Mỹ hứng chỉ trích với quyết định gửi bom chùm cho Ukraine

Thứ hai, 10/07/2023 08:55
Ngày 7-7, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định cung cấp hàng nghìn quả bom chùm cho Ukraine trong gói viện trợ quân sự mới trị giá tới 800 triệu USD. Nhiều ý  kiến cho rằng động thái này của Washington là "sai lầm nghiêm trọng" vì nó có thể khiến cuộc xung đột Nga - Ukraine thêm căng thẳng.
Một đặc công Ukraine nhặt một phần chưa nổ của quả bom chùm còn sót lại ở khu vực Kiev. Ảnh: Reuters
Một đặc công Ukraine nhặt một phần chưa nổ của quả bom chùm còn sót lại ở khu vực Kiev. Ảnh: Reuters

Nguy cơ thương vong cho dân thường

Loại bom chùm mà Mỹ định gửi cho Ukraine được lấy từ "Kho bom chùm thông thường được cải tiến cho mục đích kép" mà trước đó quân Mỹ tuyên bố sẽ tiêu hủy. Chúng có thể bắn từ các khẩu lựu pháo 155mm và mang tới 88 quả bom con trong khoang chứa, mỗi quả bom con có tầm sát thương là 10m2. Một quả bom như vậy có thể phát tán hỏa lực lên một diện tích rộng tới 30.000m2. Theo tờ The Guardian ngày 7-7, bom chùm bị cấm ở hơn 100 quốc gia. Loại bom này thường rải nhiều quả bom nhỏ hơn trên một khu vực rộng. Những quả bom không phát nổ đe dọa thường dân, đặc biệt là trẻ em, trong nhiều thập kỷ sau khi xung đột kết thúc.

Quyết định được Washington đưa ra bất chấp những lo ngại rằng loại vũ khí gây tranh cãi này có thể gây thương vong cho dân thường. Các tổ chức nhân quyền đã chỉ trích gay gắt quyết định của Tổng thống Biden khi nói rằng ít nhất 149 thường dân đã thiệt mạng hoặc bị thương trên toàn thế giới bởi loại vũ khí này vào năm 2021. Ông Paul Hannon, Phó chủ tịch Ban Quản lý Liên minh Chiến dịch Quốc tế Cấm Mìn và Bom chùm, cho biết: "Quyết định chuyển giao bom, đạn chùm của chính quyền Mỹ sẽ góp phần gây ra thương vong khủng khiếp cho dân thường Ukraine cả ngay lập tức và trong nhiều năm tới. Việc sử dụng bom, đạn chùm đang làm tăng thêm tình trạng ô nhiễm nặng nề ở Ukraine do chất nổ còn sót lại và bom mìn".

Phản ứng của các bên

Sau thông báo của Mỹ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã mô tả gói viện trợ là sự bảo vệ kịp thời, rộng rãi và rất cần thiết khi ông viết một dòng tweet cảm ơn Tổng thống Joe Biden. Trước đó, Ukraine đã đảm bảo với Mỹ bằng văn bản rằng họ sẽ sử dụng bom, đạn chùm một cách rất thận trọng nhằm giảm thiểu rủi ro cho dân thường. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cũng hoan nghênh việc Mỹ quyết định gửi bom chùm tới Kiev, nhưng hứa sẽ không dùng bom chùm trên lãnh thổ Nga. Ông Reznikov nêu rõ: "Ukraine sẽ chỉ sử dụng những loại vũ khí này cho mục đích giải phóng các vùng lãnh thổ được quốc tế công nhận của chúng tôi. Những loại vũ khí này sẽ không được sử dụng trên phần lãnh thổ Nga được công nhận chính thức".

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố cho rằng quyết định của Mỹ cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine là một hành động nhằm kéo dài cuộc xung đột tại nước này. Theo hãng tin TASS, người phát ngôn bộ trên, bà Maria Zakharova nhấn mạnh quyết định của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục cho thấy đường lối chống Nga của Mỹ nhằm kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine. Nghị sĩ Leonid Slutsky, chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế tại Hạ viện Nga cho rằng việc Mỹ quyết định gửi bom chùm tới Ukraine cho thấy Washington quan tâm đến chuyện ngăn chặn Nga giành chiến thắng hơn là giữ cho dân thường tránh khỏi nguy hiểm. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã đăng lên mạng xã hội một đoạn video cho thấy cựu thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki từng nói rằng việc sử dụng bom chùm là tội ác chiến tranh. Đoạn video cho thấy bà Psaki phản đối việc sử dụng bom chùm vào ngày 28-2-2022 khi trả lời câu hỏi của phóng viên.

Các đồng minh cũng phản đối quyết định của Mỹ. Tây Ban Nha ngày 8-7 tuyên bố không nên gửi bom chùm tới Ukraine. Bom chùm bị cấm ở hơn 100 nước, trong đó có Tây Ban Nha. Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles khẳng định: "Tây Ban Nha, dựa trên cam kết trước sau như một với Ukraine, cũng cam kết chắc chắn rằng một số loại vũ khí và bom không thể được chuyển tới Ukraine trong mọi trường hợp". Bộ trưởng Robles nhấn mạnh quyết định gửi bom chùm tới Ukraine là của Chính phủ Mỹ, chứ không phải của NATO mà trong đó Tây Ban Nha là một thành viên. Cùng ngày, Thủ tướng Rishi Sunak tuyên bố Anh là một bên ký hiệp ước cấm sản xuất, sử dụng bom chùm và London không khuyến khích sử dụng loại vũ khí này. Ngày 7-7, người phát ngôn của chính phủ Đức, ông Steffen Hebestreit nói với các phóng viên ở Berlin rằng Đức phản đối gửi bom chùm tới Ukraine.

Tổng thống Biden cũng đối mặt với phản ứng dữ dội từ chính đảng Dân chủ. Hai thượng nghị sỹ Patrick Leahy và Jeff Merkley của đảng Dân chủ đã gọi quyết định của chính phủ cung cấp bom chùm cho Ukraine là "sai lầm nghiêm trọng". Hai thượng nghị sĩ này cho rằng quyết định chuyển giao loại vũ khí này cũng sẽ hủy bỏ hàng thập kỷ chính sách của Washington và có thể dẫn đến nhiều bi kịch hơn. Nữ nghị sĩ Betty McCollum của bang Minnesota mô tả động thái này là "không cần thiết và là một sai lầm", đồng thời nói thêm: "Những vũ khí này cần bị loại bỏ khỏi kho dự trữ của chúng ta, không phải để đưa tới Ukraine".

Đồng quan điểm, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên tiếng phản đối quyết định của Washington cung cấp bom, đạn chùm cho Kiev.

AN BÌNH