Mặt bằng Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi qua địa bàn tỉnh Quảng Nam: Khó hoàn thành trước ngày 30-8-2016

Thứ sáu, 26/08/2016 11:30

(Cadn.com.vn) - Làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng mới đây, lãnh đạo Quảng Nam cam kết hoàn thành bàn giao mặt bằng Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi qua địa bàn tỉnh trước ngày 30-8 đến. Tuy nhiên hiện nay, do nhiều nguyên nhân mà một số địa phương như Núi Thành, Phú Ninh, Thăng Bình mặt bằng dự án vẫn còn ách tắc, việc cam kết trên khó thực hiện được.

Người dân xã Tam Mỹ Đông trình bày bức xúc về mức đền bù hỗ trợ.

Không công bằng?

Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển quỹ đất Núi Thành, đến nay công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi qua địa bàn huyện đã hoàn thành đối với đoạn qua 4 xã; 4 xã còn lại là Tam Xuân 1, Tam Mỹ Tây, Tam Mỹ Đông và Tam Nghĩa còn một số ách tắc. Theo đó, một số nơi bị ách tắc do sơ suất của cán bộ kiểm kê áp giá đền bù hoặc do người dân yêu cầu trên mức quy định mà UBND tỉnh Quảng Nam đưa ra. Cụ thể như tại xã Tam Mỹ đông có 11 trường hợp, trong đó có 4 trường hợp bị giải tỏa nhà cho rằng giá thấp, yêu cầu bồi thường chênh lệnh giá; 7 trường hợp đất ở không có nhà nhưng cho rằng giá hỗ trợ suất đầu tư hạ tầng của UBND tỉnh còn thấp so với giá thực tế họ mua trước đây.

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Châu Ngọc Ba (trú thôn Phú Quý 3, xã Tam Mỹ Đông) đại diện cho các hộ dân nơi đây cho biết: “Bà con chúng tôi mua đất từ năm 2001, mỗi lô diện tích 200m2 (10x20). Một số hộ khác cũng mua cùng thời điểm nhưng diện tích chỉ 100m2 (5x20). Thế nhưng khi dự án cao tốc đi qua, huyện áp giá đền bù họ cũng nhận được nửa suất đầu tư hạ tầng là 62 triệu đồng, trong khi đó diện tích chúng tôi gấp đôi những cũng chỉ nhận bằng của họ. Do đó, người dân chúng tôi không đòi hỏi chính quyền tăng giá mà chỉ đòi hỏi sự công bằng”.

Lý giải cho vấn đề trên, ông Phan Châu Hoàng – Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất chi nhánh Núi Thành cho rằng các hộ trên được thực hiện theo khung của Quyết định do UBND tỉnh đưa ra: “Những hộ diện tích nhỏ do không có điều kiện nên mua lô nhỏ, còn người có diện tích lớn cũng không mất cái gì lớn, mỗi người phải biết hy sinh một ít. Bên cạnh đó chúng tôi còn để lại diện tích đất tái định cư (TĐC) ở khu vực Gò Gai để khi họ được nhận tiền hỗ trợ với tiền bồi thường thì họ vô mua lại đất TĐC sẽ đủ 200m2...”- ông Hoàng nói thêm.

Bên cạnh đó, những hộ được áp giá phê duyệt sau ngày 1-1-2015 thì được hỗ trợ trượt giá, những hộ được áp giá nhận tiền trước đó lại không được hỗ trợ trượt giá nên cũng gây tâm lý so bì cho người dân. “Lúc kiểm kê thì các gia đình bị ảnh hưởng cũng kiểm kê cùng lúc như nhau. Chúng tôi tin tưởng chính sách đền bù của Nhà nước nên nhận tiền đền bù và di dời trước. Còn những hộ chây ì không chịu di dời thì giờ lại được hỗ trợ thêm tiền trượt giá, như vậy là không công bằng”- hộ bà Nguyễn Thị Phú (thôn Phú Đa, xã Tam Mỹ Tây) nói. Ngoài ra, tại hai xã Tam Mỹ Đông và Tam Mỹ Tây còn gần 50 trường hợp do nhà làm mới tại các khu TĐC chưa xong nên chưa bàn giao mặt bằng.

Đơn vị thi công triển khai san lấp mặt bằng dự án đường cao tốc tại khu vực xã Tam Thái (H. Phú Ninh).  

Còn nhiều vướng mắc

Ở Tam Xuân 1 còn một số vướng mắc trong giải phóng mặt bằng đường cao tốc tại khu miếu thờ cúng thuộc Tổ đoàn kết số 10 (thôn Bích An) và khu vực đồng Gò Da, Gò Giảng, Ruộng Mậu. Các hộ này đề nghị lãnh đạo UBND huyện, đơn vị thi công, chủ đầu tư dự án và Trung tâm Phát triền quỹ đất chi nhánh Núi Thành trực tiếp đối thoại với bà con để giải quyết vướng mắc, yêu cầu thu hồi số diện tích đất còn lại bên phải tuyến...

Còn tại H. Phú Ninh, dù đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ nhưng địa phương này vẫn còn vướng gần 30 hộ dân chưa tháo dỡ nhà ở cùng các vị trí về hạ tầng khác chưa di dời. Trong đó khó nhất là các hộ dân chưa nhận tiền, chưa nhận đất TĐC. Cụ thể, có 6 hộ nằm ven QL40B thuộc địa bàn thôn Trường Mỹ và thôn Khánh Thọ (xã Tam Thái). Như hộ ông Hồ Văn Lý (trú thôn Khánh Thọ) dù được UBND tỉnh thống nhất bố trí 3 lô TĐC, song gia đình lại đòi thêm 1 lô nữa. Lý do hộ này đưa ra là họ còn thiếu 16,8m2 là đủ điều kiện bố trí 4 lô đất TĐC. Bên cạnh đó, hộ ông Lý còn đề nghị hỗ trợ di chuyển phần kết cấu nhà bằng gỗ... Hay hộ ông Đỗ Xuân Đồng (cũng trú thôn Khánh Thọ) yêu cầu bố trí thêm 200m2 đất TĐC, bồi thường các loại cửa trong nhà và 269,6m2 đất chênh lệch ngoài sổ đỏ từ đất trồng cây lâu năm sang đất vườn ao. Trong khi trước đó, thời điểm huyện gửi các quyết định bố trí TĐC, bồi thường hỗ trợ và giấy mời nhận tiền, ông Đồng đã ký hồ sơ nhưng lại từ chối lấy tiền và đất...

Trước việc chậm tiến độ trên, Chủ tịch UBND H. Phú Ninh Nguyễn Phi Thạnh nhận trách nhiệm về sự chậm trễ trong GPMB dự án cao tốc trên địa bàn thời gian qua. Nhằm khẩn trương hoàn thành tiến độ bàn giao mặt bằng, ông Thạnh đề nghị Sở TN&MT bố trí cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh cùng tham gia tháo gỡ những ách tắc hiện nay. Trong khi đó, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (trực thuộc VEC) Hoàng Việt Hưng bày tỏ nguyện vọng H. Phú Ninh GPMB sớm ngay trong tháng 8, vì đoạn này liên quan đến gói thầu A1 do nhà thầu nước ngoài thi công.  

Nhằm khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các huyện trên chỉ đạo chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất phối hợp với Phòng TN&MT, Thanh tra huyện rà soát lại hồ sơ thủ tục, các bước đã thực hiện và việc trả lời đơn thư kiến nghị, khiếu nại của các trường hợp còn lại chưa nhận tiền, chưa bàn giao mặt bằng. Cạnh đó, lập kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị giải quyết, đảm bảo hoàn thành trước ngày 30-8 năm nay. UBND các xã liên quan và các tổ chức đoàn thể chính trị ở địa phương phối hợp với đơn vị chịu trách nhiệm GPMB tích cực vận động, yêu cầu các hộ chấp hành thực hiện, bàn giao mặt bằng đúng thời hạn. Bên cạnh đó, hoàn tất các hồ sơ, thủ tục cưỡng chế các hộ yêu cầu quyền lợi quá mức quy định cũng như những trường hợp đã nhận tiền đền bù hỗ trợ nhưng còn gây khó khăn, không chịu bàn giao mặt bằng. Đại diện lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu CA tỉnh và CA các địa phương bám sát tình hình, theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến trên địa bàn để chủ động xử lý.

Bão Bình