Mustang - "Vương quốc bị lãng quên" và ý đồ của Trung Quốc

Thứ tư, 02/10/2013 13:04

Mustang ở đâu?

(Cadn.com.vn) - Mustang được xem là địa danh cuối cùng chứa đựng những gì thuộc về nền văn hóa Tây Tạng còn sót lại của Nepal, nhưng nó cũng là vùng đất bị cô lập lâu nhất ở khu vực Châu Á.

Mustang nằm ở phía Bắc của Nepal, giữa biên giới Trung Quốc trên cao nguyên Tây Tạng và 2 tỉnh của Nepal là Dolop và Mustang. Nhiều thế kỷ trôi đi, mảnh đất này có mối liên kết ngôn ngữ rất gần với văn hóa Tây Tạng. Mustang từng một thời là vương quốc độc lập, kiểm soát hàng hóa buôn bán giữa Himalaya với các vùng đồng bằng của Ấn Độ. Do được mệnh danh là "Vương quốc bị lãng quên" nên những năm gần đây Mustang thu hút rất đông sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc.

Bắc Kinh hiện đang thực hiện chiến lược quan trọng, sử dụng Mustang làm nơi gây ảnh hưởng sang Nepal, nhằm án ngữ, chặn đứng làn sóng chạy trốn của người Tây Tạng và mở cửa trở lại "tuyến đường tơ lụa" dẫn đến biên giới Ấn Độ. Theo giới chuyên gia, chương trình "một mũi tên trúng 3 đích" của Trung Quốc được Bắc kinh lên kế  hoạch cách đây vài năm, nhất là khi hệ thống giao thông được mở mang xây mới.

Một vùng đất Mustang.

Trung Quốc với Mustang

Ngay sau khi lãnh đạo tinh thần Tây Tạng Daila Latma trốn sang Ấn Độ năm 1959, nhiều người Tây Tạng sử dụng con đường này để buôn bán muối, hàng hóa.

Cách đây 4 thập kỷ, nhóm chiến binh Khampa do người Lô (người Mustang) chỉ đạo, được Mỹ hỗ trợ tiến hành những phi vụ tấn công lại binh lính Trung Quốc tại Tây Tạng. Tuy nhiên, Khampa tồn tại không được bao lâu và phải trốn sang Nepal và Ấn Độ.

Năm 2000, một nhân vật thuộc đẳng cấp Latma thứ 3 cũng trốn sang Ấn Độ qua Mustang. Từ đây, Trung Quốc đóng cửa đường biên làm cho người Tây Tạng cũng như người Mustang gặp nhiều khó khăn trong việc qua lại thăm viếng nhau, nhất là sang Tây Tạng để thực hành tín ngưỡng. Năm 2008, cùng với việc Nepal từ bỏ chế độ quân chủ, Mustang cũng mất luôn quyền vương quốc và trở thành một khu vực hành chính dưới quyền Kathmandu.

Ngày nay, cuộc sống của người dân Mustang xoay quanh đạo Phật, kinh tế chủ yếu là du lịch, chăn nuôi và thương mại, bị ảnh hưởng rất lớn bởi các lực lượng từ bên ngoài. Hàng hóa Trung Quốc tràn ngập từ phía Tây Tạng, kể cả thực phẩm, thậm chí tiền Trung Quốc cũng rất thịnh hành. Mối quan tâm của Bắc Kinh với Mustang thể hiện rất rõ  trong những năm gần đây. Bằng chứng là quân đội Trung Quốc thường xuyên có mặt ở vùng đất này, đôi khi còn phỏng vấn cả người dân.

Trong khi cuộc sống chính trị ở Mustang vô cùng sôi động thì bên ngoài, đặc biệt là phương Tây mới chỉ biết đến Mustang là vùng đất Phật giáo từ năm 1992 khi chính phủ Nepal cho phép có giới hạn một số nhóm người du lịch tới thăm vùng đất này. Và cũng tại đây sự ảnh hưởng của Bắc Kinh ngày một lớn dần. Theo đánh giá của Viện nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Westminster (Anh), Mustang được Trung Quốc quan tâm là do nơi đây có rất nhiều khoáng sản giống như ở Tây Tạng, trong khi đó Nepal lại thờ ơ hoặc chưa có điều kiện khai thác.

Nhưng xa hơn Bắc Kinh muốn gây ảnh hưởng đến nước láng giềng hiện đang còn gặp nhiều khó khăn kinh tế, đặc biệt là các tỉnh có đường biên với Trung Quốc, nơi đây đa số là người dân tộc, dân trí thấp. Ngoài những mục đích chính trị, kinh tế, Trung Quốc còn muốn ngăn không cho Nepal trở thành vùng đất tị nạn cho những người Tây Tạng và những người Trung gốc Ấn ở khu vực Himalaya.

Để hiện thực hóa "giấc mơ Mustang", Trung Quốc hiện đang đổ vốn đầu tư cho xây dựng hạ tầng, tăng cường buôn bán với Mustang, tạo ra hình ảnh Trung Quốc thân thiện, cách ly dần sự ảnh hưởng của Ấn Độ và mục đích cuối cùng là làm tăng sự lệ thuộc của người Mustang và Nepal nói chung vào Trung Quốc.

Kim Hùng

(Theo Diplomat)