Mong ngày về...
(Cadn.com.vn) - "Có nghèo khó đến đâu thì vẫn còn con người để làm ra của cải, người ta vừa nghèo, vừa vĩnh viễn mất đi 1 lao động chính, vợ mất chồng, con mất cha... cái đó mới là thứ không gì bù đắp. Vậy nên, bằng mọi cách phải bù đắp cho họ..." lời vị chủ tọa khiến bị cáo Trần Thanh Long (1989, trú H. Hoài Nhơn, Bình Định) trân người trước vành móng ngựa...
Đại diện VKS công bố cáo trạng truy tố bị cáo Trần Thanh Long về tội "Giết người". Từng câu, từng chữ của bản cáo trạng như "cuốn phim" quay lại hành vi tội lỗi mà Long gây ra. Gia đình thuộc hộ nghèo nên bị cáo phải nghỉ học sớm để phụ cha mẹ nuôi hai em ăn học. Cuộc sống ở quê khốn khó nên Long lặn lội ra Đà Nẵng theo tàu đánh bắt hải sản. Trong số những bạn thuyền, Long vui mừng vì gặp được đồng hương là anh Nguyễn Văn Kích (1971). Những tháng ngày làm việc cùng nhau giữa Long và anh Kích vẫn "tình thương mến thương" nên khi sự việc xảy ra ai cũng bất ngờ.
Ngày 19-11-2015, sau một ngày làm việc vất vả, anh Huỳnh Tân V. chủ tàu cá cho tập trung anh em thuyền viên liên hoan. Cuộc nhậu tàn, anh em đi ngủ thì giữa anh Kích với Long cãi nhau về việc mắc võng ngủ trên tàu. Anh Kích gây gổ, dùng những lời lẽ thô tục xúc phạm Long nhưng Long cho qua và tiếp tục tìm võng để mắc. "Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng", anh Kích vẫn chửi bới Long nên Long mới lên tiếng "Chú lớn rồi mà còn đánh lộn làm gì nữa", nghe vậy, anh Kích xông đến đánh Long. Hai bên xô xát, anh Kích lấy một con dao ở bếp xông đến phía Long nhưng bị Long giằng được, đâm trúng ngực trái anh Kích làm nạn nhân tử vong. Sau khi gây ra án mạng, Long đã trốn về quê và sau đó ra đầu thú.
Long hối hận vì một phút nhất thời mà phải trả giá đắt. |
Trước tòa, Long khai rằng bị cáo không cố tình đâm anh Kích, chính vì giằng co qua về khi cầm được dao bị cáo không biết đâm trúng anh Kích lúc nào. Chỉ khi nghe có người hô lên "máu, máu" bị cáo nhìn qua thấy ngực anh Long có máu nên sợ quá bỏ đi. Long cho rằng, anh Kích là người có một phần lỗi. Anh là người lớn tuổi nhưng lại dùng những lời lẽ thô tục để nhục mạ bị cáo, sau đó lại xông vào đánh bị cáo, con dao gây án cũng là do anh Kích sử dụng trước. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng lời khai của bị cáo Long không chính xác, bởi nếu chỉ là giằng co thì không thể có nhát đâm sâu và dẫn đến cái chết như vậy (!).
Trước vợ bị hại, Long cúi đầu "Tôi biết giờ này có nói gì, làm gì cũng không thể mang chồng về cho chị, mang cha về cho 2 con của chị... Tôi đã sai, nếu như hôm đó tôi đã nhịn được đến nước đó tôi nhịn thêm chút nữa, nếu như khi giằng được con dao từ tay anh Kích tôi vứt dao rồi bỏ đi, giá như... Tôi ngàn lần mong chị tha thứ cho lỗi lầm này của tôi". Bị cáo nói đúng, nếu như những cái "nếu" và "giá như" ấy được bị cáo ý thức ngay từ đầu thì đã không có kết thúc đau buồn như ngày hôm nay.
Cùng chung cảnh nghèo phải tha hương kiếm sống, những tưởng cuộc sống của gia đình ở quê sẽ bớt gánh nặng, chẳng ai ngờ giờ người mất mạng kẻ vào tù. Đến tham dự phiên tòa với vai trò là người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cha bị cáo nghẹn ngào: "Mạng sống của con người là vô cùng quý giá, vẫn biết là như vậy. Tôi biết có đền bù bao nhiêu tiền đi nữa cũng không đổi được mạng người. 36 triệu đồng mà gia đình chúng tôi bồi thường cho gia đình bị hại có thể chẳng là gì so với nỗi đau của gia đình anh Kích nhưng với chúng tôi là cả một gia tài. Tôi đã phải vay mượn anh em họ hàng được ngần ấy, chỉ mong HĐXX xem xét...". Ông nhiều lần xin HĐXX xem xét số tiền mà gia đình bị hại yêu cầu bị cáo bồi thường, những lời ông nói ra vô tình nghe như đang cố tình "kì kèo" khiến vị chủ tọa phải lên tiếng: "Có nghèo khó đến đâu thì vẫn còn con người để làm ra của cải, người ta vừa nghèo, vừa vĩnh viễn mất đi một lao động chính, vợ mất chồng, con mất cha... cái đó mới là thứ không gì bù đắp. Vậy nên, bằng mọi cách phải bù đắp cho họ...".
Hành vi của bị cáo đã quá rõ, tuy nhiên trong vụ án này xét một cách công bằng vẫn có một phần lỗi từ bị hại. Nếu như bị hại biết cách cư xử đúng đắn với chuẩn mực của người đứng chức cha, bậc chú thì đã không có cảnh bi đát ngày hôm nay. Bị cáo đứng trước vành móng ngựa bởi tội lỗi mà mình đã gây ra là điều hiển nhiên. Đứng trên khía cạnh pháp luật hay đạo đức đều không thể tha thứ nhưng đằng sau bản án lại là những câu chuyện buồn xé lòng. Gia đình bị cáo nghèo, gia đình bị hại đói khổ, rồi đây cái vòng nghèo khổ ấy không biết hồi nào mới dứt. 8 năm tù là mức án mà TAND TP Đà Nẵng tuyên phạt bị cáo về tội "Giết người". Phiên tòa kết thúc, bị cáo có một mong muốn đó là sớm được quay về làm lại cuộc đời và hơn cả là làm ăn kiếm tiền tiếp tục bù đắp cho vợ con anh Kích.
Trang Trần