Mục tiêu 2035 cho “hành tinh đỏ”

Thứ năm, 20/11/2014 09:56

(Cadn.com.vn) - Tàu vũ trụ Châu Âu Philae đi vào lịch sử khi hạ cánh thành công xuống bề mặt đầy băng và bụi của sao chổi đang bay với tốc độ cao sau hành trình kéo dài 6,5 tỷ km trong vòng 10 năm. Sự kiện này cho phép các nhà khoa học nghĩ đến cột mốc quan trọng tiếp theo: đưa con người lên sao Hỏa vào giữa những năm 2030.

Điểm dừng tiếp theo

“Sao Hỏa là sự lựa chọn hợp lý. Đó là nơi con người có thể sống và làm việc với những thay đổi không quá khác biệt so với trái đất”, Tiến sĩ Ellen Stofan, khoa học gia trưởng của NASA nhận định. Theo bà Stofan, cuộc sống trên “hành tinh đỏ” không phải là công cụ của khoa học viễn tưởng. “Sao Hỏa là hành tinh trong hệ mặt trời mà chúng ta rất có khả năng tìm thấy sự sống. Vì vậy, xây dựng một phòng thí nghiệm trên sao Hỏa hoặc đưa con người lên sao Hỏa trong tương lai, tôi nghĩ là điều quan trọng đối với khoa học”, bà Stofan cho biết.

Tuy nhiên, sống sót trong cuộc hành trình lên sao Hỏa trong 8 tháng là điều rất khó. Các phi hành gia phải đối mặt với bức xạ mức độ cao. Ngoài ra, bầu khí quyển mỏng cũng sẽ khiến việc hạ cánh gặp khó khăn, đặc biệt là đối với tàu vũ trụ chở đầy các thiết bị và con người. “Nếu bạn nghĩ rằng các tàu con thoi Apollo trở về trái đất với một chiếc dù, bầu khí quyển sao Hỏa rất mỏng nên bạn phải tìm cách làm tàu xuống chậm”, bà Stofan giải thích.

Theo bà Stofan, để nghiên cứu liên hành tinh, chúng ta phải mở khóa những bí mật của trái đất. “Có thể so sánh Trái đất với sao Kim, sao Hỏa, và nghiên cứu quá trình quay của chúng xung quanh hệ mặt trời sẽ giúp ta hiểu nhiều hơn về hành tinh của mình”, bà Stofan nói thêm.

Khoa học gia trưởng của NASA cho rằng con người có thể đi bộ trên sao Hỏa vào giữa những năm 2030. Ảnh: CNN

Có thể thành hiện thực

“Bạn biết đấy, chúng tôi đang chi tiêu nhiều tiền bạc trên trái đất. Chúng tôi thu được các thành tựu công nghệ tuyệt vời từ công việc NASA thực hiện”, bà Stofan nói, liệt kê tất cả mọi thứ, từ nhiên liệu hiệu quả cho máy bay cánh nhỏ, các hệ thống kiểm soát không lưu, và thiết bị để đo lường sự thay đổi khí hậu.

Theo bà, khoa học viễn tưởng trở thành hiện thực trong phòng thí nghiệm của NASA, với quả cầu lơ lửng trong phim “Cuộc chiến giữa các vì sao” đã truyền cảm hứng cho việc chế tạo các thiết bị cần thiết cho cuộc sống trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Những điều bạn xem trên TV giờ đây chúng tôi đã thực sự đạt được.

Thám hiểm không gian cũng vậy. Đây là điều chúng ta mơ ước, nhưng chúng ta có thể biến chúng thành hiện thực”, bà Stofan nói. Bà Stofan cũng tin tưởng vào cuộc sống ở một hành tinh khác. Có hàng tỷ ngôi sao, vì vậy chắc chắn sẽ có một hành tinh mà cuộc sống ở đó đã phát triển đến một mức độ tương đối phức tạp.

Công việc của phụ nữ?

Là phụ nữ làm việc tại NASA, đôi khi bà Stofan cảm thấy mình như một người ngoài hành tinh.

“Tôi phải làm việc chăm chỉ gấp 4 lần người khác mới có thể thực hiện nghiêm túc giấc mơ. Tại các cuộc họp, phụ nữ thường chiếm 10-20%. Đó là tỷ lệ khá phù hợp đối với các ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) ở Mỹ. “Để đưa con người lên bề mặt sao Hỏa, chúng tôi cần tất cả các bộ óc tốt nhất trên thế giới chứ không riêng gì nam giới, không riêng gì người da trắng”, bà Stofan nói. Bà Stofan cho rằng, hạ cánh xuống sao Hỏa sẽ truyền cảm hứng cho thế hệ mới các nhà khoa học - những người chúng ta đã không nhìn thấy kể từ sau sứ mệnh Apollo 45 năm trước đây.

An Bình
(Theo CNN)