Mùa hoa dã quỳ ở miền núi lửa cổ

Thứ hai, 27/11/2017 16:59

Những bông hoa dã quỳ bắt đầu bung cánh báo hiệu của mùa khô ở Tây Nguyên bắt đầu. Quanh những ngọn núi lửa cổ đã tắt cả triệu năm vàng óng màu hoa hòa với sắc của nắng, của cây cỏ đại ngàn khiến mê mẩn lòng du khách. Mùa này, cứ thế lang thang qua những vùng núi lửa cổ mới thấy hết được vẻ đẹp của đại ngàn Tây Nguyên như một miền cổ tích.

Dã quỳ nở rộ trên các sườn đồi báo hiệu thời khắc chuyển tiếp giữa mùa mưa sang mùa khô ở Tây Nguyên.

Những miền núi lửa cổ triệu năm

Theo các tài liệu khoa học, Gia Lai có khoảng 25-30 ngọn núi lửa cổ đã tắt từ triệu năm trước, chính những dòng mắc ma phun trào đó đã tạo nên một cao nguyên rộng lớn. Cũng từ đó, hình thành nên những nền địa chất phong phú, những vùng cư dân sung túc, những thắng cảnh ít nơi nào có được và gắn liền là nền văn hóa của người dân bản địa. Những dấu tích đó vẫn còn hiện hữu với những vùng núi, thung lũng in hình hài miệng núi lửa. Du khách đến với Gia Lai luôn tìm đến những địa danh này để thưởng lãm vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú.

Về phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai, cách TP Pleiku khoảng 10km là ngọn núi lửa Hàm Rồng hay còn gọi núi Chư H'Drông như một bức bình phong phong thủy che chắn cho cư dân ở phố núi này. Với độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, Hàm Rồng được xem là điểm cao nhất của phố núi Pleiku. Vào cuối mùa mưa, khi cao nguyên trải dài trong nắng cũng là lúc núi Hàm Rồng được tô điểm bằng loài hoa dã quỳ trải dài ôm phủ sườn núi. Người Jrai có truyền thuyết rằng, thuở xưa, nàng H'Drông là con một vị tộc trưởng thế lực, giàu có trong vùng đem lòng yêu chàng trai Ralan Ly nghèo khó nhưng có tiếng đàn K'ni, đàn Goong say đắm. Bị gia đình nàng và cộng đồng ngăn cấm, 2 trái tim yêu đã bỏ làng ra đi tìm nơi ở mới. Lúc lũ làng tìm được họ, trong sự hỗn loạn, mũi tên của trai làng đã vô tình giết chết  H'Drông. Chàng Kly trong đau đớn bồng xác nàng H'Drông đi mãi đến khi gục xuống, tắt thở. Nơi họ nằm xuống bên nhau mọc lên ngọn núi mà người sau này gọi là núi Chư H'Drông (núi nàng H'Drông).

Ngược về phía Bắc, gần trung tâm TP Pleiku là địa danh được ví "đôi mắt Pleiku", núi lửa dạng âm Biển Hồ hay còn gọi là Tơ Nưng, là hồ nước ngọt khổng lồ với diện tích hơn 200ha. Người dân bản địa vẫn gọi đây là hồ không đáy vì chưa có thợ lặn nào có thể chạm vào điểm sâu nhất của hồ nước này. Không chỉ mênh mang sóng nước, in rõ những gợn mây khiến cảm giác như nơi đất trời hòa quyện, Biển Hồ còn như thiếu nữ e ấp khi mùa dã quỳ nở vàng quanh các lối đi hay rọi bóng xuống nước xanh. Men theo màu vàng của dã quỳ trải dài từ Biển Hồ dọc những con đường, khách du lịch ngỡ ngàng đứng trước ngọn núi lửa nguội từ triệu năm qua Chư Đăng Ya (xã Chư Đăng Ya, H. Chư Păh). Hàng năm, cứ vào tháng 10, 11, ngọn núi trở thành điểm đến để thưởng ngoạn hoa dã quỳ. Không chỉ vươn lên tỏa sắc giữa sườn đồi, hoa dã quỳ vàng cả những lối đi lên núi, vàng bên cả những bờ giậu vườn mỳ, khoai lang... Từ trên cao nhìn xuống, núi lửa cổ Chư Đăng Ya được bao bọc bằng những dãy núi trùng điệp và nổi lên giữa cánh đồng rộng lớn, phía xa thấp thoáng những nếp nhà của cư dân Jrai bản địa vương khói bếp. Sau những giờ đi bộ lên đỉnh, du khách sẽ thấy tận mắt hình hài thung lũng của một miệng núi lửa. Những dòng dung nham đã nguội lạnh, phong hóa đã làm cho mảnh đất này tươi tốt hơn bao giờ hết và thiên nhiên cũng phú cho nơi đây một "cánh đồng" dã quỳ triệu triệu bông cùng nở khoe sắc trên sườn núi. Nơi đây đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam (Vietkings) bình chọn là điểm đứng đầu trong Top 10 điểm đến hấp dẫn nhất tỉnh Gia Lai năm 2017.

Quyến rũ mùa hoa dã quỳ

Cùng với các điểm du lịch ở Tây bắc, Sa Pa hay Đà Lạt nhiều du khách từ các nơi tấp nập cũng chọn phố núi Pleiku là điểm đến mùa này để thưởng ngoạn dã quỳ. Trong cái se lạnh sáng sớm, hàng triệu bông hoa quỳ nở, từng vạt cỏ đuôi chồn bung hoa tím dọc đường cao nguyên, đường đến những miệng núi lửa triệu năm luôn là sự cuốn hút khó cưỡng với nhiều người. Cũng chính từ đó, tỉnh Gia Lai đã mạnh dạn giao cho H. Chư Păh nơi có địa danh này tổ chức Lễ hội hoa dã quỳ - Chư Đăng Ya 2017 diễn ra từ ngày 1 đến ngày 3-12 sắp tới. Cùng với việc tạo điểm đến cho những du khách đến thưởng ngoạn mùa dã quỳ, UBND H. Chư Păh cũng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, quảng bá du lịch với các sản phẩm ẩm thực, hàng lưu niệm... nhằm tạo nên sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa, mảnh đất, con người nơi đây. Nhiều hoạt động đáng chú ý như: trình diễn cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm, tạc tượng, thi bắn nỏ, đẩy gậy, đi cà kheo... tạo cho du khách có một điểm đến thực sự hấp dẫn.

Nhìn rộng ra, Gia Lai vẫn còn rất nhiều điểm du lịch gắn liền với hoa dã quỳ để tạo nên một "cung đường" lên núi lửa ngắm hoa dã quỳ. Bởi không chỉ ở Chư Đăng Ya, Gia Lai rất nhiều điểm để thưởng ngoạn dã quỳ đan xen với các danh lam, thắng cảnh. Ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở VH-TT-DL Gia Lai cho biết: "Để khai thác tiềm năng du lịch đến những núi lửa ở Gia Lai cần có những chiến lược dài hơi. Phải có sự đánh giá của những nhà khoa học cũng như chính sách hỗ trợ, đầu tư về nhiều mặt để biến những di sản địa chất núi lửa ở Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách. Từ đó biến những ngọn núi lửa cổ triệu năm thành thế mạnh phát triển du lịch của tỉnh".

MINH TÂN