Máy bay Iran chở 66 người gặp nạn: “Xẻ núi” tìm kiếm nạn nhân

Thứ tư, 21/02/2018 10:08

Hàng loạt xe xúc tuyết tự động được triển khai trên dãy núi Zagros cao 4.409m cùng với hơn 100 thợ leo núi tham gia chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ máy bay chở 66 người trên khoang gặp nạn từ hôm 18-2 trong thời tiết -16 độ C.

Sau nhiều ngày mất tích, cuối cùng, ngày 20-2, các lực lượng tìm kiếm của Iran phát hiện các mảnh vỡ máy bay chở 66 người trên khoang gặp nạn ở đỉnh Dena thuộc dãy núi Zagros, chấm dứt những đồn đoán trong nhiều giờ qua về số phận của chuyên cơ này.

Lực lượng cứu hộ Iran tìm kiếm mảnh vỡ máy bay mất tích ở dãy núi Zagros. Ảnh: AFP

Nỗ lực tìm kiếm xuyên đêm

Máy bay thương mại ATR-72 chở 60 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn gặp nạn gần thị trấn miền núi hẻo lánh Semirom, cách thủ đô Tehran khoảng 620km về phía nam. Máy bay đang trên đường từ Tehran đến thành phố miền nam Yasuj và biến mất ở dãy núi Zagros vào khoảng 45 phút sau khi cất cánh. Các nhân chứng thông báo với truyền thông địa phương rằng, có khả năng máy bay đã cố gắng hạ cánh khẩn cấp tại một đồng cỏ trước khi gặp nạn.      

Hàng chục đội cứu hộ khẩn cấp thuộc các cơ quan quản lý khủng hoảng tỉnh Kohgiluyeh và Boyer-Ahmad đã được triển khai tới hiện trường để tìm kiếm người bị nạn. Theo ông Sharif, từ ngày 19-2, máy bay của quân đội bắt đầu xác định cẩn thận khu vực địa lý nơi máy bay có thể đã rơi vào sáng nay, 2 máy bay trực thăng của không lực đã được đưa tới vị trí đó. Hàng loạt xe xúc tuyết tự động được triển khai trên dãy núi Zagros cao 4.409m. Hơn 100 thợ leo núi cũng tham gia chiến dịch tìm kiếm máy bay trong thời tiết -16 độ C. “Đêm qua, một số người ở lại trên núi và phối hợp với các hướng dẫn viên địa phương tìm kiếm tất cả các khe núi”, ông Mansour Shishefuroosh, người đứng đầu một trung tâm khủng hoảng khu vực, nói với hãng tin ISNA. Khoảng 500 bức ảnh chụp từ các máy bay không người lái đã được phân tích để tìm kiếm máy bay mất tích.

Đống đổ nát bị vùi trong tuyết

Sau 2 ngày tuyết rơi và sương mù dày đặc, thời tiết cuối cùng đã ấm lên trong ngày 20-2, giúp các nhóm trực thăng tham gia tìm kiếm nhìn thấy rõ các mục tiêu hơn. “Các trực thăng của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) phát hiện mảnh vỡ máy bay trên đỉnh Dena thuộc dãy núi Zagros”, phát ngôn viên Ramezan Sharif nói với IRIB.

Theo AFP, các cảnh quay từ máy bay trực thăng cho thấy đống đổ nát bị vùi trong tuyết rơi trên núi Zagros. Một phóng viên của IRIB cho biết đã nhìn thấy “xác người nằm rải rác khắp máy bay”. Vấn đề khó khăn đặt ra hiện nay là tìm kiếm những nạn nhân trong khi các quan chức cảnh báo, thời tiết xấu sẽ tiếp tục gây trở ngại cho công tác cứu hộ. “Những vết đứt gãy sâu và nguy hiểm trong khu vực vụ tai nạn cùng với sương mù dày đặc khiến máy bay trực thăng cứu nạn không thể hạ cánh”, ông Ghafoor Rastinrooz, Giám đốc trung tâm y tế khu vực, cho biết. “Trực thăng đang thả các đội cứu hộ ở nơi gần nhất có thể, vì vào khu vực hiện trường tai nạn là rất khó”, Ali Abedzadeh, người đứng đầu Tổ chức Hàng không Dân dụng Iran cho biết. Theo ông, chỉ có những người leo núi chuyên nghiệp và được đào tạo mới có thể đến đó, đến gần máy bay để tìm kiếm các nạn nhân. Các nhân viên cứu trợ khẩn cấp đang cố gắng tới hiện trường bằng đường bộ.

Iran và mối lo an toàn bay

Vụ việc lần này làm gia tăng những lo ngại về an toàn hàng không ở Iran, vấn đề đã trở nên nghiêm trọng hơn do các lệnh trừng phạt quốc tế qua nhiều năm. Trên thực tế, sau nhiều thập niên hứng chịu trừng phạt quốc tế, các máy bay thương mại chở khách của Iran ngày càng cũ kỹ và các vụ tai nạn thường xuyên xảy ra trong các năm gần đây.

Máy bay gặp nạn lần này là loại hai động cơ ATR-72 của hãng Aseman Airlines, hoạt động từ năm 1993. Aseman Airlines bị Ủy ban Châu Âu (EC) đưa vào “danh sách đen” vào tháng 12-2016 do có nhiều quan ngại về giám sát an toàn bay. Aseman đã bị buộc phải “cho nghỉ hưu” nhiều chiếc máy bay do những khó khăn trong việc mua phụ tùng thay thế. Trong báo cáo trình bày với Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế của LHQ (ICAO) vào năm 2013, Iran cho biết, các lệnh trừng phạt của Mỹ ngăn không cho họ “mua lại các bộ phận, dịch vụ và hỗ trợ cần thiết cho an toàn hàng không”.

Sau thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc, Iran ký hợp đồng mua hàng chục máy bay chở khách của Airbus và Boeing, nhưng vấn đề vẫn chưa được cải thiện nhiều.

KHẢ ANH