Mục tiêu sống còn

Thứ tư, 13/04/2016 10:06

(Cadn.com.vn) - Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk ngày 12-4 đã quyết định đệ đơn từ chức, với lời khẳng định, đây là nỗ lực để củng cố chính phủ đang bị chia rẽ và thúc đẩy liên minh cầm quyền tiến đến cải cách mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, tuyên bố từ chức này đã tạo áp lực lớn lên chính quyền liên minh của Tổng thống Petro Poroshenke - nhà lãnh đạo đang đối mặt với bê bối chính trị mới sau khi "Hồ sơ Panama" rò rỉ tiết lộ ông là một trong số những lãnh đạo cấp cao đã sử dụng Cty Mossack Fonseca để trốn thuế. Có thể xem đây là cơ hội cuối cùng cho ông Poroshenko - người lên nắm quyền gần 2 năm trước trên một nền tảng cải cách sâu rộng mà phần lớn vẫn chưa được hoàn thành.

Nhân vật quyền lực - đương kim Chủ tịch Quốc hội Vladimir Groisman - hiện được xem là ứng cử viên sáng giá nhất cho chiếc ghế thủ tướng mới. Đây được xem là nhân vật có thể thổi một làn gió mát vào nền chính trị đang quá nóng bỏng ở Ukraine. Những người ủng hộ cho rằng, việc ông Groisman lên nắm quyền sẽ khiến liên minh của Tổng thống Poroshenko mạnh hơn và giúp kết thúc những bế tắc giữa ông Yatsenyuk và Poroshenko. Động thái này cũng ngăn chặn "bóng ma" của cuộc bầu cử Quốc hội sớm một khi liên minh cầm quyền sụp đổ. 

Các đảng của ông Yatsenyuk và Poroshenko đang phải đối mặt với mức ủng hộ thấp nhất trong lịch sử, và cũng có thể bị cuốn trôi trong làn sóng cử tri tức giận và thất vọng.  Hình thành một chính phủ mới và cải cách là điều cấp thiết. Nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là đảng Khối Petro Poroshenko (BPP) của Tổng thống Poroshenko chưa thể đạt được thỏa thuận về thành phần nội các mới trong cuộc họp của đảng này.

Các cuộc đàm phán càng thêm khó khăn hơn khi Chủ tịch Quốc hội Groisman nêu quan điểm về thành phần và cấu trúc nội các, nhưng không đạt được sự thống nhất. Ông Groisman thậm chí đe dọa sẽ không làm thủ tướng nếu mong muốn của ông về thành phần nội các không được xem xét.

Chính trường Ukraine đang cho thấy rõ, sau 2 năm thất vọng nối tiếp, vẫn chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm. Nhiều người cho rằng, Ukraine có thể hình thành một chính phủ liên minh, nhưng liệu nó hoạt động trơn tru không mới là vấn đề chính. Thực tế, hai lực lượng rất khác nhau và chia rẽ, đảng của ông Poroshenko và Yatsenyuk, đến với nhau chỉ với một mục tiêu chung: để tránh các cuộc bầu cử. Không ai suy nghĩ về cải cách, họ chỉ nghĩ về sự sống còn.

Đó là chưa kể một chính phủ liên minh mới sẽ cần phải nhanh chóng tạo được tiếng vang trong cuộc chiến chống tham nhũng đầy bế tắc ở Ukraine và đằng sau hậu trường quy tắc tài phiệt nắm quyền. Chính phủ mới cũng cần phải giữ gìn tiến trình hòa bình Minsk-II đang bị đình trệ, bằng cách thay đổi hiến pháp để có thể cung cấp quy chế đặc biệt cho các khu vực Luhansk và Donetsk - một vấn đề gây tranh cãi gay gắt.

Thanh Văn