Mỹ có nguy cơ mất quyền kiểm soát căn cứ quân sự bí mật Diego Garcia?

Thứ sáu, 29/03/2019 13:05

Theo CNN, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) thuộc LHQ vừa đưa ra phán quyết khiến Mỹ có nguy cơ mất quyền kiểm soát căn cứ quân sự Diego Garcia nằm ở vùng biển Ấn Độ Dương.

 Diego Garcia là một trong những tiền đồn quân sự quan trọng của Mỹ.

Diego Garcia ở đâu?

Theo CNN, Diego Garcia thực chất là rạn san hô vòng nằm ở trung tâm Ấn Độ Dương, cách phía nam bờ biển Ấn Độ và Sri Lanka chừng 1.600km. Trong đó đảo san hô Diego Garcia có diện tích lớn nhất thuộc Quần đảo Chagos với hơn 60 đảo lớn nhỏ. Đây là một phần Lãnh thổ Ấn Độ Dương thuộc Anh, hay lãnh thổ hải ngoại Anh.

Vào thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh giữa những năm 1960, chính phủ Mỹ ký một thỏa thuận bí mật với Anh thuê một trong số 60 đảo san hô thuộc quần đảo Chagos để xây dựng căn cứ quân sự. Thỏa thuận này mang tính bí mật vì lúc đó London đang trong quá trình trao trả độc lập cho Mauritius, trong đó có quần đảo Chagos. Điều này cho thấy, Chagos không bao giờ có độc lập thực sự mà thay vào đó, nó được tách ra từ Mauritius và được đổi tên thành Lãnh thổ Ấn Độ Dương thuộc Anh (British Indian Ocean Territory) năm 1968. Điều này khiến ICJ thuộc LHQ phán quyết là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế. Theo phán quyết của ICJ đưa ra tháng 2-2019, London phải kết thúc quá trình phi thuộc địa hóa và trả lại quần đảo Chagos, nằm giữa Châu Phi và Indonesia, cho Mauritius. Phán quyết của ICJ tuy không mang tính ràng buộc pháp lý, nhưng cũng khiến Mỹ mất đi một món lợi lớn, bởi Diego Garcia là một trong những tài sản hải ngoại bí mật và căn cứ quân sự quan trọng nhất.

Tiền đồn quân sự quan trọng

Cũng theo CNN, sau khi ký kết với Anh, Mỹ đã trả 3,9 triệu USD cho Mauritius và thỏa thuận giảm 14 triệu USD khi bán tên lửa cho Anh để trang bị cho tàu ngầm lớp Polaris. 

Với diện tích rộng chừng 30 ha, Diego Garcia được xếp vào danh sách tối mật dành cho mục đích quân sự. Ngay cả phóng viên báo chí cũng không được phép đến thăm đảo. Thỏa thuận ký với Anh khiến 3.000 người bản địa quần đảo Chagos phải tha phương di cư đến Mauritius và Seychelles để Mỹ xây dựng căn cứ quân sự. Năm 1967, những cư dân Diego Garcia bị trục xuất khỏi mảnh đất nơi họ sinh ra, với lý do sang Mauritius để chữa bệnh nhưng không bao giờ được phép quay trở lại. Do hạn chế y tế và thực phẩm nên năm 1973, tất cả những người còn lại buộc phải rời khỏi quê hương. 

Hiện, Diego Garcia là nơi đồn trú của hơn 1.000 binh sĩ, nhân viên quân sự Mỹ, được hải quân, không quân Mỹ và thậm chí cả Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sử dụng làm nơi hạ cánh khẩn cấp cho máy bay, các tàu con thoi nghiên cứu vũ trụ của Mỹ. Năm 2001, vài tuần sau vụ khủng bố ngày 11-9, Mỹ đã triển khai thêm 2.000 binh sĩ đến đảo, đồng thời mở rộng thêm 12 ha nhằm hỗ trợ các chiến dịch ở Trung Đông cũng như cuộc chiến ở Iraq từ năm 2003 - 2011. Năm 2003, khi Mỹ và các đồng minh tấn công Iraq, Diego Garcia trở thành nơi tập kết máy bay ném bom tầm xa, máy bay tuần tra và tàu chở hàng của Mỹ, đồng thời là điểm tiếp nhiên liệu và cung cấp dịch vụ hậu cần. Giai đoạn chiến tranh Vùng Vịnh 1990-1991 và khi Washington đưa quân sang tham chiến ở Afghanistan, Diego Garcia cũng đóng vai trò là căn cứ quan trọng giúp Mỹ  giám sát khu vực Ấn Độ Dương. Ngoài ra, quân đội Mỹ còn xây dựng một đường băng dài hơn 3.000 mét dùng cho các máy bay ném bom B-1, B-2 và B-52 hạ cánh. Rất nhiều đồn đoán cho rằng Cục Tình báo trung ương Mỹ  (CIA) còn đưa tù nhân lên đảo để tra tấn và thẩm vấn, tất cả những bí mật này đã được  CIA ém nhẹm.

Tương lai nào cho Diego Garcia?

Đứng trên góc độ chiến lược, Diego Garcia tuy chỉ là một đầm phá nhưng lại nằm ở vị trí lý tưởng, kể cả địa hình lẫn khí hậu, nên nó đã trở thành một trong những tiền đồn quân sự quan trọng của Mỹ tại Ấn Độ Dương. Tuy nhiên với phán quyết của ICJ, dư luận biết thêm nhiều điều mờ ám của cả Anh lẫn Mỹ trong nhiều thập kỷ qua. Và do không ràng buộc về mặt pháp lý nên rất có thể cả hai nước sẽ phớt lờ phán quyết này.

Thủ tướng Mauritius Pravind Jugnauth gọi phán quyết của ICJ là "thời khắc lịch sử đối với người dân Mauritius", mở đường cho người Chagos và con cháu họ có điều kiện hồi hương sau nhiều thập kỷ tha phương trên đất khách quê người.  Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cơ hội để Mauritius trục xuất căn cứ quân sự Diego Garcia là rất nhỏ, thậm chí có thể vẫn tiếp tục cho thuê, vừa có tiền lại bảo vệ được chủ quyền. Ngoài Mỹ, còn nhiều khách hàng tiềm ẩn khác, như Trung Quốc cũng đang nhòm ngó để tiếp cận Ấn Độ Dương. Dù tương lai Diego Garcia ra sao thì phán quyết của ICJ buộc Mỹ phải đàm phán với Mauritius về tương lai của Diego Garcia vì nó liên quan đến các hoạt động quân sự của Mỹ tại Ấn Độ Dương và khu vực.

DUY HÙNG (Theo CNN)