Miền cao chống khát
(Cadn.com.vn) - Từ cả tháng nay, người dân thị trấn Tắc Pỏ và xã Trà Mai, H. Nam Trà My (Quảng Nam) lâm vào tình trạng khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt. Suối Nước Lang – nơi cung cấp nước duy nhất dẫn về sinh hoạt cho cả vùng đang cạn kiệt. Những ngày qua, do nguồn nước cung cấp yếu dần, đã xảy ra tình trạng người dân tranh giành, gây gổ để chiếm chỗ đấu ống dẫn nước. Nếu không có phương án kịp thời để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt lâu dài, chắc chắn cuộc sống người dân sẽ đối mặt với nhiều khó khăn.
GIÀNH NHAU “VÉT” NƯỚC
Ngoài một số gia đình đoán trước được tình hình, tích trữ nước bằng thùng phuy, bể chứa, can nhựa thì rất nhiều khu dân cư phải đi lấy nước theo kiểu ăn đong. Hằng ngày, các hộ gia đình, các cơ quan cũng như công trình xây dựng đều phải cắt cử người ngược rừng lên suối Nước Lang để dẫn nước về phục vụ sinh hoạt. Nơi gần nhất là thôn 1 của xã Trà Mai cũng cách suối khoảng 15 phút đi bộ, còn những gia đình ở xã thì có thể phải nối ống dẫn nước gần 2km. Chị Hoàng Thị Thuận (người dân thôn 1 xã Trà Mai) cho biết, tình trạng này đã xảy ra hàng tháng trời, giờ ở trên suối người dân phải giành nhau chiếm vị trí để dẫn nước, đường ống bùng nhùng như vòi bạch tuộc.
“Nhiều lúc người đặt ống sau làm xê dịch của người trước nên cãi nhau. Những lúc cao điểm phải chen lấn giành chỗ, gây gổ với nhau nữa. Nhiều người hì hục cả ngày trời kéo được đường ống dài hàng cây số thì về đến nhà chẳng thấy nước đâu. Kiểm tra lại thấy bị rách, bị bể, lại phải cắt rừng đi kiểm tra, suốt ngày khổ sở với nước”, chị Thuận kể. Còn nhà bà Nguyễn Thị Huệ - sống ngay bên đường dẫn lên trung tâm huyện, một vị trí rất gần với dòng suối thì cho hay, thiếu ăn, cúp điện cũng khổ nhưng còn đối phó được, chứ thiếu nước thì bi kịch lắm. “Cứ phải canh me đi giữ đường ống. Hôm nào giành được chỗ xấu thì nước đục ngầu, lại chảy lí rí, nhìn mà ngao ngán. Ăn uống, tắm rửa, vệ sinh cũng phải tằn tiện”, bà Huệ cho biết.
Hệ thống đường ống nước bùng nhùng kéo dài hàng cây số. |
Không chỉ sinh hoạt gia đình, nhiều nhà ở, công trình công cộng đang trong quá trình xây dựng cũng bị giảm tiến độ chỉ vì thiếu nước. Anh Thọ - một người dân tại thị trấn đang xây nhà cho hay, thời gian qua khổ sở vì thiếu nước để trộn hồ, bảo dưỡng, nấu ăn cho thợ. Sáng nào gia đình anh cũng dậy từ sớm để đi đấu nối, kiểm tra đường ống mới có nước cho việc xây dựng. Công trình nhà ở cũng vì chuyện này mà chậm tiến độ, kéo dài nhiều tháng trời.
Bắt đường ống cao su dài gần 1km, nước dẫn về nhà nhỏ giọt. |
NGUY ĐẾN NƠI!
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi men theo đường mòn tại thôn 1 xã Trà Mai để mục sở thị “túi nước” đang cạn dần của cả vùng. Mặc dù không rành vùng rừng núi này nhưng theo hướng dẫn của bà con, chúng tôi bám theo “hệ thống” đường ống nhựa bùng nhùng chạy dọc con suối đã khô kiệt ngược dốc 15 phút là đến nơi. Khác với khung cảnh của những suối nước thường thấy ở vùng miền núi, suối Nước Lang cạn kiệt, nước vàng khè, đục ngầu.
Ông Hồ Văn Xý (người dân xã Trà Mai) đang cùng đứa con trai phát quang một bụi rậm để thọc ống nhựa dẫn nước về nhà cho biết: “Hồi trước lấy nước phía dưới chân núi, càng lâu không còn nước bà con phải nối ống chuyển lên phía trên. Tui chuyển sau phải phát quang bụi để luồn ống qua khe đá mới mong có nước”. Trước mắt chúng tôi, la liệt ống nhựa, ống cao su đủ kích cỡ nằm chồng chéo nhau như vòi bạch tuộc, nhiều ống nằm chỏng chơ giữa nắng, không hề có nước dẫn về. Cả một vùng rộng dưới chân suối Nước Lang xơ xác vì người dân liên tục quần thảo để “vét” nước.
Tìm chỗ lắp ống dẫn nước từ suối về nhà. |
Ông Lê Ngọc Kích – Phó chủ tịch UBND H. Nam Trà My thừa nhận câu chuyện thiếu nước sinh hoạt đang trở thành vấn đề nan giải của người dân vùng thị trấn Tắc Pỏ và xã Trà Mai trong thời gian qua. Nhưng cho đến nay, mùa khô hạn bắt đầu vào cao điểm vẫn chưa biết phải xoay xở như thế nào. “10 năm qua, huyện liên tục đề xuất tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng công trình nước sạch cho vùng này nhưng cho đến nay tỉnh vẫn chưa quyết. Dự án gần 10 tỷ đồng đã được lập, phê duyệt lâu lắm rồi nhưng hiện tại nó vẫn không có mặt trong danh mục đầu tư năm 2014 của tỉnh”, ông Kích cho hay.
Theo ông Nguyễn Đình Tân – Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng H. Nam Trà My, khoảng 500-600 hộ dân trong vùng cộng với 700 học sinh trường bán trú, trường THPT huyện đang khốn đốn vì thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Ông Tân cho hay, từ ngày thành lập huyện đến nay người dân phụ thuộc hoàn toàn vào 4 công trình nước tự chảy. Đến nay các công trình này hoặc bị hư hỏng do xuống cấp hoặc bị mưa lũ cuốn hết nên từng nhóm dân cư phải kéo nhau dẫn nước hàng cây số về chia ra sử dụng. “Nếu không có mưa thì chỉ trong vòng chưa đến 1 tháng nữa là hết nước. Lúc đó không biết tình hình sẽ như thế nào”, ông Tân lo lắng.
Công Khanh