Mỹ bắt cựu nhân viên CIA vì bán bí mật quân sự cho Trung Quốc

Thứ tư, 19/08/2020 19:33

Các công tố viên liên bang cáo buộc một cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Liên bang Mỹ (CIA) bán các bí mật quốc phòng nhạy cảm cho chính phủ Trung Quốc trong hơn một thập kỷ qua, trong một vụ gián điệp bị phanh phui ở Hawaii hôm 17-8.

Hình ảnh cho thấy, Ching Ma đếm tiền do một nhân viên FBI bí mật đưa cho trong một cuộc gặp hồi tháng 8.

Bán bí mật, nhận tiền

Theo cáo trạng, cựu điệp viên Mỹ - được xác định là Alexander Yuk Ching Ma, 67 tuổi - cùng với một người họ hàng, cũng là cựu sĩ quan CIA, âm mưu bán các bí mật để đổi lấy hàng chục nghìn USD và quà tặng. Ma bị bắt hôm 14-8, sau một hoạt động quy mô do FBI tiến hành. Người họ hàng mà y hợp tác được xác định là đồng phạm số 1. Người này là một công dân nhập tịch Mỹ, 85 tuổi sống ở Los Angeles, người đã làm việc với tư cách là sĩ quan CIA trong giai đoạn 1971-1982 ở vị trí cao cấp, có khả năng tiếp cận danh tính của các sĩ quan bí mật của CIA. Theo tài liệu của tòa án, kẻ đồng phạm này đang mắc bệnh rối loạn nhận thức nặng nên FBI không đưa ra lệnh bắt giữ “vào thời điểm này”.

Bản cáo trạng cho biết, âm mưu bắt đầu vào tháng 3-2001. Trong cuộc họp 3 ngày trong một phòng khách sạn ở Hồng Kông với ít nhất 5 quan chức tình báo Trung Quốc vào tháng 3-2001, hai cựu sĩ quan CIA đã cung cấp thông tin cho cơ quan tình báo đối ngoại Trung Quốc về hoạt động của CIA, trong đó có “vỏ bọc của các sĩ quan chìm của CIA” và danh tính của họ. “Một phần của cuộc họp được ghi lại trên băng video, trong đó có cảnh Ma nhận và đếm 50.000 USD tiền mặt cho những bí mật mà họ cung cấp”, tuyên bố của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết. Tài liệu của tòa án không nói rõ ai đã quay đoạn băng cuộc họp năm 2001 này.

Ma sinh ra ở Hồng Kông và chuyển đến Hawaii vào năm 1968, học phổ thông và đại học ở đó. Y bắt đầu làm việc cho CIA vào năm 1982, tiếp cận với các tài liệu tối mật. Y nghỉ hưu từ năm 1989, sau đó chuyển đến sống và làm việc tại Thượng Hải cho đến năm 2001. Trong thời gian này y được cho là đã gặp các quan chức tình báo Trung Quốc. Sau đó y chuyển đến Hawaii một lần nữa. Theo tài liệu của tòa án, sau khi đến Hawaii, Ma đã nộp đơn xin việc như một nhà dịch thuật theo hợp đồng tại văn phòng FBI ở Honolulu, chuyên dịch các tài liệu từ tiếng Trung Quốc. Tháng 4-2003, Ma được cho là đã sử dụng thẻ gọi trả trước để liên hệ với những người điều hành ở Trung Quốc để cập nhật cho họ về công việc tại FBI của y.

“Trong 6 năm sau đó, Ma thường xuyên sao chép, chụp ảnh và lấy cắp các tài liệu được phân loại là “bí mật” của Mỹ”, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc. Bản cáo trạng khẳng định y đã sao chép những hình ảnh về tên lửa Mỹ và công nghệ của các vũ khí khác vào một đĩa CD. “Ma đã mang theo một số tài liệu và hình ảnh đánh cắp được trong các chuyến đi thường xuyên đến Trung Quốc với mục đích cung cấp cho “đối tác”. Ma thường trở về Mỹ với hàng nghìn USD tiền mặt và những món quà đắt tiền, chẳng hạn như một bộ gậy đánh gôn mới”, cáo trạng cho biết.

Mùa xuân năm 2019, một nhân viên bí mật của FBI đóng giả là một nhân viên tình báo Trung Quốc, đã tiếp cận Ma với lý do đánh giá xem y đã bị những “đối tác” trước đây của mình đối xử như thế nào cũng như y đã được trả bao nhiêu tiền. Đặc vụ chìm của FBI này đã thưởng cho Ma 2.000 USD với lý do đánh giá cao sự hỗ trợ trước đây của Ma đối với Trung Quốc. Ma đã đề nghị tiếp tục làm việc cho tình báo Trung Quốc. Tại cuộc gặp tiếp theo vào tuần trước, Ma đã nhận thêm tiền từ đặc vụ chìm của FBI và “bày tỏ sự sẵn sàng tiếp tục giúp đỡ chính phủ Trung Quốc, đồng thời tuyên bố rằng y muốn giúp “phát triển quê hương”. Nhưng Ma cho biết, y chỉ có thể tiếp tục công việc gián điệp của mình sau khi đại dịch Covid-19 lắng xuống.

Nâng cao cảnh giác

Vụ việc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung đang leo thang khi chính quyền Tổng thống Donald Trump gia tăng cáo buộc Bắc Kinh về những nỗ lực đánh cắp các bí mật an ninh và thương mại của Mỹ.

Vụ phát hiện này nối dài thêm danh sách các cựu nhân viên tình báo Mỹ bị buộc tội làm gián điệp cho Trung Quốc những năm gần đây. Trong 3 năm qua, Bộ Tư pháp Mỹ đã xét xử ít nhất 3 vụ án phản gián với các cựu nhân viên tình báo Mỹ về tội bán bí mật cho Trung Quốc. Hồi tháng 7, Giám đốc FBI Christopher Wray cảnh báo “mối đe dọa lâu dài lớn nhất đối với tài sản trí tuệ và thông tin quốc gia và đối với sức mạnh kinh tế của Mỹ là mối đe dọa về phản gián và tình báo kinh tế từ Trung Quốc”.

Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp về an ninh quốc gia John Demers cho biết: “Dấu vết hoạt động gián điệp của Trung Quốc còn dài và thật đáng buồn là các cựu sĩ quan tình báo Mỹ đã phản bội đồng nghiệp, đất nước và các giá trị dân chủ tự do”. “Sự phản bội này không đáng. Cho dù ngay lập tức, hoặc nhiều năm sau khi họ nghĩ rằng họ đã thoát khỏi nó, chúng tôi sẽ tìm ra những kẻ phản bội này và đưa chúng ra trước công lý. Đối với cơ quan tình báo Trung Quốc, những cá nhân này có thể lợi dụng được. Đối với chúng tôi, chúng là lời nhắc nhở khẩn cấp về sự cần thiết phải nâng cao cảnh giác”, ông Demers cho biết.

Ma sẽ hầu tòa ở Honolulu trong ngày 18-8, và sẽ bị buộc tội âm mưu bán thông tin quốc phòng để hỗ trợ chính phủ nước ngoài. Y phải đối mặt với hình phạt tối đa là tù chung thân nếu bị kết tội.

AN BÌNH