LHQ gia tăng trừng phạt, Triều Tiên có thay đổi?

Thứ tư, 13/09/2017 09:32

HĐBA LHQ hôm 11-9 nhất trí thông qua nghị quyết trừng phạt mới do Mỹ soạn thảo nhằm vào Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các biện pháp trừng phạt mới này vẫn khó lòng ngăn Bình Nhưỡng theo đuổi tham vọng hạt nhân.

HĐBA LHQ thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên hôm 11-9.

Trừng phạt mạnh tay

Với sự ủng hộ của Trung Quốc và Nga, HĐBA bỏ phiếu với tỷ lệ 15-0, áp đặt lệnh cấm đối với mặt hàng dệt xuất khẩu từ Triều Tiên, giới hạn các nguồn cung cấp các sản phẩm dầu mỏ và các chuyến hàng dầu thô đến Triều Tiên.

Đây là nghị quyết trừng phạt thứ 9 được HĐBA LHQ nhất trí thông qua từ năm 2006 liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Theo một quan chức Mỹ, nghị quyết mới giải quyết 6 mục tiêu chính: ngăn Triều Tiên nhập khẩu dầu, cấm nước này xuất khẩu hàng dệt may, chấm dứt các hợp đồng lao động ở nước ngoài, trấn áp các nỗ lực buôn lậu, ngăn Bình Nhưỡng hợp tác với các quốc gia khác và xử phạt các cơ quan chính phủ Triều Tiên.

"Hôm nay, chúng tôi nói rằng thế giới không bao giờ chấp nhận Triều Tiên là quốc gia có vũ khí hạt nhân, và hôm nay HĐBA cho rằng, nếu Triều Tiên không ngừng chương trình hạt nhân, chúng tôi sẽ hành động để ngăn chặn. Chúng tôi đang cố gắng ngăn nước này làm điều sai trái. Chúng tôi đang làm điều đó bằng cách đánh vào khả năng cung cấp nhiên liệu và tài trợ cho chương trình vũ khí của nước này", đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cho biết sau cuộc bỏ phiếu.

Cụ thể, các biện pháp trừng phạt mới này sẽ giảm 30% tổng lượng dầu nhập khẩu bằng cách cắt giảm trên 55% sản phẩm dầu mỏ tinh chế được chuyển đến Triều Tiên. "Dầu là máu, là cuộc sống cho nỗ lực xây dựng và tài trợ cho việc phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên", bà Haley nhận định. Nghị quyết mới cũng cấm Bình Nhưỡng xuất khẩu tất cả các mặt hàng dệt may. Năm 2016, Triều Tiên kiếm được 760 triệu USD từ việc bán hàng dệt may, khiến đây là nguồn thu xuất khẩu lớn thứ hai của Triều Tiên, sau than và khoáng sản. Ngoài ra, các biện pháp mới sẽ ngăn không cho người lao động Triều Tiên ở nước ngoài kiếm được tiền để gửi về nước- ước tính mỗi năm hơn 500 triệu USD.

Bình Nhưỡng cũng bị cắt giảm đầu tư nước ngoài, cấm chuyển giao công nghệ và hợp tác kinh tế. Những biện pháp bổ sung này cũng bao gồm hạn chế khả năng Triều Tiên chuyển lậu các sản phẩm như than đá và sắt ra nước ngoài- đặc biệt là trên biển. Ước tính, biện pháp trừng phạt mới có thể khiến Triều Tiên thiệt hại thêm khoảng 1,3 tỷ USD doanh thu hàng năm, qua đó gây áp lực buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa.

Hoan nghênh lệnh trừng phạt

Hàn Quốc hoan nghênh việc HĐBA LHQ thông qua một nghị quyết trừng phạt khắt khe hơn như một dấu hiệu của sự phản đối chung của cộng đồng quốc tế với chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cùng ngày cũng đưa ra tuyên bố kêu gọi Triều Tiên ngừng mọi hành động khiêu khích cũng như tuân thủ các nghị quyết trừng phạt của HĐBA LHQ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cùng ngày cho biết, nước này ủng hộ những biện pháp cần thiết của LHQ nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân hôm 3-9 của Triều Tiên. Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lưu Kiết Nhất kêu gọi tất cả các bên giữ bình tĩnh, không gây leo thang căng thẳng.  Theo ông Lưu, các bên liên quan cần nối lại đàm phán "càng sớm càng tốt".

Để khởi động các vòng đàm phán, Trung Quốc và Nga đã đề xuất một thỏa thuận "đóng băng kép". Theo đó, Triều Tiên ngừng thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân để đổi lấy việc Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận quân sự chung.

Chưa triệt để

Giới quan sát nhận định, đây là lệnh trừng phạt cứng rắn nhất từ trước tới nay mà Triều Tiên phải hứng chịu.

Các nhà ngoại giao phương Tây ca ngợi cuộc bỏ phiếu thông qua lệnh trừng phạt Triều Tiên lần này là chiến thắng của cộng đồng quốc tế trước các hành động khiêu khích ngày càng gia tăng từ Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, rất ít các nhà quan sát hay nhà ngoại giao tin vào việc chỉ áp dụng biện pháp trừng phạt có thể khiến Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, tên lửa.

Giới phân tích nhận định, nghị quyết mới "nhẹ nhàng" hơn nhiều so với dự thảo nghị quyết mà Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley công bố hôm 6-9. Nghị quyết mới loại bỏ đề xuất đóng băng tài sản, cấm đi lại trên toàn cầu đối với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nhưng áp đặt lệnh cấm đi lại trên toàn cầu đối với một thành viên của Ủy ban Quân sự Trung ương thuộc Đảng Lao động Triều Tiên, đồng thời phong tỏa tài sản của ủy ban này. Nghị quyết mới chưa chặt đứt được huyết mạch kinh tế của Triều Tiên không thể giúp Mỹ giải quyết cuộc khủng hoảng theo cách mà họ muốn. "Việc nghị quyết cuối cùng hạn chế hơn so với đề xuất đầu tiên từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thấy những khó khăn trong việc thương lượng với các bên ảnh hưởng trực tiếp tới lệnh trừng phạt: Trung Quốc và Nga", ông Anthony Ruggiero, chuyên gia cấp cao cho biết.

Một số chuyên gia khác nhận định, chiến lược trừng phạt sẽ không hiệu quả đối với Triều Tiên. Những gì thiếu trong 8 năm qua bên cạnh hàng loạt các biện pháp trừng phạt vẫn là một giải pháp ngoại giao. Ông Daryl G. Kimball, giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, trụ sở ở Washington, cho rằng "chiến lược chỉ áp dụng trừng phạt khó lòng khiến Triều Tiên khuất phục". "Nó cần đi đôi với một chiến lược đàm phán thực dụng. Nhưng các cuộc thảo luận như vậy chưa thể diễn ra vào lúc này", ông Kimball nói. Theo Sue Mi Terry, nhà phân tích từng làm việc tại Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), "bức tranh lớn hiện nay là Mỹ vẫn mắc kẹt với rất ít lựa chọn" về Triều Tiên.

AN BÌNH