Một đêm với nghề đồ tể
(Cadn.com.vn) - “Đồ tể” là từ dùng để chỉ nghề của những người chuyên mổ lợn, trâu hay bò. Sau 3 đêm liền “mục kích” các lò mổ ở TP Huế, cảm giác ghê rợn và tâm sự của những người trong nghề cứ đan xen, khiến tôi không thể nghiêng hẳn về bên nào...
Đêm lò mổ
Đêm vừa chuyển khắc sang ngày mới, cũng là lúc tôi tìm đến lò mổ ở đường Nguyễn Lộ Trạch (Huế). Vì còn sớm, chưa đến giờ “vào ca” nên ở lò mổ này chỉ có lèo tèo ba, bốn người đàn ông gân guốc. Thấy người lạ đến họ vẫn thản nhiên làm công việc như mọi ngày của mình: người nhen lửa nấu nước, kẻ mài dao, người thì xịt nước tắm cho những chú lợn sắp được “hóa kiếp”... Chừng một tiếng đồng hồ sau khi củi bén, nước sôi thì một chú lợn béo nục được kéo ghì ngược ra bàn mổ. Vì nách đã bị cây thép mười có móc nhọn ngoắc rí vào, nên chú lợn ấy chỉ biết miễn cưỡng đi từng bước ì ạch theo chân người cầm thanh thép. Trong chuồng, những con lợn còn lại nhốn nháo, kêu eng éc.
Chưa đầy mười phút, trước mắt tôi hiện ra cảnh giết mổ rợn người. Ba người đàn ông tay nổi vằn, nổi vện nắm chặt lấy bốn chân rồi vật hích chú lợn đến 50kg lên bàn mổ. Sau đó người ghì hai chân trước, kẻ níu chân sau thật chặt để bác đồ tể khác tay trái ghì chặt mõm đẩy ngửa lui sau, tay phải thọc mũi dao nhọn hoắc, sắc lẻm vào... Mươi phút sau, một chú lợn khác được đưa ra bàn giết mổ... Cứ thế, tiếng gào rống thê thiết của lợn xé nát đêm đông, những đồ tể cứ im thông thốc, tay dao, tay móc thép hì hụi làm nốt công việc của mình: lấy huyết, trụng lợn, cạo lông, ra khổ, phân loại...
Lò mổ trên được chia làm 2 ô, cách ly nhau bằng bức tường cao hơn một mét. Bên này mổ lợn còn bên kia mổ bò. Cách mổ bò bên cạnh cũng khác hẳn: Nếu mổ lợn cần đến 3 người, thì mổ bò cần 2 người. Khi đã dắt bò ra vị trí mổ, người ta dùng búa tạ nện hết sức xuống đầu chú bò kia. Sau 2 búa giáng trời, chú bò đen to cao khuỵu hai chân trước và ngã kềnh nằm rệp xuống nền... Cứ thế, tang tảng sáng những đồ tể mới kết thúc công việc.
Anh H. cùng bạn trong cơ sở giết mổ lợn. |
Đồ tể kể về nghề đồ tể
Lợn 46 con, bò 3 con, những đồ tể nghỉ tay, nhường chỗ cho chủ lò phân phối thịt lợn, thịt bò cho các mối quen. Tôi mời họ vào ca-fé mở sớm ngay trước cổng để tiện chuyện trò. Anh H. (50 tuổi, trú P. Vỹ Dạ) có tuổi nghề... 26 năm giết mổ, cho biết: “Tôi làm nghề này lúc 24 tuổi đến nay đã được 26 năm trong nghề. Mỗi đêm như vậy, tui tự tay giết mổ khoảng từ 40-50 con lợn. Lúc đầu làm nghề này cũng hơi sợ, nhưng làm miết rồi cũng quen”. Điểm giọng bằng một ngụm nước trà, anh nói tiếp nhưng tầm mắt vẫn buông đi đâu: “Nhiều lúc cũng muốn bỏ nghề lắm. Nhưng giờ bỏ nghề này thì không biết làm việc chi. Vì cơm áo cho vợ con cả, chứ giờ mà nghỉ một, hai ngày là đói như chơi”.
Những người làm nghề này như anh H. thì mỗi đêm được chủ trả tiền công 150 nghìn đồng. Ai thạo nghề, biết “ ăn chùng, xẻ lén” thì một đêm thu nhập có khi đến 200 đến 300 nghìn đồng. Anh K.(46 tuổi, trú P. Xuân Phú), gương mặt sạm như ngả bùn, chua chát: “Nhiều thằng làm ở đây, ngày ngủ gặp ác mộng khiếp quá, tỉnh dậy một, hai nhất quyết bỏ nghề. Chừ bọn hắn chuyển sang chạy xích lô, xe thồ...” .
Theo anh K. riêng ở TP Huế có tất cả 3 lò mổ lớn nhỏ, một ở P. Hương Sơ, hai là ở Bãi Dâu và thứ 3 là ở Xuân Phú. 3 lò mổ này có đến gần 20 người hành nghề đồ tể. “Những người làm nghề này đa số là không có nghề nghiệp ổn định. Lúc đầu bảo làm cho vui, khi nào có việc khác sẽ bỏ nghề, nhưng rồi làm quen nên làm luôn... không dễ dứt nghề được”, anh K. trầm ngâm, rồi kết luận: “Mình không làm người khác cũng làm, mâm cơm còn thịt heo thì nghề này còn tồn tại. Cũng là nghề cả thôi. Giết mổ bằng máy móc hay bằng tay cũng là sát sanh. Ai cũng sợ sát sanh thì ai giết heo, bò để người khác mua bán, sử dụng?”.
Trời tảng sáng, tiếng dao thớt lốc cốc, leng keng của các bà hàng thịt khua rộn lên. Chúng tôi đứng dậy từ giã nhau ra về. Nhóm đồ tể thì bảo về dưỡng sức cho đợt làm tết, dự báo sẽ tăng nguồn cung lên gấp bảy, gấp chín lần. Còn tôi, tôi phải về ngủ, cho đến... nửa đêm hôm sau mới lò mò thức dậy ngồi vào bàn viết...
Hướng Hóa