Mua tiền ảo, mất tiền thật!

Thứ ba, 12/03/2019 18:00

Gần đây, Phòng Cảnh sát kinh tế (CSKT) CATP Đà Nẵng tiếp nhận nhiều đơn tố giác của người dân liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng tội phạm thông qua việc đầu tư đồng tiền kỹ thuật số (tiền ảo) như Bitcoin, Daycoin... Ngoài việc gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho các nạn nhân thì hành vi trên còn ảnh hưởng đến tình hình ANCT, TTATXH trên địa bàn thành phố. Điều đáng nói, việc điều tra, xác minh, làm rõ đối tượng phạm tội hiện gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy giải pháp căn cơ nhất là mỗi người dân phải có ý thức tự phòng tránh...

Cơ quan CSĐT CATP Đà Nẵng khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước chiêu thức lừa đảo mua bán tiền ảo để tránh “tiền mất, tật mang”.

Tiền mất...

Khoảng cuối tháng 3-2018, L.N.T.L có nhu cầu tìm việc làm nên đã liên hệ với số điện thoại đăng trên mục tuyển dụng của một tài khoản facebook mang tên T.T.T.H (trú Điện Thọ, Điện Bàn, Quảng Nam), sau đó được hẹn gặp tại một quán cà-phê trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP Đà Nẵng) để tìm hiểu công viêc. Tại quán cà-phê trên, L. gặp một nhóm người đang trao đổi về một dự án tiền kỹ thuật số mang tên Daycoin. Họ có nói với L. điều kiện để được làm việc trong dự án Daycoin là phải chấp nhận đầu tư một số tiền ban đầu. Để thêm phần thuyết phục, nhóm người này hướng dẫn tận tình rằng, nhà đầu tư sẽ được tạo một ví tiền ảo và một tài khoản đầu tư liên kết với ví tiền ảo này. Tiền đầu tư (USD) trong tài khoản đầu tư chỉ rút về ví tiền ảo tương ứng và tự động quy đổi thành tiền ảo Daycoin (DCH) theo tỷ lệ quy đổi giữa DCH và USD trên trang web daycoincx...com. Đầu tư đủ 6 tháng mới rút được 100% tiền gốc, lãi là 10% số tiền đầu tư (USD) trên 1 tháng và được quy đổi thành Daycoin khi rút về ví tiền ảo. Sau khi đồng ý các điều kiện trên, L. đã đưa số tiền 25 triệu đồng trực tiếp cho một người tên Văn (không rõ lai lịch, địa chỉ) để người này kích hoạt gói đầu tư 1.000 USD tương ứng được hiển thị khi đăng nhập vào tài khoản đầu tư. Quá trình giao nhận tiền giữa L. với Văn không có giấy tờ xác nhận. Ngay sau khi “đi làm”, công việc của L. là tìm kiếm, tư vấn và giới thiệu người khác tham gia đầu tư dự án tiền ảo Daycoin như đã nói ở trên.

L. cho biết, khi vào làm việc, tiền lương cơ bản không có mà hàng tháng chỉ được nhận lãi 10% số tiền đầu tư và nhận hoa hồng 10% (bằng Daycoin) khi giới thiệu người đầu tư mới. Trong quá trình làm việc, L. đã đầu tư thêm 150 triệu đồng và giới thiệu được 3 người tham gia đầu tư. Cũng thời gian này, L. đã chuyển Daycoin trong ví tiền ảo của mình cho Văn để nhờ người này bán giúp Daycoin cho mình để nhận tổng cộng khoảng 30 triệu đồng. Theo L., địa điểm diễn ra các hoạt động đầu tư như trên không cố định, các đối tượng thường chọn những quán cà-phê trên địa bàn Đà Nẵng làm nơi trao đổi, hướng dẫn việc đầu tư.

Tương tự như L., với hình thức như trên, tại Đà Nẵng có hàng chục người “tìm được việc làm” bằng cách lấy tiền thật mua tiền ảo. Điển hình như T.N.V.L (1995) đầu tư tổng số tiền 390 triệu đồng từ tháng 3-2018 cho một người tên Vy (không rõ lai lịch, địa chỉ) để người này kích hoạt gói đầu tư cho L. V.T.T (1998) đầu tư 120 triệu đồng từ tháng 3-2018 cho người có tên là Văn để người này kích hoạt gói đầu tư; T.T.M.T (1998) đầu tư tổng số tiền 158,5 triệu đồng từ tháng 1-2018 cho người tên Văn...

Điều đáng nói, đến nay, những người đầu tư muốn rút khỏi dự án tiền ảo Daycoin thì chỉ có thể rút tiền trong tài khoản đầu tư về ví tiền ảo mà không rút được tiền mặt như lời hứa hẹn của những người giới thiệu và thuyết trình về dự án Daycoin. Vì vậy, L. cùng một số người đầu tư khác đã làm đơn gửi Cơ quan CSĐT CATP Đà Nẵng tố cáo nhóm đối tượng đưa mình “vào tròng” về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua dự án tiền ảo Daycoin.

... Tật mang!

Trao đổi với P.V về vấn đề này, ĐTV Phòng Cảnh sát kinh tế CATP Đà Nẵng cho biết, qua xác minh, xét thấy các “nạn nhân” liên quan đến vụ việc tự quản lý và sử dụng tài khoản đầu tư và ví tiền ảo của mình, lãi (bằng Daycoin) vẫn nhận đầy đủ hàng tháng và hiện nay tiền ảo Daycoin trong tài khoản và ví tiền ảo của các “nạn nhân” vẫn còn nguyên, nên vụ việc trên không có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, việc người dân đầu tư vào tiền ảo Daycoin hiện không được pháp luật bảo hộ. “Với hình thức này, người chơi được hưởng tiền lãi, không hề biết rằng số tiền gọi là lãi này được trích ra từ tiền của người gửi sau, trả cho người gửi trước (tương tự như tham gia mua hàng đa cấp). Phương thức này, bên bán không có gì để bán, mà vẫn là bên bán hàng và thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ theo nguyên tắc “lấy mỡ khách hàng trước, rán khách hàng sau”... Cách chơi này cùng bản chất với quan hệ tín dụng đen, đánh vào tâm lý hám lợi của người tham gia mua tiền ảo”, ĐTV Phòng CSKT CATP Đà Nẵng cho biết.

Theo ĐTV, tính rủi ro phát sinh từ phương thức giao dịch này là rất lớn. Vì bên mua thanh toán bằng tiền thật, còn bên bán lại bán ra thứ tiền ảo, không cầm nắm được mà lại được lưu giữ trên mạng điện tử có mã số bảo mật. “Mã số bảo mật này luôn luôn bị tấn công và có thể bị lộ, bị chiếm đoạt bởi những người giỏi về sử dụng máy tính. Hơn nữa, giá trị ảo trên mạng còn có thể bị thay đổi bởi người sử dụng Internet ra lệnh sai về mã số. Tài khoản có thể bị mất, mà không có cơ quan nào bảo vệ, lợi ích của chủ thể là bên mua có thể bị xâm phạm, bị mất trắng”, vị cán bộ điều tra khuyến cáo.

Thiết nghĩ hiện nay, Nhà nước chưa có bất kỳ văn bản pháp luật nào đưa ra khái niệm và quy định cụ thể về tiền kỹ thuật số (tiền ảo) và tài sản ảo. Pháp luật cũng chưa có quy định và chế tài xử lý việc đầu tư tiền ảo. Do đó việc người dân đầu tư vào tiền ảo nhưng không sử dụng tiền ảo làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán thực tế ngoài xã hội nên không vi phạm pháp luật, tuy nhiên cũng không được pháp luật bảo hộ. Vì vậy, để tránh “tiền mất, tật mang”, người dân không nên lựa chọn phương thức “làm giàu” như đã nói ở trên.

D.N.H