lần này làm dấy lên làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế khi lo ngại kịch bản năm 2012 tái diễn, và có khả năng sẽ gây bất ổn hơn cho quốc gia Tây Phi này.
Quân đội và người dân Mali tập trung bên ngoài dinh thự riêng của Tổng thống Keita ở thủ đô Bamako hôm 18-8 (giờ địa phương). Ảnh: AP |
Trên đài truyền hình quốc gia hôm 19-8, Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita cho biết ông đã phải tuyên bố từ chức ngay lập tức sau khi xảy ra một cuộc đảo chính không rõ ai là người đứng đầu vào hôm 18-8.
Cuộc đảo chính quân sự này là đỉnh điểm của nhiều tháng khủng hoảng chính trị, cũng như các cuộc biểu tình kéo dài phản đối tình trạng an ninh xuống cấp và tham nhũng. Nhiều người đổ ra đường ở thủ đô Bamako cổ vũ khi biết tin về cuộc đảo chính. Hơn 1.000 người đã tập trung bên ngoài dinh thự của tổng thống bất chấp binh sĩ ngăn cản. Tuy nhiên, những người biểu tình xông vào nhà con trai Tổng thống Keita gần đó cướp bóc.
Cuộc binh biến bí ẩn
Từ đêm 18-8, đã có những đồn đoán về đảo chính ở Mali. Các hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy, Tổng thống Keita và Thủ tướng Cisse trong đoàn xe quân sự bị lực lượng nổi dậy có vũ trang bao vây. Đoàn xe được cho là ở căn cứ Kati ở ngoại ô thủ đô Bamako. Nhiều người cho biết đã nghe tiếng súng nổ bên ngoài căn cứ này quân đội đã điều động binh sĩ đến đây. Quân đội xác nhận xảy ra vụ nổ súng nhưng không cho biết chi tiết.
Sau đó vài giờ, một quan chức thuộc Văn phòng Thủ tướng Mali xác nhận Tổng thống Keita và Thủ tướng Cisse bị giam giữ tại căn cứ quân sự ở thị trấn Kati. Vụ bắt giữ diễn ra chỉ vài giờ sau khi lực lượng nổi dậy chiếm căn cứ quân sự Kati, bắt giữ một số quan chức dân sự cấp cao và nhiều sĩ quan quân đội. Chỉ vài giờ sau, Tổng thống Keita tuyên bố từ chức và giải tán Quốc hội, 3 năm trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc. Giải thích cho quyết định của mình, nhà lãnh đạo Mali nhấn mạnh, ông không muốn “vì duy trì quyền lực mà dẫn tới đổ máu".
“Trong 7 năm qua, tôi đã nỗ lực hết mình để mang lại những thay đổi tích cực cho đất nước. Tôi không muốn máu phải đổ để giữ quyền lực... Quyết định từ chức của tôi sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Cùng với đó, Chính phủ và Quốc hội cũng sẽ bị giải tán”, Tổng thống Keita tuyên bố trên truyền hình. Tuyên bố từ chức của Tổng thống Keita được đưa ra sau khi Thủ tướng Mali Boubou Cisse kêu gọi các binh sĩ tham gia đảo chính "hãy bình tĩnh và đối thoại với chính phủ để cùng tìm giải pháp", nhưng bị phớt lờ.
Một phát ngôn viên của quân đội Mali cho biết, hiện vẫn chưa rõ ai là người đứng đầu lực lượng nổi dậy và ai sẽ lãnh đạo đất nước khi ông Keita vắng mặt cũng như động cơ của cuộc nổi dậy là gì.
Thế giới sục sôi
Vụ đảo chính lần này làm dấy lên làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế khi lo ngại kịch bản năm 2012 tái diễn, và có khả năng sẽ gây bất ổn hơn cho quốc gia Tây Phi này sau nhiều tháng chứng kiến các cuộc biểu tình chống chính phủ và một cuộc nổi dậy đang ngày càng gia tăng từ các phiến quân Hồi giáo.
HĐBA LHQ cũng triệu tập một cuộc họp khẩn trong ngày 19-8. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã yêu cầu “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện” cho Tổng thống Keita và các thành viên trong chính phủ. Người đứng đầu LHQ cũng hối thúc tất cả các bên liên quan, đặc biệt là các lực lượng vũ trang và an ninh, giảm căng thẳng và duy trì các quyền cơ bản cho người dân Mali. Các quốc gia láng giềng Tây Phi đã ngay lập tức quyết định đóng cửa biên giới với Mali, đồng thời kêu gọi các nước đối tác hành động tương tự. Liên minh Châu Âu (EU) cùng Liên minh Châu Phi (AU) mạnh mẽ lên án âm mưu đảo chính ở Mali trong khi Cộng đồng các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) thông báo sẽ có một loạt hành động đáp trả, bao gồm cả các lệnh trừng phạt kinh tế sau vụ binh biến này.
Lên nắm quyền sau cuộc bầu cử được đánh giá như một “hình mẫu dân chủ” tại khu vực năm 2013 và tái đắc cử 5 năm sau đó, Tổng thống Keita đối mặt với những cuộc biểu tình kéo dài trong nhiều tháng qua trước khi bị bắt giữ ở căn cứ quân sự tại thị trấn Kati. Đây cũng là nơi xảy ra cuộc đảo chính quân sự cách đây 8 năm dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Amadou Toumani Toure và khiến phe nổi dậy càng hoạt động mạnh mẽ hơn.
Từng giúp Mali đẩy lùi các tay súng cực đoan năm 2013, Pháp đã chỉ trích mạnh mẽ cuộc binh biến, đồng thời kêu gọi các binh sĩ nổi dậy từ bỏ vũ khí và tôn trọng trật tự hiến pháp. Mỹ nhấn mạnh, nước này phản đối mọi hành vi lật đổ chính phủ đi ngược lại các khuôn khổ luật pháp.
KHẢ ANH