Mũi tiêm ngừa COVID-19 thứ 3: WHO tiếp tục nói không cần, Tổng thống Biden phản bác

Thứ năm, 19/08/2021 16:18

Theo các chuyên gia của WHO, cho đến nay chưa có dữ liệu nào cho thấy các mũi tiêm vaccine tăng cường ngừa COVID-19 là cần thiết. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, ông không đồng tình với quan điểm này.

Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bang Utah, Mỹ. Ảnh: Reuters

Anh: Hiệu quả của vaccine COVID-19 giảm dần

Kết quả nghiên cứu sức khỏe cộng đồng ở Anh cho thấy khả năng bảo vệ của hai loại vaccine ngừa COVID-19 được sử dụng nhiều nhất hiện nay nhằm phòng ngừa biến thể Delta là Pfizer/BioNTech và AstraZeneca giảm sau 3 tháng tiêm mũi thứ 2.

Nghiên cứu do Văn phòng Thống kê quốc gia Anh phối hợp với Bộ Y tế và Chăm sóc sức khỏe Anh thực hiện, cho thấy hai tuần sau khi tiêm liều vaccine thứ 2 của Pfizer/BioNTech hoặc AstraZeneca, hiệu quả bảo vệ của vaccine đạt được lần lượt là 85% và 68%. Tuy nhiên, dựa trên hơn 3 triệu mẫu bệnh phẩm thu thập trên khắp nước Anh, Đại học Oxford phát hiện ra rằng sau 90 ngày kể từ khi tiêm mũi vaccine thứ 2 của Pfizer/BioNTech hoặc AstraZeneca, hiệu quả của vaccine đã giảm xuống lần lượt là 75% và 61%. Sự suy giảm hiệu quả vaccine thể hiện rõ rệt hơn ở những người từ 35 tuổi trở lên so với những người dưới độ tuổi này. Các nhà nghiên cứu không cho biết khả năng bảo vệ của vaccine sẽ giảm thêm như nào theo thời gian, song cho rằng hiệu quả phòng ngừa của cả hai loại vaccine trên là khoảng 4-5 tháng sau khi tiêm liều thứ 2. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người sau khi tiêm đủ 2 liều vaccine của Pfizer/BioNTech hoặc AstraZeneca mà vẫn nhiễm biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cho người khác cao hơn so với những biến thể trước đây.

Ngày 18-8, nhà khoa học trưởng Soumya Swaminathan của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay, những dữ liệu hiện tại không cho thấy các mũi tiêm vaccine tăng cường ngừa COVID-19 là cần thiết. Nhằm đẩy lui dịch bệnh, việc tiêm đủ 2 mũi cần được áp dụng với tất cả những nước dễ bị tổn thương nhất trên toàn thế giới trước khi mũi thứ 3 tăng cường được áp dụng với những người đã tiêm đủ 2 mũi. Trong cùng cuộc họp, cố vấn WHO Bruce Aylward cho rằng, “hiện có đủ vaccine trên khắp thế giới, nhưng lại không đến đúng địa điểm theo đúng thứ tự”. Theo ông Aylward, việc tiêm đủ 2 mũi cần được áp dụng với tất cả những nước dễ bị tổn thương nhất trên toàn thế giới trước khi mũi thứ 3 tăng cường được áp dụng với những người đã tiêm đủ 2 mũi. Ông cũng cho rằng còn khá lâu nữa thế giới mới đến được mức độ đó.

Phản biện về tính hiệu quả của mũi tiêm tăng cường, tiến sĩ Mike Ryan - Giám đốc các tình trạng khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới nói: “Tôi cho rằng, bất kể khoa học có đi đến kết luận như thế nào về thời gian hiệu quả của vaccine cũng như lợi ích tăng cường của mũi tiêm thứ 3 thì thực tế cho thấy, việc triển khai mũi tiêm thứ 3 cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang lên kế hoạch tăng cường chiếc áo phao cứu sinh cho những người đã nhận được áo phao trong khi để mặc những người chưa có chiếc áo phao cứu sinh bị chết đuối. Đó là một thực tế”.

Trong nhiều tháng, WHO đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự mất cân bằng ngày càng rõ rệt trong nguồn cung vaccine chống lại đại dịch đã giết hơn 4,4 triệu người trên thế giới. Tất cả các quốc gia cần tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số vào cuối tháng 9 tới, ít nhất 40% vào cuối năm nay và 70% vào giữa năm 2022. Tuy nhiên, theo thống kê cho đến nay, ở nhóm nước có thu nhập cao theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ tiêm chủng là 101 liều/100 người, trong khi ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất, con số này là 1,7 liều /100 người.

Ngay lập tức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng phản bác. Ông chủ Nhà Trắng cho biết, ông không đồng tình với quan điểm của các nhà lãnh đạo trên thế giới khi những người này cho rằng, người dân của các nước khác nên được tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trước khi người dân Mỹ được tiêm mũi vaccine thứ 3. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 18-8 (giờ Mỹ), Tổng thống Biden nêu rõ, đây là cách để tăng cường khả năng miễn dịch, bảo vệ người dân Mỹ khỏi sự tấn công của biến thể Delta. Theo Tổng thống Biden, Mỹ vừa có thể đảm bảo nhu cầu vaccine trong nước, vừa đồng thời hỗ trợ được thế giới: “Tôi biết có một số nhà lãnh đạo trên thế giới nói rằng, nước Mỹ không nên có mũi tiêm ngừa COVID-19 thứ 3 cho đến khi tất cả các quốc gia khác đều có mũi tiêm thứ nhất. Chúng tôi vẫn có thể chăm sóc cho người Mỹ, đồng thời hỗ trợ các nước khác. Vào tháng 6 và tháng 7 vừa qua, Mỹ đã triển khai 50 triệu mũi tiêm ở khắp nước Mỹ và cũng đồng thời trao tặng 100 triệu liệu khác cho nhiều nước. Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai tiêm 100.000 nghìn liều tăng cường và cũng sẽ trao tặng 200 triệu liều cho các quốc gia khác. Điều này sẽ giúp chúng tôi vừa đáp ứng được nhu cầu, vừa thực hiện được mục tiêu hỗ trợ các quốc gia khác”.

Người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng, người dân Mỹ cần được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường 8 tháng sau liều thứ 2. Chính phủ Mỹ cũng đã thông báo kế hoạch tiêm đại trà mũi vaccine tăng cường cho toàn bộ người dân bắt đầu từ ngày 20-9 trong bối cảnh số ca mắc gia tăng do biến thể Delta.

T.NGỌC