Miền Trung cần sớm đầu tư hệ thống neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá ngư dân
(Cadn.com.vn) - Mới đây, tại buổi làm việc tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh nhấn mạnh Chính phủ ưu tiên tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, các khu cảng, neo đậu, trú tránh bão cho tàu thuyền khu vực miền Trung. Tuy nhiên, đến nay, các địa phương chưa chú trọng đầu tư khu neo đậu cho tàu cá của ngư dân.
Tại Hội nghị phát triển bền vững Vùng Duyên hải miền Trung vừa được tổ chức tại Quảng Nam, ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trên địa bàn 9 tỉnh, thành phố miền Trung có 17 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá với sức chứa khoảng 11.225 tàu có công suất dưới 400CV.
Riêng Quảng Nam có 3 khu gồm: An Hòa, Cù lao Chàm và Hồng Triều. Trên thực tế, các khu này vẫn tận dụng điều kiện tự nhiên là chủ yếu và chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh của ngư dân và yêu cầu tránh, trú trong tình huống thiên tai.
Một số những nguyên nhân hạn chế tác dụng của hệ thống neo đậu tránh trú bão gồm: thiết kế, xây dựng không đồng bộ do thiếu nguồn kinh phí, hệ thống luồng vào không đảm bảo do luôn bị bồi lấp. Khó khăn của các khu neo đậu trong vùng đã tập trung ngư dân vào một số khu có điều kiện kết cấu hạ tầng đảm bảo và dịch vụ tốt gây tình trạng quá tải và ngư dân phải trả phí dịch vụ cao.
Thực tế âu thuyền Thọ Quang, Đà Nẵng đã được sự quan tâm đầu tư mở rộng, tuy nhiên lại đặt trong tình trạng quá tải, nhất là vào các mùa mưa bão. Hiện khu neo đậu Thọ Quang (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) với sức chứa khoảng 800 tàu nhưng thực tế số lượng tàu neo đậu trên địa bàn TP đã lên tới 1.800 tàu (Đà Nẵng: 1.200 chiếc, ngoại tỉnh: 600 chiếc).
Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCLB&TKCN TP Đà Nẵng, việc thiếu âu thuyền tránh bão không chỉ gây khó khăn cho bà con ngư dân về nơi neo đậu, mà còn ảnh hưởng đến vấn đề phát triển đánh bắt hải sản ở địa phương.
Ông Thắng cho biết: Việc không có âu thuyền khiến bà con ngư dân rất lo lắng, nhất là trong mùa mưa bão. Cũng chính vì lẽ này mà bà con chưa mạnh dạn trong đầu tư ngư lưới cụ để phục vụ khai thác trên phá và đánh bắt xa bờ. Khi có bão, âu thuyền phải mở cửa cho tàu tất cả các tỉnh miền Trung.
Mỗi đợt bão hay áp thấp nhiệt đới, âu thuyền Thọ Quang luôn ở trong tình trạng quá tải. Qua các cơn bão gần đây thì số lượng tàu thuyền neo đậu tăng gấp 2 – 2,5 lần so với thiết kế, có nhiều tàu tận dụng gốc cây, chướng ngại vật trên bờ để neo, buộc, nhiều thuyền phải gửi vào các khu vực khác.
Đó là chưa nói đến việc lượng tàu neo đậu, lưu trú tăng, nguy cơ về an toàn phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường luôn diễn biến phức tạp, khó lường với chức năng của mình, Ban Quản lý không thể kiểm soát hết được các nguy cơ xảy ra, cần có lực lượng chức năng hỗ trợ...
Khu neo đậu Thọ Quang luôn trong tình trạng quá tải, đặc biệt là vào mùa mưa bão. |
Theo Quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 1349/2011/QĐ-TTg, vùng miền Trung sẽ có 72 khu neo đậu, tránh bão cho tàu thuyền. Tổng vốn đầu tư thực hiện quy hoạch 11.230 tỷ đồng.
Theo ông Huỳnh Vạn Thắng để đảm bảo an toàn cho ngư dân và tạo niềm động lực cho ngư dân tiếp tục đóng tàu vươn khơi bám biển khai thác hải sản, bảo vệ chủ quyền biển đảo thì cần phải nhanh chóng đầu tư thêm các âu thuyền tránh bão.
Chính phủ đã có Quyết định số 346/QĐ-TTg ngày 15-3-2010 về việc Phê duyệt quy hoạch cảng cá, bến cá Đà Nẵng đến năm 2020, trong đó cảng cá Thọ Quang là cảng cá loại I đồng thời bổ sung thêm 1 âu thuyền tại Đà Nẵng.
Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT có trình phương án đầu tư thêm khu neo đậu Cảng cá cửa sông Hàn khoảng 50ha cạnh khu đô thị Mân Quang và cầu Dương nhưng vẫn chưa được TP phê duyệt...
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng cũng cho rằng, Đà Nẵng nói riêng, miền Trung nói chung đang chồng chất những tai họa của thiên tai, mà bão là một trong những mối nguy đến với bà con ngư dân bất cứ lúc nào. Để bà con ngư dân yên tâm đầu tư phương tiện, vươn khơi bám biển để đánh bắt thủy hải sản, rất cần những dự án khu neo đậu tàu thuyền ổn định.
Xuân Đương