Triều Tiên lại “đùa” với tên lửa

Thứ bảy, 16/09/2017 07:00

Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc và Nga có hành động trực tiếp đối với Triều Tiên, nhằm đáp trả vụ phóng tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng.

Một người dân Nhật Bản theo dõi vụ Triều Tiên phóng tên lửa qua màn hình ti-vi.     Ảnh: BBC

Ngày 15-9, Triều Tiên lại tiếp tục phóng tên lửa hướng về Nhật Bản từ quận Sunan ở thủ đô Bình Nhưỡng, bất chấp việc HĐBA LHQ trước đó 3 ngày đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt chống Bình Nhưỡng do nước này thử hạt nhân hôm 3-9. Động thái này rõ ràng tạo ra căng thẳng mới trong khu vực sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 chỉ chưa đầy 2 tuần trước.

Theo BBC, tên lửa được phóng đi vào lúc 6 giờ 57 và bay qua không phận đảo Hokkaido của Nhật. Đài NHK dẫn lời Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho rằng, dựa trên tầm bắn, tên lửa Triều Tiên vừa phóng đi là loại đạn đạo liên lục địa (ICBM). Ngay sau vụ phóng, Phủ Tổng thống Hàn Quốc triệu tập phiên họp khẩn của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC). Chánh Văn phòng Nhà Trắng John Kelly báo cáo với Tổng thống Donald Trump về những diễn biến mới nhất về vụ việc này.

Những phản ứng gay gắt

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson kêu gọi Trung Quốc và Nga có hành động trực tiếp đối với Triều Tiên. “Trung, Nga cần tỏ rõ sự không khoan nhượng trước các vụ phóng tên lửa liều lĩnh của Triều Tiên thông qua việc tiến hành các hoạt động trực tiếp của chính các nước này”, Ngoại trưởng Tillerson nhấn mạnh. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cho biết Trung Quốc xuất khẩu lượng lớn dầu thô cho Triều Tiên, còn “Nga là nước sử dụng lao động Triều Tiên nhiều nhất”.

Tuy nhiên, Trung Quốc ngay lập tức phản kháng, cho rằng, nước này không nắm giữ chìa khóa cho một giải pháp cuối cùng về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.  Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng, điểm then chốt của vấn đề này là sự đối đầu giữa Triều Tiên và Mỹ.  Tại Nhật, Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố sẽ “không bao giờ tha thứ” cho điều mà ông gọi là “hành động khiêu khích nguy hiểm đe dọa hòa bình thế giới” của Triều Tiên.  Thủ tướng Abe cũng nhấn mạnh: “Giờ là lúc cộng đồng quốc tế cần đoàn kết”. Anh cũng cùng quan điểm này, cho rằng, thế giới sẽ cùng nhau chống lại Triều Tiên sau vụ thử lần này.

Tại cuộc họp khẩn NSC, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố đối thoại với Triều Tiên là “điều không thể trong tình hình như hiện nay” và cảnh báo, Seoul có khả năng tàn phá Triều Tiên tới mức “không thể khôi phục được”. Bên cạnh đó, ông cũng đảm bảo với người dân, Hàn Quốc có đủ khả năng tự vệ.

Nguy cơ cuộc chạy đua vũ trang trên bán đảo Triều Tiên

Tuy nhiên, vấn đề quan tâm hơn cả là Hàn Quốc đã ngay lập tức đáp trả hành động khiêu khích mới nhất vào ngày 15-9 của người hàng xóm Triều Tiên bằng các cuộc tập trận và thử tên lửa.

Động thái này lại làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang trên bán đảo Triều Tiên. Theo NBC News, trong màn đáp trả này, quân đội Hàn Quốc thực hiện 5 cuộc diễn tập bắn đạn thật giả định tấn công khu vực phóng tên lửa của Bình Nhưỡng. Màn đáp trả nhanh chóng này của Hàn Quốc được xem là chính đáng và cho thấy nước này đã sẵn sàng đối phó với chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-Un.

Nhưng giới phân tích cho rằng, đây là hành động liều lĩnh, đồng thời cảnh báo có thể sẽ khiến tình hình vốn đã căng thẳng sẽ leo thang hơn nữa.  Chuyên gia Jean H. Lee thuộc Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson nhận định: “Đây là cuộc chạy đua vũ trang rất nguy hiểm”. Theo Giáo sư Sung-Yoon Lee thuộc Trường Đại học Tuffs, việc tập trận ném bom khi bên đối địch đang thực hiện những vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo mạnh gấp hàng trăm hàng nghìn lần những quả bom thông thường mà Seoul đang phô diễn thật là vô ích, nếu như không muốn nói là một thảm họa đối với Hàn Quốc.

Nhiều chuyên gia cho rằng, sở dĩ Seoul tức giận như vậy vì vụ phóng tên lửa mới nhất này dội gáo nước lạnh vào các nỗ lực của Hàn Quốc trong việc tìm kiếm nỗ lực can dự thông qua việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên, dù Seoul nhấn mạnh viện trợ nhân đạo phải được thực hiện tách biệt khỏi các vấn đề chính trị.

KHẢ ANH