Mỹ có bắt tay Nga chống IS?

Thứ bảy, 05/12/2015 10:05

(Cadn.com.vn) - Tham gia cùng với Nga trong liên minh chống IS hay kéo dài tình trạng coi Điện Kremlin như kẻ thù đang là bài toán đau đầu đối với Mỹ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tuyên bố sẵn sàng liên minh với Mỹ chống IS
nhưng xem ra ông chủ Nhà Trắng Barack Obama (trái) không mấy mặn mà. Ảnh: AP  

130 người đã thiệt mạng trong loạt khủng bố chấn động thủ đô Paris của nước Pháp, 224 người trở thành nạn nhân xấu số khi máy bay Airbus A320 của Nga phát nổ trên không do bị đặt bom... Tất cả đang đẩy các nhà hoạch định chính sách cũng như các ứng viên Tổng thống Mỹ đứng trước quyết định định mệnh: có nên bắt tay với Nga trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria hay không.

Giới quan sát cho rằng, nếu mục tiêu của Nhà Trắng là bảo vệ an ninh nước Mỹ và an ninh quốc tế cũng như cuộc sống của người dân, họ không có lựa chọn thay thế nào khác ngoài việc hình thành liên minh quan trọng như vậy với Moscow. Bởi thực tế, nhóm Hồi giáo cực đoan IS và cả những thành phần nổi dậy “ôn hòa” - dù ít cực đoan hơn - hiện đang là mối đe dọa nguy hiểm của toàn thế giới. Sau khi tàn sát và buộc số lượng lớn người vô tội từ Trung Đông và Châu Phi phải đến tị nạn ở Châu Âu, Nga cũng như Mỹ, IS hiện đã tuyên chiến với toàn bộ thế giới phương Tây.

Theo tờ Sputnik, các tổ chức khủng bố quốc tế hiện không còn đơn thuần hành động theo kiểu “phi quốc gia”. IS, tự nó, là nhóm mới nổi lên mạnh mẽ, giành quyền kiểm soát vùng lãnh thổ rộng lớn, chiến đấu dữ dội, ngân sách dồi dào, có ý thức hệ tổ chức cực kỳ quy mô và nhất là khả năng tuyển dụng tân binh từ các nước phương Tây.

Sức mạnh của IS không chỉ là mối đe dọa giới hạn trong một khu vực nhất định của thế giới. Cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Châu Âu là minh chứng rõ ràng nhất. Nó đang dần gây xói mòn nền tảng của Liên minh Châu Âu (EU) và của cả khối quân sự NATO khi mối lo khủng bố đang bao trùm lục địa già kể từ sau loạt tấn công Paris vào ngày 13-11, loạt tấn công tồi tệ nhất trên đất Châu Âu kể từ sau Thế chiến II.

Cũng do cuộc khủng hoảng người di cư - vốn đang bộc lộ những nguy hiểm cho toàn bộ khu vực - EU đang tính tạm ngừng thực hiện khu vực đi lại miễn thị thực Schengen trong 2 năm. Việc phải viện đến biện pháp khẩn cấp này - được ghi trong Điều khoản 26 của Hiệp ước Schengen - cho thấy dự án hội nhập 20 năm tuổi đã bị đe dọa nghiêm trọng bởi sức ép chính trị từ dòng thác 1,2 triệu người di cư đổ vào EU trong năm nay.

Và các chuyên gia quân sự nhận định, mối đe dọa lây lan từ IS chắc chắn không thể được khống chế nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ của Moscow. Nga- với kinh nghiệm của một quốc gia Châu Âu có nhiều người Hồi giáo nhất, quân đội lớn mạnh, khả năng tình báo nổi trội và đặc biệt là quan hệ chính trị ở Trung Đông đang là điều kiện cần và đủ cho các nước liên quân do Mỹ dẫn đầu hiện nay. Là bên mất mát nhiều nhất trong cuộc chiến chống khủng bố hơn bất kỳ quốc gia phương Tây khác trong những năm gần đây, Nga xứng đáng đóng vai trò hàng đầu trong liên minh này.

Một vài nhân vật chính trị Mỹ đã sáng suốt lặp đi lặp lại kêu gọi “liên minh với Nga” do Tổng thống Pháp Francois Hollande đưa ra. Đó là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, Nghị sĩ đảng Cộng hòa Dana Rohrabacher, và quan trọng nhất là Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, người sẽ ra tranh cử Tổng thống Mỹ Bernie Sanders. Tuy nhiên, trong thế áp đảo hơn, giới quan chức Mỹ đang đi theo tiếng nói của tờ Washington Post: “Một liên minh với Nga sẽ là bước sai lầm nguy hiểm đối với Mỹ”.

Trên thực tế, việc “coi thường” yếu tố Nga đối với an ninh quốc gia của Mỹ là kết quả của mối quan hệ Chiến tranh Lạnh mới Washington-Moscow vốn nổ ra kể từ sau cuộc khủng hoảng Ukraine cách đây 2 năm. Nhưng giới quan sát cho rằng, trong tình thế hiện nay, Nhà Trắng cần có cái nhìn khác hơn.

Khả Anh