Mexico - quốc gia nguy hiểm nhất đối với nhà báo

Thứ ba, 22/06/2021 21:03

Theo nghiên cứu của Ủy ban Bảo vệ các nhà báo (CPJ), cơ quan điều tra các cuộc tấn công nhằm vào báo chí trên toàn cầu, Mexico là quốc gia “chết chóc” nhất đối với các nhà báo trên thế giới vào năm 2020, chiếm gần 1/3 tổng số nhà báo bị sát hại trên toàn thế giới trong năm 2020.

Tưởng nhớ nhà báo Miroslava Breach (trái) và Javier Valdez (phải) bị sát hại trong hai cuộc tấn công khác nhau ở Mexico năm 2017.   Ảnh: AP

Bị bắn chết khi đang tác nghiệp

Israel Vazquez, 31 tuổi, một nhà báo chuyên viết về những vấn đề “nóng”, bị sát hại vào tháng 11-2020 khi đang đưa tin về việc phát hiện một nhóm người không mảnh vải che thân bị bỏ lại trong một nhà thờ ở Salamanca, bang Guanajuato, Mexico. Vazquez đang chuẩn bị phát trực tiếp câu chuyện trên Facebook thì hai người đàn ông đi trên một xe máy chạy ngang qua và bắn anh. Vazquez chết sau khi bị bắn ít nhất tám viên đạn. “Chúng tôi rất buồn. Anh ấy chỉ đang làm công việc của mình. Bạo lực đã gia tăng quá nhiều”, Victor Ortega, quản lý trang mạng El Salmantino, nơi Vázquez làm việc, cho biết.

Theo Causa en Comun, một tổ chức phi lợi nhuận ghi nhận các hành vi bạo lực ở Mexico, năm 2020, ít nhất 922 người là nạn nhân của bạo lực cực đoan tại bang Guanajuato, con số cao nhất cả nước. Celaya, một thành phố khác của bang này, nằm cách Salamanca khoảng 30km, được coi là thành phố nguy hiểm nhất thế giới vào năm 2020, theo xếp hạng của Hội đồng Công dân về An ninh Công cộng và Tư pháp Hình sự. Tháng 6 năm ngoái, 20 vụ giết người được ghi nhận tại thành phố này chỉ trong 24 giờ.

Vụ nhà báo Vazquez bị bắn chết vẫn đang được điều tra, nhưng anh không phải là phóng viên duy nhất bị sát hại ở Mexico vào năm 2020. Theo Tổ chức Phóng viên không biên giới, ít nhất 8 nhà báo bị giết tại nước này vào năm ngoái, khiến Mexico trở thành quốc gia “chết chóc” nhất đối với các nhà báo. “Danh hiệu” này có nghĩa là các nhà báo Mexico hiện đang gặp nguy hiểm hơn cả những đồng nghiệp đang tác nghiệp ở những vùng chiến sự.

Đây không phải là lần đầu tiên Mexico dẫn đầu danh sách này kể từ khi CPJ bắt đầu theo dõi bạo lực chống lại các cơ quan truyền thông vào năm 1992. Nhà báo Maria Elena Ferral bị bắn tám phát giữa ban ngày ở bang Veracruz vào ngày 30- 3. Cũng tại bang này, Julio Valdivia bị chặt đầu vào ngày 9-9. Nhà báo Jorge Miguel Armenta avalos bị bắn chết vào ngày 16-5. Jaime Daniel Castano, giám đốc một cơ quan truyền thông ở Zacatecas, đã chụp ảnh hai thi thể bị bỏ rơi trên đường phố, và ngay sau đó, anh ta bị bắn vào tháng 12. Victor Fernandez bị chặt thành nhiều mảnh ở Acapulco,  và thi thể của anh được tìm thấy vào tháng 4. Tất cả các trường hợp này vẫn đang được điều tra, và hầu hết các giả thuyết đều cho rằng các nhà báo trên bị giết vì đã điều tra mối liên hệ giữa tội phạm có tổ chức và các quan chức tham nhũng.

Các nhà báo ở Guadalajara, Mexico biểu tình sau khi 3 đồng nghiệp của họ bị sát hại.  Ảnh: EPA

Nhà báo không được bảo vệ

Các nhà vận động tự do báo chí hy vọng rằng tình hình bạo lực nhằm vào các nhà báo sẽ được cải thiện sau khi Tổng thống Andres Manuel Lo-pez Obrador lên nắm quyền điều hành đất nước vào năm 2018. Ông Obrador đã cam kết giải quyết vấn đề bạo lực đối với các nhà báo và trừng phạt thủ phạm. Nhưng các cuộc tấn công nhằm vào các nhà báo vẫn tiếp tục tăng lên trong bối cảnh công chúng có thái độ thù địch chưa từng có đối với giới truyền thông bởi Tổng thống Obrador thường xuyên chỉ trích các nhà báo và các nhà hoạt động độc lập trong các cuộc họp báo hàng ngày. Báo cáo thường niên của Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) đã tố cáo một loạt hành động của Tổng thống Obrador, người có xu hướng đả kích các cơ quan truyền thông quốc gia và cả quốc tế trong các cuộc họp của mình. AI cho rằng, điều này làm suy yếu báo chí và tạo ra một “môi trường thuận lợi cho việc kiểm duyệt, trừng phạt và lạm dụng luật pháp để đe dọa báo chí”.

Pedro Vaca, báo cáo viên đặc biệt của Ủy ban Nhân quyền Châu Mỹ nhận xét “động thái của Tổng thống Obrador có thể ngầm coi như một sự  cho phép, một sự khích lệ đối với việc tấn công các nhà báo, dẫn đến bạo lực chống lại các cơ quan truyền thông”.

Ngoài ra, Chính phủ Mexico cũng đã làm suy yếu sự bảo vệ đối với các nhà báo khi liên tiếp cắt giảm kinh phí điều tra các vụ sát hại nhà báo. Dự án Cartel, được điều phối bởi Forbidden Stories - một mạng lưới toàn cầu gồm các nhà báo điều tra có nhiệm vụ tiếp tục công việc của các phóng viên bị đe dọa, kiểm duyệt hoặc đã bị sát hại - đã tiết lộ chi tiết về việc các nhà báo thậm chí đã bị theo dõi bởi các đơn vị tình báo có tổ chức. “Các băng nhóm tội phạm thường câu kết với chính quyền địa phương, dẫn đến việc các nhà báo không chỉ bị nhắm đến mà còn không tìm được sự giúp đỡ nào từ các cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ họ. Chính quyền liên bang đã không làm gì để ngăn chặn bạo lực. Kết quả là phần lớn các tội ác chống lại báo chí không bị trừng phạt, từ đó thúc đẩy và khuyến khích nhiều cuộc tấn công hơn nhằm vào các nhà báo”, Jan-Albert Hootsen, đại diện của CPJ Mexico cho biết.

“Mexico đang phải chịu một cuộc khủng hoảng nhiều mặt liên quan đến tự do báo chí. Tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn trong vài năm qua, và lên đến đỉnh điểm khi nước này trở thành quốc gia nguy hiểm nhất thế giới đối với các nhà báo vào năm 2020”, Jan-Albert Hootsen, đại diện của CPJ Mexico cho biết. “Đối với việc các nhà báo bị giết hại, điều quan trọng là phải đưa nó ra ánh sáng vì họ bị tấn công với mục đích là ngăn thông tin của họ đến với xã hội”, Itzia Miravete, điều phối viên phòng ngừa tại Article 19, một tổ chức bảo vệ quyền tự do ngôn luận, nói. “Khi một nhà báo bị sát hại ở bất kỳ nơi nào vì đưa tin về một vấn đề được công chúng quan tâm, đó không chỉ là một thông điệp chống lại cơ quan truyền thông nơi người đó làm việc mà còn là mối đe dọa đối với toàn bộ lĩnh vực báo chí và xã hội. Các nhà báo khác đang điều tra một vụ án tham nhũng hay vụ việc những kẻ đứng sau một băng đảng tội phạm có tổ chức chắc chắn sẽ phải suy nghĩ rất lâu trước khi đưa tin về chúng, bởi họ sợ sẽ gặp nguy hiểm”, Pedro Vaca, báo cáo viên đặc biệt của Ủy ban Nhân quyền Châu Mỹ cho biết. 

AN BÌNH