Mạo danh “Viện kiểm sát”, “Cục Cảnh Sát điều tra” lừa đảo gần nửa tỷ đồng

Thứ ba, 19/01/2021 11:22

Làm cả đời, ông Nguyễn Hồng Anh (quê Quảng Ninh) dành dụm được vài trăm triệu đồng dưỡng già, nhưng chỉ một lần mất cảnh giác, ông đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt toàn bộ tài sản. Với thủ đoạn mạo danh Cảnh sát điều tra (CSĐT), Viện Kiểm sát (VKS), nhóm đối tượng đã lừa lấy hết tiền của người bị hại.

Đối tượng lừa đảo giả quyết định phê chuẩn lệnh bắt tạm giam và phong tỏa tài sản.

“Điều tra” nửa ngày qua điện thoại

Ông Nguyễn Hồng Anh (trú Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) kể lại: Sáng 12-10-2020, khi đang ngồi tại phòng thuê trọ thì chuông điện thoại của ông đổ dồn. Vừa bấm máy, dứt câu a lô, đầu dây bên kia giọng một người đàn ông sang sảng: Ông có phải là Nguyễn Hồng Anh không? “Đúng rồi”, ông Anh đáp. Lập tức, người gọi đến liền trấn an: “Trước tiên ông cứ bình tĩnh. Chúng tôi là người của cơ quan luật pháp, đang điều tra một chuyên án lớn về buôn bán ma túy và rửa tiền tại TP Hồ Chí Minh, trong đó ông là người có liên quan”…
Mặc dù ông Anh khẳng định mình không liên quan gì hoặc người gọi đến có sự nhầm lẫn nhưng người này nói tiếp: “Ông không thể chối được đâu, bằng chứng rất rõ ràng. Ông đã mở một tài khoản, trong tài khoản có rất nhiều tiền. Bây giờ ông cứ giữ máy và ngồi yên trong nhà, không được để cho bất kỳ ai nghe, chúng tôi sẽ chuyển máy ngay cho Cục Điều tra – Bộ CA đang thụ lý chuyên án và đại diện VKS”. 

Ngay sau đó, họ chuyển máy qua một đường dây để ông nói chuyện với “cán bộ Cục điều tra và đại diện VKS”. Những người này thay nhau đe dọa rằng, ông Anh đã bị cơ quan pháp luật khởi tố, phê chuẩn lệnh bắt tạm giam. Quá trình nói chuyện, họ luôn hỏi đi hỏi lại về chuyện tôi mở tài khoản để rửa tiền và liên quan đến buôn bán ma túy khiến tâm lý ông Anh bắt đầu lung lay. “Suốt từ 8 giờ sáng đến 2 giờ chiều, họ không cho tôi ngắt máy, kể cả lúc ăn cơm” – ông Anh kể. 

Sau nửa ngày “điều tra”, để xác thực, họ gửi qua zalo cho ông Anh một quyết định của VKS do ông Bùi Mạnh Cường- Phó viện trưởng VKSND TP Hồ Chí Minh có đóng dấu đỏ và dấu “MẬT”. Quyết định ghi rõ khởi tố tôi về tội: “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, “rửa tiền”. Nội dung quyết định ghi: “Phê chuẩn lệnh bắt tạm giam và phong tỏa tài sản đối với ông Nguyễn Hồng Anh. Yêu cầu Cục CSĐT tội phạm TP Hồ Chí Minh thực hiện quyết định này trước 16 giờ ngày 12-10-2020 theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự nước CHXHCN Việt Nam”. 

Sau đó, có một “cán bộ” ngỏ lời an ủi, nói sẽ đứng ra bảo lãnh và yêu cầu ông Anh lập tức mang toàn bộ giấy tời tùy thân vào TP Hồ Chí Minh để hợp tác điều tra. Cụ thể, họ yêu cầu ông Anh thành khẩn khai thật hiện toàn bộ tài sản tiền mặt hiện có là bao nhiêu? Rồi họ yêu cầu muốn chứng minh trong sạch thì làm thủ tục chuyển hết tất cả số tiền gần 500 triệu đồng vào một tài khoản của CSĐT. 

“Họ yêu cầu tôi ra ngân hàng rút tiền để chuyển qua một tài khoản của cơ quan điều tra mang tên Hà Thị Thục Anh. Quá trình rút và chuyển tiền, tuyệt đối không được nói với ai lý do chuyển, và không tiết lộ gì về chuyên án tôi đang bị điều tra. Trường hợp nhân viên ngân hàng hỏi, cứ nói chuyển cho người nhà đang cần tiền là đủ. Họ bảo tôi mà tiết lộ cơ mật, sẽ lập tức cho người tới đọc lệnh bắt tại chỗ” - ông Anh kể lại. 

Quyết định khởi tố các đối tượng lừa đảo làm giả gửi cho ông Anh qua zalo.

Kịch hạ màn, “ẵm” gần nửa tỷ đồng

Bắt thóp được tâm lý ông Anh đang lo lắng và tuân thủ phối hợp “điều tra”, nhóm đối tượng bắt đầu hướng dẫn ông thực hiện quy trình đến ngân hàng rút và chuyển tiền. Với số tiền lớn, ông Anh phải rút và chuyển 2 lần vào tài khoản mang tên Hà Thục Anh, trong đó một lần 300 triệu và 1 lần 135 triệu đồng. Đúng như lời dặn, quá trình rút và gửi tiền, ông Anh làm theo răm rắp lời “cơ quan điều tra” dặn, mỗi khi nhân viên ngân hàng hỏi đến. Sau khi chuyển xong tiền, khoảng 16 giờ 30 cùng ngày, các đối tượng sử dụng zalo gọi lại cho ông Anh báo rằng: “Cơ quan CSĐT đã nhận được tiền và cảm ơn ông hợp tác rất nghiêm túc. Ngay đêm nay, Cục điều tra sẽ tiến hành xác minh thần tốc, nếu ông không liên quan gì đến đường dây rửa tiền và ma túy, 9 giờ sáng ngày mai (tức 13-10-2020), ông gọi lại theo số zalo của chúng tôi sẽ được thông báo kết quả. Và ông trong sạch, chúng tôi sẽ hoàn tất thủ tục chuyển số tiền tạm giữ lại cho ông”. 

Nhưng lúc vở kịch hạ màn cũng là lúc nickname zalo của các đối tượng biến mất cùng gần nửa tỷ đồng “tạm giữ điều tra”. “Đúng giờ hẹn ngày hôm sau, tôi liên lạc lại và truy cập qua zalo không còn bất cứ dấu vết gì. Lúc này tôi mới điện thoại kể lại sự việc cho người thân, ai cũng nói tôi bị lừa. Sau đó 2 ngày tôi đã liên hệ với CAQ Sơn Trà nhờ vào cuộc điều tra, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả...”. 

Theo lãnh đạo Phòng ANĐT – CATP Đà Nẵng, trong vòng khoảng 2 năm qua, rất nhiều nạn nhân tương tự đã nhận được văn bản mạo danh CSĐT, VKS để lừa đảo. Chúng gọi điện rồi gửi giấy triệu tập, quyết định khởi tố giả qua zalo. Tất cả các giấy triệu tập và lệnh bắt đều được đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ máy tính làm Scan. Thậm chí, có trường hợp còn sử dụng hình có trang phục ngành CA trên trang mạng cá nhân của mình. Cơ quan CSĐT khuyến cáo, tất cả người dân không được tin vào điều này, bởi nếu giả sử cơ quan CA có gửi một giấy triệu tập, hoặc bất kỳ lệnh gì thì quá trình điều tra, cán bộ CA tuyệt đối không trao đổi qua mạng xã hội. 

“Những vụ việc lừa đảo theo hình thức này, cơ quan điều tra cũng đã báo cáo Ban giám đốc CATP và giám đốc đã có chỉ đạo các phòng ban nghiệp vụ của CATP phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, đồng thời thông tin rộng rãi để người dân cảnh giác, tránh những hậu quả xấu xảy ra ảnh hưởng đến ANTT”,  đại diện Phòng ANKT cho biết. 

CÔNG HẠNH