Mỹ chuẩn bị rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan?

Thứ năm, 04/04/2019 12:11

Lần đầu tiên sau 18 năm, chính phủ Mỹ có vẻ nghiêm túc về việc rút quân khỏi Afghanistan và kết thúc cuộc chiến dài nhất trong lịch sử.

Quân đội Afghanistan chuẩn bị cho một chiến dịch chống quân nổi dậy ở quận Khogyani của tỉnh Nangarhar.   Ảnh: Reuters

Kể từ tháng 10-2018, các quan chức Mỹ và đại diện Taliban đã tổ chức 5 vòng đàm phán trực tiếp và đang chuẩn bị cho cuộc gặp lần thứ 6 nhằm đảm bảo việc rút quân an toàn cho Mỹ để đổi lấy đảm bảo của nhóm cực đoan này rằng, lãnh thổ Afghanistan không được sử dụng bởi các phiến quân nước ngoài và sẽ không gây ra mối đe dọa an ninh nào nữa cho thế giới.

Một liên minh quân sự do Mỹ lãnh đạo đã lật đổ Taliban tại Afghanistan vào năm 2001 vì nhóm này che chở cho Al-Qaeda, nhóm phiến quân mà Washington cáo buộc đã gây ra vụ tấn công 11-9. Một sự đồng thuận hiếm hoi về việc giải quyết xung đột một cách hòa bình, cả trong và ngoài Afghanistan, cho thấy hòa bình chưa bao giờ gần đến thế. Nhưng các cuộc đàm phán Mỹ-Taliban ở thủ đô Doha của Qatar chỉ là giai đoạn đầu tiên của một quá trình phức tạp với kết quả không chắc chắn cũng như có nhiều rào cản cần phải vượt qua.

Có cần phải ngừng bắn?

Giao tranh dữ dội vẫn đang diễn ra trên khắp Afghanistan, và dù đồng ý tham gia đàm phán, Taliban vẫn nỗ lực mở rộng địa bàn. Giờ đây, nhóm cực đoan này đang kiểm soát nhiều lãnh thổ hơn bất cứ lúc nào kể từ năm 2001.

Trước tình trạng bế tắc liên tục với quân nổi dậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump rất muốn chấm dứt cuộc chiến mà theo các quan chức nước này là tiêu tốn của Washington khoảng 45 tỷ USD mỗi năm. Dấu hiệu gần đây nhất là việc ông Trump quyết định rút hầu hết hoặc toàn bộ 14.000 lực lượng Mỹ trong tương lai gần, động thái khiến cả thế giới ngạc nhiên, trong đó có cả Taliban.

Nhưng ngay cả khi Mỹ và Taliban giải quyết các vấn đề chính của họ, chính người Afghanistan sẽ cần phải giải quyết một số vấn đề nội bộ quan trọng, bao gồm việc ngừng bắn, đối thoại giữa Taliban và chính phủ, và quan trọng nhất là thành lập một chính phủ và hệ thống chính trị mới. Điều kiện lý tưởng nhất là lệnh ngừng bắn phải diễn ra trước cuộc bầu cử vào cuối năm nay và Taliban cũng đồng ý, nhưng dường như đó là điều không thể. Nếu không có lệnh ngừng bắn hoàn toàn hoặc thậm chí một phần, nhiều người lo ngại, sẽ xảy ra nhiều bất thường trong cuộc bầu cử và bất ổn chính trị kéo dài có thể làm suy yếu tiến trình hòa bình cũng như gia tăng bất ổn chính trị.

Chia sẻ quyền lực?

Có một số lựa chọn và kịch bản. Trước hết, tất cả các bên liên quan sẽ phải đưa ra quyết định về việc liệu cuộc bầu cử tổng thống, đã bị hoãn đến cuối tháng 9, có diễn ra theo kế hoạch hay không. Nếu họ làm như vậy, một chính phủ Kabul mới có thể đàm phán các điều khoản với Taliban, trừ khi đạt được thỏa thuận hòa bình trước khi bỏ phiếu. Cho dù chính phủ đó phục vụ toàn bộ nhiệm kỳ hay tạm thời thì các lựa chọn về việc chia sẻ quyền lực trong nội bộ Afghanistan vẫn chưa được thảo luận rõ ràng. Nhưng nếu cuộc bầu cử bị trì hoãn lâu hơn nữa, và nhiệm kỳ của chính phủ hiện tại được kéo dài, thì cần có một cơ chế đồng thuận để thành lập một chính phủ mới, được chấp nhận bởi tất cả các bên, bao gồm cả Taliban.

Tạo ra một chính phủ trung lập tạm thời hoặc một liên minh cầm quyền, thậm chí có thể bao gồm Taliban, là một lựa chọn khác đang được xem xét trong kịch bản này. Afghanistan cũng có thể chọn ra một chính phủ lâm thời để tổ chức bầu cử một khi quân đội Mỹ rời đi và Taliban được tái hòa nhập.

Sẽ có những vấn đề rất khó vượt qua sau cuộc xung đột đã khiến hàng trăm ngàn người thương vong ở tất cả các bên, bao gồm cả lực lượng chính phủ, phiến quân và thường dân. Chẳng hạn như, Taliban không chấp nhận hiến pháp hiện hành và coi chính phủ Afghanistan là "chế độ bù nhìn do Mỹ áp đặt". Cho đến nay, chính phủ được bầu của Tổng thống Ashraf Ghani đã không tham gia vào các cuộc đàm phán trực tiếp với Taliban, bởi nhóm này từ chối nói chuyện với một chính phủ mà họ không công nhận.

Một số người Afghanistan lo ngại rằng việc chia sẻ quyền lực với Taliban có thể khiến các quyền tự do khác, đáng chú ý là một số quyền của phụ nữ, có thể bị mất đi. Taliban đã cấm phụ nữ tham gia vào đời sống cộng đồng khi lãnh đạo Afghanistan vào những năm 1990.

Nếu các cuộc đàm phán không dẫn đến hòa bình?

Kể từ khi Liên Xô chiếm đóng Afghanistan vào năm 1979, đã có một danh sách dài các thỏa thuận chưa hoàn thành và các nỗ lực thất bại nhằm chấm dứt chiến tranh ở nước này. Một số kịch bản từ quá khứ có thể lặp lại lần này. Mỹ rút quân dù đạt được hay không đạt được thỏa thuận hòa bình đều không tự động dẫn đến sự sụp đổ bất ngờ của chính phủ Kabul. Chiến tranh có thể tiếp tục và sự sống còn của chính phủ phụ thuộc chủ yếu vào sự hỗ trợ tài chính và quân sự từ các đồng minh nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, cũng như sự thống nhất và cam kết của giới tinh hoa chính trị của đất nước.

Khi lực lượng Liên Xô rút lui vào năm 1989, chính phủ được Moscow hậu thuẫn ở Kabul đã tồn tại được 3 năm. Nhưng khi Liên Xô tan rã vào năm 1992 đã mở ra một cuộc nội chiến đẫm máu, liên quan đến nhiều phe phái Afghanistan được hỗ trợ bởi các cường quốc khác nhau trong khu vực. Nếu các vấn đề không được xử lý cẩn thận ngay bây giờ, có nguy cơ xảy ra tình huống tương tự. Taliban nổi lên từ sự hỗn loạn của cuộc nội chiến và cai trị Afghanistan cho đến năm 2001. Giờ đây, nhóm này có thể cố gắng chiếm lại nhà nước nếu thỏa thuận không đạt được.

Sự hỗn loạn sẽ như thế nào?

Những nỗ lực hòa bình hiện nay có thể thấy Taliban đã tham gia vào "cuộc chơi" ở Afghanistan. Điều này có nghĩa là, việc kết thúc chiến tranh thành lập chính phủ Afghanistan sẽ là một chiến thắng cùng có lợi cho người Afghanistan, Mỹ và các người chơi trong khu vực. Nhưng nếu điều này không xảy ra, xung đột và bất ổn có thể gia tăng ở một quốc gia có vị trí chiến lược trong khu vực. Một vòng hỗn loạn khác cũng có thể dẫn đến sự xuất hiện của các nhóm cực đoan bạo lực mới. Người Afghanistan và thế giới sẽ phải đối phó với những khoảng trống an ninh một khi các nhóm phiến quân như Al-Qaeda và IS tìm thấy mảnh đất màu mỡ tại Afghanistan. Gia tăng sản xuất ma túy và tràn ngập người tị nạn sẽ đặt ra những thách thức nghiêm trọng không chỉ đối với Afghanistan mà còn đối với toàn bộ khu vực và thế giới.

Lịch sử cho thấy, đàm phán và thỏa thuận không đảm bảo rằng các xung đột sẽ được giải quyết một cách hòa bình. Các bước này chỉ là sự khởi đầu của một quá trình phức tạp và đầy thách thức. Thách thức lớn nhất đối với Afghanistan là việc tạo ra các cơ chế thực thi có thể đối phó với bất kỳ kịch bản hậu thỏa thuận nào. Do đó, khu vực và quốc tế cần phối hợp thực hiện các nỗ lực vì hòa bình và ngăn chặn những kẻ phá hoại tiến trình này.

AN BÌNH