Mẹ quê ra phố
(Cadn.com.vn) - Một nhà báo tên tuổi, từng lên rừng xuống biển, ra Bắc vào Nam, xuất ngoại năm châu bốn bể, thạo tất tật chuyện đông tây kim cổ, vậy mà khi được hỏi chọn nơi nào để sống, ông nói ngay “Đà Nẵng”, dù đấy không phải là nơi chôn nhau cắt rốn. Ông bảo: tôi khẳng định điều này là bởi đã sống lâu ở đâu thì quen nơi đó thôi. Có dạo ở Sài Gòn tuần lễ, khi chuẩn bị trở về Đà Nẵng ông bỗng nôn nao lạ lắm. Người ta háo hức bởi các chuyến đi, còn ông thì náo nức được trở về.
Vòng vo như vậy để nói về chuyện những người Mẹ quê ra phố.
Bây giờ mình đang ở phố, cách quê nhà Quảng Nam chừng 60 cây số. Trong những bài thơ mình viết về quê hương và Mẹ, có những câu thuộc nằm lòng. Nhiều lần rong ruổi về quê, khi ánh mặt trời đỏ lự khuất dần sau rặng núi, gió đồng cứ thế mà vi vút thổi, mình lại nhẩn nha mấy câu thơ: “...Mẹ chừ da mồi tóc bạc/ liêu xiêu ngọn gió đông về/ thương con ngậm ngùi nỗi nhớ/ một đời dầu dãi với quê...” (Mừng sinh nhật – NĐN). Thú thật, trong những câu thơ đó mình có chút “ghen tỵ” với... quê, vì có vẻ như Mẹ thương quê hơn thương mình chăng? Thổ lộ suy nghĩ này với những người bạn “nửa quê nửa phố” như mình, ai cũng cười cười bảo, với Mẹ quê thì sống ở quê bao giờ cũng là sự lựa chọn số một!
Mấy năm gần đây, Mẹ càng già yếu, mình muốn đưa Mẹ ra sống cùng con cháu. Ở phố chuyện đi lại, miếng cơm miếng nước chu đáo, tươm tất hơn nhưng dường như điều đó không phải là sự cần thiết đối với Mẹ. Giã từ quê hương làng mạc, Mẹ buồn nhưng vẫn bảo: “Thôi thì bay tính răng cũng được, tau ra ở ít bữa rồi tau về”. Mình hiểu Mẹ có ý muốn chiều theo ý con trai, muốn được nương tựa vào con trai, đói no gì cũng theo con trai. Lời Mẹ làm cho mình cảm thấy được lớn lên đôi chút. Rồi lại nhớ đến câu “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, đời Mẹ không nhiều chữ nghĩa nhưng gia giáo ấy đã thấm sâu như là sự mặc định của đời Mẹ.
Quê hương bao giờ cũng khắc khoải trong lòng Me. |
Mấy chuyện lặt vặt trong nhà, mình ngại mẹ già yếu, muốn mẹ nghỉ cho thảnh thơi, nhưng Mẹ kiên quyết không chịu. Mẹ muốn được túc tắc làm. Một thời mưa bom bão đạn, đói cơm lạt muối, Mẹ xông pha hết hang cùng ngõ hẻm, không nề hà bất cứ công việc gian khổ hiểm nguy nào để nuôi con lớn khôn. Giờ rảnh rang ở phố, Mẹ làm sao tránh khỏi cảm giác nhàm chán, thừa thãi.
Lâu lâu Mẹ lại đòi về quê. Quê mình ở xa, đường sá lầy lội ổ gà ổ voi, Mẹ đi xe đò nắng mưa thất thường làm mình thắt ruột. Tuổi già di chuyển nhiều không có lợi, nên mình hay ép Mẹ ở lại với phố. Khổ nỗi cứ mỗi lần thế, Mẹ lại cố tìm việc lặt vặt làm cho hết thời gian. Nhưng thời gian ở phố đôi khi bỗng dài dằng dặc với Mẹ. Con đi làm, cháu đi học. Mẹ thẫn thờ ngồi trong nhà nhìn ra ngõ. Nhà ở ngoại ô, phố vắng thưa người. Đôi mắt nhăn nheo mờ đục của Mẹ nhìn về đâu vậy? Phải chăng đó là lúc Mẹ mông lung nhớ quê da diết với vô vàn ký ức những ngày vất vả? Đó là ngọn đồi trước nhà, nơi có nấm mộ của Cha mình đã chia tay gia đình gần 40 năm trước, nơi có con đường nhỏ vắt qua cánh đồng nõn xanh lúa trổ đòng, nơi có mùi hương hoa cau ngan ngát đêm trăng trước ngõ, nơi quanh vườn lúc nào cũng chiêm chiếp tiếng gà con ùa chạy, nô đùa theo mẹ tìm mồi...
Ở phố này, mỗi khi nghe chớp bể là Mẹ nghĩ đến mưa nguồn, mỗi khi ngồi ăn miếng ngon là nghĩ đến củ sắn củ khoai của thời thiếu cơm lạt muối. Lòng Mẹ cứ bâng khuâng thương thương nhớ nhớ đồng quê. Tuổi già không còn được bao nhiêu sức vóc, vậy mà cứ hỏi hỏi han han, coi chuyện ở quê là không thể thiếu như cơm ăn nước uống hàng ngày. Mẹ quê ở phố là vậy!
Mình đi làm, trực đêm trực hôm, công việc giao tiếp, lắm khi mệt mỏi ồn ã cả tuần, thứ bảy chủ nhật có lúc cũng bù khú vui vẻ với bạn bè. Cũng muốn đưa Mẹ đi chơi nhiều nhiều ở đâu đó, nhưng ở phố này đi hoài cũng hết, nhà người ta cũng bộn bề ngổn ngang bao chuyện nên có dạo Mẹ cứ hoài quanh quẩn ở bức tường vôi, ngõ hẹp. Mỗi khi thấy Mẹ bần thần ngồi nhìn ra cửa mà lòng se thắt vô cùng.
Ngẫm ngợi mãi rồi cũng phải viết ra những dòng này. Viết mà trong lòng ít nhiều day dứt bởi hiểu rằng khi Mẹ ở phố, đừng tưởng chỉ cần lo miếng cơm, miếng nước chu toàn là Mẹ mãn nguyện. Mẹ già rồi, không đòi hỏi gì nhiều, ăn uống cũng chỉ quanh quẩn bát cơm, chén canh. Viết để nhủ mình rằng cái Mẹ cần là niềm vui tinh thần, được sum vầy bên con bên cháu, được trò chuyện, được nhìn thấy con cháu hạnh phúc.
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh có những câu thơ thật hay:“Xưa tôi sống trong làng/ giờ làng sống trong tôi”. Còn với Mẹ, rõ ràng ai cũng từng có chín tháng mười ngày “ngủ trong lòng Mẹ”. Và bây giờ Mẹ cùng con ra ở phố, sự ân cần, nâng niu, tôn kính Mẹ chẳng biết bao nhiêu mới gọi là đủ?
Nguyễn Đức Nam
(Viết nhân mùa Vu Lan 2013)