Mỹ “làm lành” với Saudi Arabia

Thứ ba, 05/11/2013 11:29

(Cadn.com.vn) - Cuộc gặp gỡ với Nhà vua Saudi Arabia là cơ hội để Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hàn gắn quan hệ đang rạn nứt giữa hai bên.

Ngày 4-11, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc gặp gỡ hiếm hoi với Nhà vua Saudi Arabia, Abdullah trong nỗ lực cải thiện mối quan hệ đang lung lay với đồng minh Vùng Vịnh quan trọng này.

Cuộc hội đàm, diễn ra tại thủ đô Riyadh, chỉ một ngày sau khi các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tuyên bố Washington sẽ hết mình ủng hộ những người bạn Trung Đông vốn đang bị ảnh hưởng nhiều từ các cuộc cách mạng của Mùa xuân Arab. Những biến động chính trị sâu rộng đã càn quét các quốc gia Trung Đông, đặc biệt là sau sự nổi lên của các nhóm cực đoan mới mạnh mẽ ở Libya và Syria, Iran với cáo buộc kích động tình trạng bất ổn để hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến kéo dài 31 tháng qua.

Ngoại trưởng Saudi Arabia, Al-Faisal bin Abdulaziz al-Saud (thứ hai từ trái sang)
chào đón người đồng cấp Mỹ John Kerry đến thăm nước này hôm 3-11. Ảnh: AFP

Saudi Arabia, bị “khóa” trong thập kỷ cạnh tranh dài với Iran, lo ngại rằng, đề xuất đàm phán hòa bình cho Syria và cả thỏa thuận giải pháp kho vũ khí hóa học có thể “chấp cánh” cho Iran, quốc gia vốn hậu thuẫn Damascus,  bay cao hơn nữa trong khu vực. Ngoài ra, Riyadh cũng quan ngại, bước đột phá trong đàm phán hạt nhân Iran cũng có thể dẫn quốc gia Hồi giáo xích lại gần hơn với Mỹ. Nhưng ông Kerry đã trấn an vương quốc dầu mỏ này rằng, “Chúng tôi ở đây vì Saudi Arabia, vì Qatar, Jordan, Ai Cập... và những nước khác. Chúng tôi sẽ không cho phép các quốc gia này bị tấn công từ bên ngoài”.

Ông Kerry bắt đầu chuyến công du 11 ngày đến Trung Đông, Châu Phi và Châu Âu từ hôm 3-11 với trọng trách rất nặng nề. Thứ nhất là kiểm soát thiệt hại, bất ổn trong khu vực ảnh hưởng bởi cuộc cách mạng Mùa xuân Arab, vốn khuấy động căng thẳng trong đời sống chính trị của các đối tác lâu năm của Mỹ; và thứ hai là hàn gắn quan hệ với Saudi Arabia, quốc gia đang ngày càng lo ngại cuộc nổi dậy vốn lật đổ các đồng minh của họ ở Ai Cập, Tunisia và Yemen, sẽ ám vào nước này. Trong một động thái chưa từng có hồi tháng trước, vương quốc giàu dầu mỏ bảo thủ đã từ chối một ghế không thường trực đầy thèm muốn tại HĐBA LHQ để phản đối thất bại của tổ chức quyền lực nhất thế giới này trong nỗ lực chấm dứt nội chiến ở Syria, vốn đã giết chết hơn 120.000 người.

Ai Cập hoãn xét xử cựu Tổng thống Morsi

AP ngày 4-11 cho biết, Ai Cập hoãn phiên tòa xét xử Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi và 14 lãnh đạo hàng đầu nhóm Anh em Hồi giáo (MBO) do những lời cầu nguyện của các bị cáo gây trở ngại quá trình xét xử. Ông Morsi cùng với 14 lãnh đạo MBO trước đó đã có mặt tại một tòa án ở Cairo đối mặt với các cáo buộc kích động bạo lực và giết hại người biểu tình.

Ngoại trưởng Mỹ, người đã có cuộc hội đàm vào tối 3-11 tại Riyadh với người đồng cấp Saudi Arabia, Hoàng tử Saud al-Faisal và gặp Quốc vương Abdullah hôm 4-11, thừa nhận, Mỹ mâu thuẫn với các quốc gia vùng Vịnh về vấn đề Syria và Iran, nhưng ông phớt lờ sự khác biệt này. “Có thể có một số khác biệt về chiến thuật ở đây và ở đó”, ông nói. Tuy nhiên, ông khẳng định, tất cả đều nhất trí về mục tiêu kết thúc nội chiến và hình thành chính phủ lâm thời.

Để trấn an đồng minh lâu năm và rất quan trọng là Saudi Arabia, thủ lĩnh ngoại giao nước Mỹ cũng tuyên bố, sẽ không bao giờ cho phép Iran có vũ khí hạt nhân. “Iran sẽ không có vũ khí hạt nhân. Đó là một lời hứa của Tổng thống Mỹ”, ông Kerry mạnh miệng tuyên bố trong chặng dừng chân kết thúc chuyến công du ở Trung Đông. Nhà Trắng đang tính đến việc tạm dừng đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran, nhằm tạo ra sự linh hoạt trong đàm phán.

Một vòng đàm phán hạt nhân mới giữa Iran và nhóm P5+1 theo kế hoạch sẽ diễn ra vào ngày 7-11 tới tại Genève (Thụy Sĩ), gieo nhiều hy vọng cho một thỏa thuận về vấn đề vốn gây bão ở Trung Đông.

Khả Anh