Miền Tây xứ Nghệ “nóng” tình trạng buôn bán người (2)
* Kỳ cuối: Gian nan cuộc chiến với tội phạm buôn người
(Cadn.com.vn) - Theo hồ sơ quản lý của các cơ quan chức năng, những đối tượng nghi vấn, đối tượng theo dõi và đối tượng quản lý tại địa phương trước đây vốn là những nạn nhân của bọn buôn người. Sang bên kia biên giới, khi đã có cuộc sống tạm ổn, họ tìm cách trở về quê hương. Nhưng thay vì tố cáo người đã bán mình, họ lại nảy lòng tham, rủ rê, lừa phỉnh người thân, bạn bè rồi đưa sang Trung Quốc bán.
Các nạn nhân của bọn buôn người được Phòng CSĐTTPVTTXH CA tỉnh Nghệ An giải cứu. |
Muôn kiểu "hàng" người
Đầu tháng 6-2015, qua công tác nắm tình hình tại địa bàn, CAH Tương Dương phát hiện có dấu hiệu hoạt động của một nhóm đối tượng nghi đang tổ chức mua bán người. Theo đó, Chuyên án 615M được thành lập. Ngày 11-6, tại bản Piềng Khứ, xã Lạng Khê, H. Con Cuông, lực lượng ban chuyên án (BCA) đã tiến hành giải cứu 3 cháu bé là Moong Thị Út (2001), Moong Thị Nọt (2001) và Moong Thị Hai (2002, tất cả đang học lớp 7, trú bản Na Bè, xã Xá Lượng, H. Tương Dương) đang trên đường đi xuống TP Vinh để các đối tượng đưa sang Trung Quốc bán. Tiến hành đấu tranh làm rõ, ngày 18-6, Cơ quan CSĐT CAH Tương Dương đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lô Thị Kiều (1982, trú bản Xiềng Líp, xã Yên Hòa) và Moong Thị Kiều Anh (1994, trú bản Na Bè, xã Xá Lượng) về hành vi "Mua bán trẻ em". Tại cơ quan CA, Lô Thị Kiều khai nhận, cùng với Moong Thị Kiều Anh phỉnh dụ các cháu nhỏ đi sang Trung Quốc giúp việc sẽ được ăn sung mặc sướng, có lương cao chuyển về cho gia đình. Nghe theo lời rủ rê, 3 cháu nhỏ Út, Nọt, Hai đã sập bẫy 2 "mẹ mìn".
Ngày 14-7, Cơ quan CSĐT CAH Kỳ Sơn đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Lô Thị Lăm (1994, trú bản Piêng Pèng, xã Mỹ Lý, H. Kỳ Sơn) về hành vi mua bán người. Là một trong những nạn nhân của bọn buôn người, sau khi bị bán sang Bắc Kinh (Trung Quốc), nhận thấy nhu cầu cần người trên đất khách là rất lớn, Lăm đã gọi điện về cho 2 người bạn là Vi Thị Nham (1993) và Vi Thị Sơn (1982, cùng trú bản Piêng Pèng) để rủ rê sang Trung Quốc. Sau khi Nham và Sơn sang đến nơi, Lăm đã bán các bạn cho 2 người đàn ông Trung Quốc để làm vợ. Theo đó, Nham bán với giá 150 triệu đồng, Sơn 90 triệu đồng. Sống cuộc sống khổ cực, ô nhục nơi đất khách, 2 nạn nhân đã trốn được về và viết đơn tố cáo Lăm lên cơ quan CA.
Mới đây nhất, tối 3-8, Quang Thị Mun (1985, trú bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, H. Kỳ Sơn) đã lừa Lương Thị Ngọc (1999) và Lương Thị Dần (1986, cùng trú bản Pủng, xã Mường Ải, H. Kỳ Sơn) để đưa sang Trung Quốc bán. Tuy nhiên, khi đang yên vị trên ô-tô BKS 14B-014.47 hành trình Vinh - Quảng Ninh, đến địa phận xã Diễn Hồng, H. Diễn Châu thì bị lực lượng BĐBP Nghệ An phối hợp với Trạm CSGT 1/5 Phòng CSGT CA tỉnh Nghệ An bắt giữ.
Theo số liệu thống kê tại Phòng CSĐTTP về TTXH CA tỉnh Nghệ An, chỉ tính từ năm 2014 đến tháng 7-2015, đơn vị đã khởi tố 16 vụ mua bán người, khởi tố hơn 30 bị can và giải cứu hàng chục nạn nhân. Điển hình như: tháng 10-2014, Lô Thị Hợi (1995, trú bản Canh Khịt, xã Yên Hòa) và Vi Thị Pồn (1988, trú bản Đình Tài, xã Xiềng My, H. Tương Dương) bị bắt giữ khi đang đưa 4 nạn nhân sang Trung Quốc để bán. Dù biết 3 trong số 4 cô gái này đang mang thai, nhưng Hợi và Pồn vẫn nhẫn tâm lừa phỉnh. Táng tận lương tâm hơn là trường hợp lừa bán cả con gái và cháu ngoại qua bên kia biên giới của Vi Thị Vân (1971, trú xã Môn Sơn, H. Con Cuông). Vân lấy chồng Trung Quốc, tháng 8-2014 thì trở về Việt Nam dụ dỗ, lừa chính con ruột mình là chị Lô Thị Thành (1993, đã có chồng) cùng cháu ngoại Vi Thị Thùy Ân (2012) đưa sang Trung Quốc với mục đích để bán. Tại Trung Quốc, Vân ép con gái phải lấy chồng là người Trung Quốc thì Thành cương quyết từ chối. Không ép được con, Vân gọi điện về cho con rể bắt phải chuộc Thành với giá 30 triệu đồng...
Hai đối tượng trong Chuyên án 615M bị CAH Tương Dương bắt giữ. |
Quyết liệt trong đấu tranh, ngăn chặn
Để ngăn ngừa và đấu tranh có hiệu quả với tội phạm mua bán người, thời gian qua, CA tỉnh Nghệ An đã triển khai có hiệu quả nhiều kế hoạch, trong đó đáng chú ý là thực hiện Đề án 2/CT 130/CP, do Phòng CSĐTTPVTTXH chủ trì. Thông qua CA các đơn vị, địa phương, đặc biệt là tại các địa bàn nhức nhối về tệ nạn mua bán người từ trước đến nay, đã tập trung khảo sát tình hình tội phạm mua bán người. Qua đó, lập danh sách các nạn nhân bị bán và những đối tượng có tiền án về tội "Mua bán người"; xác minh các đường dây, nhóm có biểu hiện nghi vấn hoạt động mua bán người để có kế hoạch đấu tranh, triệt xóa.
Tại các địa bàn như Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn..., lực lượng CAH phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức vận động, tuyên truyền đến tận bà con dân bản những hệ lụy, tác hại của việc mua bán người thông qua các hình thức như sân khấu hóa, kết hợp với phát động phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm.
Đại tá Nguyễn Văn Hùng - Trưởng CAH Tương Dương cho biết, tội phạm mua bán người trên địa bàn vẫn còn tiềm ẩn những vấn đề phức tạp. Một số đối tượng tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, do cuộc sống khó khăn, bị lừa bán sang Trung Quốc, lấy chồng sinh con rồi quay về tìm cách dụ dỗ, lôi kéo người quen sang bán. Nhiều chị em đã tự nguyện đi, thậm chí giấu cả chồng con. "Song song với việc đấu tranh quyết liệt với tội phạm mua bán người, công tác tuyên truyền cũng đã được CAH Tương Dương chú trọng. Bên cạnh đó là tăng cường quản lý cư trú và công tác quản lý tạm trú, tạm vắng tại cơ sở" - đại tá Hùng nói.
Trong khi đó, Đại tá Nguyễn Văn Đề - Trưởng CAH Kỳ Sơn cho biết, do trình độ dân trí ở các xã miền núi còn thấp nên dễ bị bọn buôn bán người dụ dỗ. Thủ đoạn của các đối tượng buôn người hết sức tinh vi, xảo quyệt, chúng liên lạc thông qua nhiều "kênh" trung gian để qua mắt cơ quan chức năng. Khó khăn nhất trong vấn đề xử lý bọn tội phạm buôn người là những nạn nhân sau khi trốn được về nhà, đa số đều im lặng, không dám nói ra những điều tủi nhục trong thời gian lưu lạc ở xứ người. Chính điều này gây khó khăn trong công tác điều tra đối với lực lượng chức năng, và cũng là kẽ hở để tội phạm buôn người tiếp tục ẩn mình và hoạt động.
X.S