Mong chờ sự đột phá!

Thứ hai, 21/01/2019 11:24

Mỹ cuối cùng đã chốt địa điểm tổ chức thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, dự kiến diễn ra vào khoảng cuối tháng 2 tới.

Phát biểu với báo giới, ông Trump nói: “Chúng tôi đã chọn một quốc gia”. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng không tiết lộ thêm chi tiết. Trước đó, nhiều nguồn tin cho biết, các công tác chuẩn bị hậu cần đang được diễn ra tại Việt Nam, quốc gia được chọn để đăng cai cuộc gặp này, nhiều khả năng diễn ra tại Hà Nội hoặc thành phố biển Đà Nẵng. Khi Mỹ đã xác nhận về hội nghị thượng đỉnh sắp tới như thế này, vấn đề tập trung hiện nay là nội dung trọng tâm trên bàn đàm phán và câu hỏi đặt ra là liệu có nhiều hy vọng cho một sự đột phá lớn hay không. 

Đã có những lời kêu gọi tăng cường nỗ lực ngoại giao của cả hai bên để đạt được phi hạt nhân hóa và giải quyết các vấn đề khác trong quan hệ song phương đóng băng hàng chục năm qua. Diễn biến cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và phái viên Triều Tiên, Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol tại Washington trong tuần qua đang mở ra nhiều kỳ vọng. Ông Kim Yong Chol đã thảo luận với nhà lãnh đạo Mỹ trong gần 2 giờ đồng hồ, với nội dung chủ yếu về phi hạt nhân hóa và hội nghị thượng đỉnh lần 2.

Không rõ chính xác những gì sẽ có trên bàn trong hội nghị thượng đỉnh lần 2, nhưng các bên chắc chắn sẽ cần phải thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao để tạo một sự đột phá. Sự đột phá ở đây chính là - các bước phi hạt nhân hóa ban đầu từ Bình Nhưỡng để đổi lấy “nhượng bộ từ Washington” như dỡ bỏ lệnh trừng phạt và tiến đến ký kết một hiệp ước hòa bình thật sự. Dù đạt được một thỏa thuận quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh lần 1 ở Singapore, tại đó Washington cam kết sẽ cung cấp bảo đảm an ninh cho Bình Nhưỡng để đổi lấy cam kết phi hạt nhân hóa sau này, nhưng Mỹ -Triều cho đến nay vẫn chia rẽ về những gì liên quan đến cụm từ “phi hạt nhân hóa hoàn toàn”. Các cuộc thảo luận giữa Washington và Bình Nhưỡng đã đạt mức thấp sau hội nghị thượng đỉnh ở Singapore và cho đến nay không mang lại kết quả thực sự.

Bình Nhưỡng khẳng định phi hạt nhân hóa sẽ bao trùm toàn bộ bán đảo Triều Tiên và đạt được thông qua cách tiếp cận theo từng giai đoạn, trong khi Washington yêu cầu phi hạt nhân hóa “hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”, trong khi vẫn giữ nguyên có lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng - bao gồm cả những biện pháp trừng phạt của HĐBA LHQ.

Trở ngại lớn nhất với quá trình phi hạt nhân hóa hiện nay là việc không bên nào chịu nhượng bộ trước. Và hy vọng mở ra khi trong thông báo về hội nghị thượng đỉnh lần 2, Mỹ đã tỏ ra cởi mở hơn với việc thực hiện tiến trình từng bước.

THANH VĂN