Một trang sử hào hùng của dân tộc
(Cadn.com.vn) - Đúng ngày này 35 năm về trước (17-2-1979), quân và dân ta đã bước vào cuộc chiến tranh vệ quốc chống lại sự tấn công thô bạo của quân xâm lược Trung Quốc, viết thêm trang sử hào hùng của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Thầy giáo Nguyễn Quang Trung Tiến, Trưởng Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Huế là một nhân chứng, một người lính trong cuộc chiến. Nhân dịp này, Báo Công an TP Đà Nẵng phỏng vấn ông Nguyễn Quang Trung Tiến về chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, dưới góc nhìn của một nhà khoa học lịch sử đồng thời là một nhân chứng.
Bộ đội ta trong chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Ảnh: Tư liệu. |
P.V: Căn nguyên nào dẫn tới chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Trung Tiến: Trước hết, chiến tranh biên giới phía Bắc có sự liên can trực tiếp và gián tiếp của bối cảnh lịch sử cũng như quan hệ quốc tế lúc bấy giờ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Việt Nam đồng thời nhận được sự hậu thuẫn to lớn về viện trợ quân sự của Trung Quốc lẫn Liên Xô. Do quan hệ giữa Trung Quốc với Liên Xô ngày càng xấu đi (thậm chí xảy ra cuộc xung đột vũ trang căng thẳng ở biên giới Trung - Xô năm 1969), nên quan hệ Việt - Trung bắt đầu rạn nứt từ năm 1968, vì Trung Quốc không muốn Việt Nam duy trì giao hảo với Liên Xô. Sự thù địch với Liên Xô ngày càng đẩy Trung Quốc xích lại gần hơn với Mỹ.
Và dĩ nhiên, vì đối lập với Liên Xô, nên Mỹ đã không bỏ qua cơ hội đó, với việc đích thân Tổng thống Mỹ Richard Nixon đến thăm Bắc Kinh và đạt được thỏa thuận bắt tay với Trung Quốc về những vấn đề đôi bên cùng có lợi (trong đó có việc kiềm chế cách mạng Việt Nam), ra Thông cáo chung ở Thượng Hải ngày 28-2-1972. Đây cũng là nguồn cơn dẫn đến sự khoanh tay đứng nhìn của Đệ thất hạm đội Mỹ, khi Trung Quốc tấn công chiếm đóng Hoàng Sa của Việt Nam ngày 19-1-1974.
Sau cuộc bắt tay Trung - Mỹ, Trung Quốc luôn tìm cách trì hoãn, không ủng hộ chủ trương gấp rút giải phóng miền Nam của Việt Nam, và ngấm ngầm nuôi dưỡng thế lực Khmer Đỏ ở Campuchia làm hậu thuẫn cho kế hoạch phá hoại của mình. Để rồi, sau ngày giải phóng miền Nam, khi Việt Nam từ chối tham gia liên minh chống Liên Xô, Trung Quốc đã bật đèn xanh cho Khmer Đỏ (do Trung Quốc trang bị vũ khí, khí tài và làm cố vấn) đem quân đánh chiếm các đảo Phú Quốc và Thổ Chu đầu tháng 5-1975, thâm nhập lãnh thổ Việt Nam nhiều nơi, tàn sát hàng nghìn thường dân.
Trước hành động leo thang chiến tranh liên tục của Khmer Đỏ do Trung Quốc hậu thuẫn từ năm 1975 đến năm 1978, và việc Trung Quốc dựng lên sự kiện “nạn kiều”, cắt viện trợ, rút chuyên gia về nước, đóng cửa Đại sứ quán, cho quân đội khiêu khích dọc biên giới phía bắc; ngày 3-11-1978, Việt - Xô ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác cùng 5 nghị định kèm theo, tạo nên liên minh chính thức giữa hai nước nhằm giúp Việt Nam phát triển và đảm bảo cho sự đứng vững của Việt Nam trước áp lực nặng nề của Khmer Đỏ và Trung Quốc.
Việc chính thức liên minh với Liên Xô của Việt Nam đã khiến Trung Quốc tức giận, nên đã đốc thúc Khmer Đỏ mở cuộc tấn công xâm lược các tỉnh biên giới Tây-Nam của Việt Nam vào ngày 22-12-1978 với 19 sư đoàn bộ binh và nhiều đơn vị xe tăng, pháo binh. Quân dân Việt Nam đã dốc sức đánh tan cuộc xâm lược, đẩy lực lượng của Khmer Đỏ ra khỏi lãnh thổ; và theo đề nghị của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia, quân đội Việt Nam đã phối hợp cùng quân dân Campuchia tiến công tiêu diệt chế độ diệt chủng, giải phóng thủ đô Phnom Penh vào ngày 7-1-1979.
Thất bại của con cờ Khmer Đỏ làm Trung Quốc nổi giận quyết định động binh, tuyên bố “dạy cho Việt Nam một bài học”.
P.V: Là một người lính trong chiến tranh biên giới phía Bắc, ông cảm nhận thế nào về sức mạnh tấn công của Trung Quốc?
Ông Nguyễn Quang Trung Tiến |
Ông Nguyễn Quang Trung Tiến: Tôi xin không đưa ra nhận xét tổng quát nào về sức mạnh thực sự của Trung Quốc vào năm 1979, chỉ “mô tả” điều tôi đã chứng kiến cũng như nghiên cứu để tất cả chúng ta đưa ra nhận định riêng mình. Sáng 17-2-1979, Trung Quốc đưa quân tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam từ Quảng Ninh đến Lai Châu, với tổng quân số lên đến hơn 600.000 người (bao gồm 32 sư đoàn bộ binh, 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không cùng lực lượng lớn dân quân và dân công).
Do đại quân đang tập trung ở mặt trận Tây-Nam và trên lãnh thổ Campuchia, nên lực lượng quân sự của Việt Nam tại 6 tỉnh biên giới phía Bắc chỉ có 6 sư đoàn của Quân khu I và Quân khu II (gồm các sư đoàn: 325B, 3, 346, 316A, 345, 326) cùng bộ đội địa phương, công an vũ trang, dân quân du kích, tất cả chỉ khoảng 50.000 người. Tương quan lực lượng giữa Việt Nam với Trung Quốc trong buổi đầu của cuộc chiến quá sức chênh lệch là 1-12.
Quân Trung Quốc đã dùng chiến thuật “tiền pháo hậu xung”, lấy “biển người” để đồng loạt tấn công các vị trí xung yếu ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu, Hà Tuyên, Quảng Ninh. Bộ đội và dân quân các nơi tuy bị áp đảo về quân số, nhưng vẫn ngoan cường chiến đấu, chận đứng và từng bước đẩy lùi quân giặc, làm phá sản kế hoạch “đánh nhanh, thọc sâu, tiêu diệt lớn” của chúng, tiêu hao số lượng lớn sinh lực địch.
Sau hơn nửa tháng chiến đấu cầm chân địch trên hầu hết tuyến biên giới bằng lực lượng ít ỏi tại chỗ, các quân đoàn chủ lực ở phía Nam đã dùng cầu không vận tăng viện lên biên giới phía Bắc, khiến tương quan lực lượng thay đổi nhanh chóng. Ngày 5-3-1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ra lệnh tổng động viên, thể hiện quyết tâm quét sạch quân xâm lược để bảo vệ lãnh thổ quốc gia. Không thực hiện được kế hoạch đề ra và đứng trước nguy cơ bị tổn thất trầm trọng thêm bởi những đơn vị thiện chiến của Việt Nam đã được tăng cường, Trung Quốc tuyên bố “hoàn thành mục tiêu chiến tranh” và bắt đầu rút quân.
Giống thời Bình Ngô của Lê Lợi-Nguyễn Trãi, ngày 7-3-1979, Việt Nam thể hiện thiện chí hòa bình và lòng nhân đạo của dân tộc, tuyên bố cho phép Trung Quốc rút lui mà không rượt đuổi hay đánh chặn. Trung Quốc hoàn thành việc rút quân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam vào 18-3-1979 với tuyên bố không tham vọng dù “chỉ một tấc đất lãnh thổ Việt Nam”. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn đóng giữ một số vị trí dọc tuyến biên giới, phá hủy nhiều cột mốc, và đồn trú lực lượng quân sự trên suốt chiều dài biên giới hai nước, tiếp tục khiêu khích, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam.
Trong trận chiến tháng 2 và 3-1979, Việt Nam đã làm thương vong 62.500 lính Trung Quốc(trên 1/10 quân số tham chiến), đánh tan và gâythiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự các loại, phá hủy và tịch thu 115 khẩu pháo, súng cối hạng nặng. Phía Việt Nam bị tổn thất dù ít hơn nhiều lần, nhưng rất nặng nề, các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, thị trấn Cam Đường bị tàn phá, 400.000 gia súc bị chết và thất lạc, hàng chục nghìn héc-ta hoa màu tan nát, nhà cửa và tài sản nhân dân bị hủy hoại nghiêm trọng, khoảng 8.000 chiến sĩ hy sinh và 10.000 thường dân bị thiệt mạng.
P.V: Dưới góc nhìn của một người nghiên cứu, giảng dạy lịch sử, ông nhìn nhận thế nào về quan hệ Việt – Trung sau năm 1979?
Ông Nguyễn Quang Trung Tiến: Nhằm làm cho thế giới biết rõ tính chính nghĩa của mình, ngày 15-3-1979, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố Bị vong lục về vấn đề biên giới Việt -Trung, trong đó lên án cả việc Trung Quốc đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đến 28-9-1979, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố Sách trắng, giới thiệu 19 tài liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Sau ngày 18-3-1979, Trung Quốc vẫn tiếp tục cuộc chiến tranh biên giới, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, nên chiến sự vẫn tiếp diễn suốt 10 năm (1979-1989). Hành động của Trung Quốc buộc Việt Nam phải tăng cường binh lực thường trực ở biên giới để đối phó, và những cuộc đọ súng, đọ pháo qua về giữa hai bên diễn ra hằng ngày; thậm chí mỗi dịp Tết Nguyên đán, Việt Nam đưa yêu cầu ngừng bắn nhưng Trung Quốc vẫn bác bỏ.
Xen kẽ giữa các cuộc giao chiến nhỏ thường xuyên là những chiến dịch lớn trên đất liền và trên biển: Trong hai tháng 6 và 7-1980, pháo binh Trung Quốc tập trung tấn công bắn phá ở Cao Bằng. Trong hai tháng 5 và 6-1981, quân Trung Quốc tấn công các cao điểm ở Lạng Sơn, Hà Giang (lúc này Hà Giang và Tuyên Quang sáp nhập thành tỉnh Hà Tuyên). Từ tháng 4 đến tháng 7-1984, quân Trung Quốc lại mở nhiều đợt tấn công lớn ở Lạng Sơn, Hà Giang. Từ tháng 10-1986 đến tháng 1-1987, quân Trung Quốc lại mở nhiều đợt tấn công lớn ở Hà Giang. Từ tháng 4-1987 tới tháng 9-1989, quân Trung Quốc lại mở 11 cuộc tấn công ở Hà Giang. Ngày 14-3-1988, quân Trung Quốc dùng lực lượng hải quân tấn công quần đảo Trường Sa của Việt Nam, chiếm đóng bãi đá Cô Lin, bãi đá Len Đao và bãi đá Gạc Ma. Chiến sự đạt đến cao điểm nhất trong 10 năm này là thời điểm 1984-1985.
Ngày 26-9-1989, quân tình nguyện Việt Nam đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh quốc tế và rút khỏi Campuchia. Trong tháng này quân Trung Quốc cũng rút hết lực lượng khỏi các vị trí chiếm đóng trước đó của Việt Nam ở Hà Giang. Chiến tranh chấm dứt, mở ra quá trình thương lượng bình thường hóa giữa hai bên. Ngày 10-11-1991, hai bên ra “Thông cáo chung Việt Nam – Trung Quốc ” tại Bắc Kinh, chính thức khẳng định việc bình thường hóa giữa hai nước.
P.V: Xin cảm ơn ông!
N.L (thực hiện)