Mỹ kích hoạt các phương án đối phó Triều Tiên

Thứ hai, 18/09/2017 13:26

Vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên đã nối lại cuộc thảo luận ở các cấp cao nhất trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc "sức mạnh quân sự" có thể được sử dụng như thế nào nhằm ngăn chặn sự phát triển đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Một trong những câu hỏi quan trọng cho các nhà xây dựng kế hoạch quân sự và các nhà phân tích tình báo là lựa chọn nào thực tế sẽ xảy ra, như một biện pháp răn đe đối với Bình Nhưỡng.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un cùng các tướng lĩnh vui mừng sau vụ phóng tên lửa thành công hôm 15-9.

Người Mỹ ủng hộ hành động quân sự

Theo kết quả khảo sát do hãng Gallup công bố hôm 15-9, đa số người Mỹ ủng hộ hành động quân sự chống Triều Tiên nếu những nỗ lực ngoại giao và kinh tế thất bại.

Trong số 1.022 người được khảo sát, 58% nói rằng sẽ ủng hộ hành động quân sự chống Triều Tiên nếu Mỹ không thể hoàn thành các mục tiêu của mình bằng các biện pháp hòa bình trước tiên. Trong số những người theo đảng Cộng hòa, 82% ủng hộ hành động quân sự so với 37% của những người theo đảng Dân chủ. Trong số những người có lập trường trung lập về chính trị, có 56% ủng hộ hành động như vậy. Gallup cho rằng, đa số người Mỹ dự đoán mọi cuộc tấn công quân sự của Mỹ sẽ xảy ra trong 6 tháng tới.

"Chặt đầu rắn"

Cựu Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers cho rằng, trên thực tế, có một giải pháp được gọi là "chặt đầu rắn". Có nghĩa là Mỹ sẽ "tấn công vào giới lãnh đạo Triều Tiên, trong đó có ông Kim Jong-Un và một số nhà lãnh đạo cấp cao xung quanh ông này".

Ngoài ra, cũng có các lựa chọn cho "một cuộc tấn công giới hạn" nhằm vào các cơ sở hạt nhân và các vũ khí khác của Triều Tiên. Một số quan chức hàng đầu của Mỹ cho rằng, không có sự xem xét ngay lập tức nào đối với việc đưa các vũ khí hạt nhân chiến thuật tới khu vực nhằm sử dụng chúng chống lại Triều Tiên. Tuy nhiên, nếu cuộc khủng hoảng đạt đến điểm cần phải có các vũ khí hạt nhân, các quan chức Mỹ thừa nhận, Washington thường duy trì các tàu ngầm được trang bị tên lửa có đầu đạn hạt nhân nhằm bí mật tuần tra ngoài khơi.

Các quan chức cho biết nhằm tiến vào không phận Triều Tiên để tấn công bất cứ căn cứ tên lửa và hạt nhân nào có thể được xác định của Triều Tiên, Mỹ có thể dựa vào các tên lửa hành trình và máy bay chiến đấu để bắt đầu tấn công các căn cứ tên lửa phòng không và radar. Các quan chức Mỹ hiện đang xem xét lại bất cứ biện pháp khả thi nào nhằm phá hủy hàng nghìn khẩu pháo và các vũ khí mà Triều Tiên đã đặt ở phía Bắc khu vực giải giáp quân sự.

Ngoài các lựa chọn ngoại giao và chiến tranh tổng lực, vẫn có các lựa chọn khả thi khác. Cựu phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, Đại tá Steve Warren cho rằng: "Có thể có một cuộc tấn công mạng mà người Triều Tiên thậm chí còn không hiểu được... đó là cuộc tấn công mạng đến từ chúng ta. Họ chỉ đơn giản nhận thấy bản thân bị bối rối bởi một vấn đề mà họ không thể tiên liệu".

Nga, Trung kêu gọi Mỹ ngừng đe dọa Triều Tiên

Đại sứ Trung Quốc tại Washington Thôi Thiên Khải kêu gọi Mỹ kiềm chế không đưa ra những lời đe dọa liên quan đến Triều Tiên. Phát biểu với báo giới tại một sự kiện ở Đại sứ quán, ông Thôi Thiên Khải nói: "Tôi nghĩ Mỹ nên làm nhiều hơn so với hiện nay, để có thể có được sự hợp tác quốc tế thực sự hiệu quả trong vấn đề này. Họ nên tránh đưa ra thêm các lời đe dọa. Họ nên làm nhiều hơn để tìm kiếm các cách thức hiệu quả nhằm nối lại đối thoại và đàm phán".

Đại sứ Nga tại LHQ ông Vassily Nebenzia cũng nhấn mạnh, Triều Tiên và các quốc gia khác cần phải chấm dứt những lời đe dọa lẫn nhau và can dự vào những cuộc đàm phán có ý nghĩa. Ông Nebenzia cho biết Moscow sẽ thực thi các biện pháp trừng phạt được đưa ra trong nghị quyết mới đây nhất của LHQ, song nhấn mạnh nghị quyết này còn bao gồm cả những bước đi chính trị mà Mỹ cùng các quốc gia khác cần phải xúc tiến.

AN BÌNH

----------------------------------------------------------------------------------------------

Phản ứng của Việt Nam trước việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo qua không phận Nhật Bản

Ngày 17-9, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo qua không phận Nhật Bản ngày 15-9, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam quan ngại sâu sắc trước hành động này, vốn vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết liên quan của HĐBA LHQ, làm gia tăng căng thẳng ở khu vực.

Bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, "Việt Nam nhất quán ủng hộ mọi nỗ lực thúc đẩy đối thoại và duy trì hòa bình, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên; kêu gọi các bên tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết liên quan của HĐBA LHQ và có những hành động mang tính xây dựng, thiết thực, đóng góp cho việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực và trên thế giới".

TTXVN

----------------------------------------------------------------------------------------------