Máy cày lên ruộng bậc thang

Thứ năm, 14/05/2020 15:43

Chuyện như một kỳ tích tưởng không bao giờ có nhưng lại xuất hiện trên vùng biên giới Việt-Lào: Máy cày đã lên thôn Kino, A Xan, H. Tây Giang, Quảng Nam. Giờ thì người Cơ Tu đã biết dùng máy cày cho những thửa ruộng bậc thang, xa rồi cái thời nhọc nhằn đội mưa, đội nắng  phát rừng làm rẫy.

Ruộng bậc thang ở thôn Kino, A Xan, Tây Giang.

Vượt qua cây cầu treo vắt ngang dòng suối Kaon nước trong xanh mát rượi, nhìn rõ từng đàn cá đang thi nhau vượt thác, Hối Tiến - Trưởng thôn Kino dẫn chúng tôi về thăm làng mình. Đã từng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của cánh đồng Chuôr - một danh thắng ở  trung tâm xã A Xan, nhưng lần này chúng tôi thật sự choáng ngợp trước những cánh đồng ruộng bậc thang ngút ngát xanh rì màu lúa đang thời con gái trên dãy núi  T'râm.

Già làng Hối Rít đón chúng tôi từ đầu làng, vừa đi vừa giới thiệu, thôn có 173 hộ,  đã có  đủ điện sinh hoạt, đường ô-tô đã vào tận nơi, có trường học từ mầm non đến tiểu học cho lũ trẻ, cả thôn đã có hơn 10 em tốt nghiệp và đang theo học các trường đại học trên cả nước. Già làng Hối Rít khoe: "Thôn mình vẫn còn hộ nghèo, nhưng không còn hộ đói". 

Từ phong trào xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, diện tích ruộng bậc thang trồng lúa nước đã được bà con Cơ Tu ở Kino tích cực khai hoang, mở rộng, đến nay cả thôn đã có hơn 100ha, nhiều hộ gia đình có tới trên 5ha như gia đình Ploong Rếch, Hối Riêng, Zơ Râm Bối... và cả gia đình Già làng Rít. Chăn nuôi cũng phát triển, đàn bò của thôn có hơn 130 con, hơn 100 con trâu, heo, gà, vịt nhà nào cũng có. Ruộng lúa nước ở Kino bây giờ có diện tích nhiều nhất trong các thôn ở Tây Giang, năng suất lúa cũng cao nhất. "Tất cả nhờ vào công của Trưởng thôn ta đấy" - chỉ vào Hối Tiến, già làng Rít tự hào. 

Hối Tiến sau khi tốt nghiệp Trung cấp Thú y ở Đà Nẵng, trở về làng được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn Kino. Nhận trọng trách này, Tiến trăn trở lắm, đời sống bà con trong thôn vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhất là vẫn còn nhiều hộ đói, nguyên nhân diện tích ruộng của thôn nhiều, nhưng kỹ thuật canh tác của bà con còn lạc hậu, nên năng suất lúa thấp, nhiều hộ vẫn bỏ ruộng lên rừng phát nương rẫy. Đã một thời là sinh viên, rồi qua nghiên cứu sách báo, tài liệu, Tiến chợt nhận ra, với diện tích cả hơn trăm héc-ta ruộng lúa nước của thôn, sao không đưa máy móc lên sản xuất để tiết kiệm công sức, thời gian của bà con, lại cho năng suất cao hơn.

Bà con Cơ Tu dùng máy cày bừa ruộng bậc thang ở thôn Kino, A Xan, Tây Giang.

Nghĩ là làm, Tiến âm thầm vượt gần 200km về Đà Nẵng, vào Điện Bàn, Tam Kỳ tìm hiểu các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tại một cơ sở kinh doanh máy móc ở thị xã Điện Bàn, Tiến nhận thấy có thể đưa loại máy cày có công suất nhỏ phù hợp với loại hình ruộng bậc thang ở quê mình, giá thành máy lại phù hợp với điều kiện người dân, dễ sửa chữa khi hỏng hóc. Trở về Kino, Tiến cùng với già làng tổ chức họp toàn thôn, bàn chuyện mua máy cày lên cày ruộng. Nghe Tiến giảng giải về các loại máy, loại máy nào phù hợp với ruộng bậc thang ở Kino, bà con trong thôn ưng cái bụng lắm, ai cũng muốn có ngay cái máy để về cày ruộng cho nhanh, cho đất tốt, cây lúa nhiều hạt. 

Tùy theo giá máy, loại máy chạy xăng 11 triệu, loại chạy dầu 8 triệu, bà con tổ chức thành từng nhóm, mỗi nhóm 5 hộ gia đình góp tiền mua một chiếc máy cày, tổng cộng cả thôn mua được 13 chiếc máy, cơ sở kinh doanh từ Điện Bàn chở tận lên thôn cho bà con và hướng dẫn cách sử dụng.  Hối Tiến bảo, có máy cày, năng suất tăng lên rõ rệt. Trước đây để cày một héc-ta ruộng bằng sức trâu phải mất 3 đến 4 ngày, nay một máy trong ngày có thể cày được 2 ha ruộng. Đất cày bừa bằng máy dễ gieo hạt giống, dễ cấy lúa, thời gian làm đất rút ngắn, cây lúa gieo trồng đúng thời vụ, lúa tốt cho năng suất cao gấp nhiều lần trước kia.

Ông Bling Mia - Chủ tịch UBND H. Tây Giang cho biết, huyện đã đề nghị Phòng Nông nghiệp, UBND xã A Xan và bà con nhân dân thôn Kino báo cáo thành tích để khen thưởng, biểu dương, tuyên truyền cho toàn huyện học tập, nhân rộng mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật  vào sản xuất của nhân dân thôn Kino; đồng thời có kế hoạch đầu tư trang thiết bị cho bà con nhân dân sản xuất như ở Kino.

HỒNG THANH