Mỹ rúng động vụ gian lận tuyển sinh đại học lớn nhất lịch sử

Thứ năm, 14/03/2019 12:39

William Rick Singer - một ca sĩ giàu có, 58 tuổi, đứng sau thao túng các hành vi gian lận này thông qua mạng lưới “Edge College&Career”, với mức phí lên đến hàng triệu USD/thí sinh đối với các gói dịch vụ, dưới danh nghĩa đóng góp cho một tổ chức từ thiện giả mạo.

Kẻ cầm đầu vụ bê bối William Rick Singer (ảnh trái) và hai nữ diễn viên Hollywood liên quan vụ việc.   Ảnh: CNN

Nước Mỹ ngày 12-3 (giờ địa phương) bất ngờ chấn động khi các công tố viên cho biết đã phát giác một vụ gian lận tuyển sinh đại học lớn nhất trong lịch sử.

Theo CNN, gần 50 người bị buộc tội trong vụ việc này, tại 6 tiểu bang, với tổng số tiền “chạy điểm” lên đến hàng trăm triệu USD. Đứng đầu vụ gian lận này là một Cty chuyên luyện thi đại học ở thành phố Newport Beach, bang California. Những người liên quan đã ra tòa hôm 12-3 (giờ địa phương).

Mua điểm với hàng triệu USD/thí sinh

Theo các nguồn tin, vụ gian lận được thực hiện từ năm 2011 và một số học sinh đã được vào các trường Đại học Texas, Georgetown, Wake Forest và California ở Los Angeles (UCLA). Cốt lõi vấn đề là họ gian lận trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn; mua chuộc những người quyết định học sinh nào được nhận trong khi nói rằng, đó là số tiền từ thiện. 

William Rick Singer - một ca sĩ giàu có, 58 tuổi, đứng sau thao túng các hành vi gian lận này thông qua mạng lưới “Edge College&Career”, với mức phí từ 150.000- 6,5 triệu USD/thí sinh đối với các gói dịch vụ, dưới danh nghĩa đóng góp cho một tổ chức từ thiện giả mạo. Khi giới thiệu dịch vụ của mình với khách hàng, Singer nói ngắn gọn: “Những gì chúng tôi làm là giúp các gia đình giàu có nhất nước Mỹ đưa con cái họ vào đại học”.

Tại tòa, kẻ cầm đầu Singer đã nhận tội đối với các tội danh tống tiền, rửa tiền và cản trở công lý. “Tôi đã hối lộ các huấn luyện viên để tìm kiếm những vị trí tốt. Và điều đó xảy ra rất thường xuyên”, Singer nói tại tòa án liên bang. Huấn luyện viên Rudolph Meredith, một trong những người bị tố đã nhận 400.000 USD từ William, cũng nhận tội. John Vandemoer, một cựu huấn luyện viên của Đại học Stanford về đua thuyền có hợp tác với Singer, nhận tội âm mưu tống tiền. Theo nguồn tin, các huấn luyện viên đại học không có quyền quyết định ai được chấp nhận vào trường đại học của họ. Nhưng họ có quyền đề nghị với văn phòng tuyển sinh một số gương mặt được đánh giá là vượt trội để được tuyển chọn.

Theo cáo trạng tại tòa, những người này thậm chí làm giả các bức ảnh, “làm đẹp” hồ sơ của các học sinh như những vận động viên đầy tiềm năng nhằm đánh bóng hồ sơ, để đảm bảo đủ điều kiện được nhận vào các trường đại học lớn. “Thứ nhất, các hành vi gian lận xảy ra trong các kỳ thi SAT hoặc ACT - hai kỳ thi chuẩn hóa quốc tế bắt buộc để nộp hồ sơ vào các trường đại học tại Mỹ. Và thứ hai, những phụ huynh giàu có dùng tiền để mua điểm cho con cái của họ”, luật sư Andrew Lelling nói trong một cuộc họp báo ở Boston. Theo ông, chính vì những thí sinh trúng tuyển thông qua hành vi gian lận này mà các sinh viên có tài năng thực sự và trung thực đã bị loại.

Những người giàu có và nổi tiếng

Hầu hết các em học sinh không biết những việc làm của cha mẹ trong vụ việc này. Chỉ có một số ít các em được thông báo và đồng ý. Tuy nhiên, không có học sinh nào bị buộc tội trong vụ việc này. Trong khi đó, nhiều phụ huynh có nguy cơ đối mặt với án tù.

Và luật sư Andrew Lelling lưu ý, phụ huynh của các thí sinh trúng tuyển đều giàu và có đặc quyền, trong đó có cả người nổi tiếng. Tại phiên tòa lần này, diễn viên Huffman, nổi tiếng với vai diễn trong phim truyền hình “Những bà nội trợ kiểu Mỹ” và chồng, nam diễn viên William H. Macy cũng xuất hiện cùng khoảng 20 bị cáo khác. Theo nguồn tin, Huffman nhờ dịch vụ của Singer để đảm bảo cho 2 con gái vào đại học. Họ đã bỏ ra tiền trong vụ giao dịch đầu tiên của con gái lớn nhưng sau đó đổi ý và không tiếp tục dịch vụ với người con sau.

Nữ diễn viên Lori Loughlin, người đóng vai dì Becky trong phim “Ngôi nhà hạnh phúc” cũng liên quan vụ gian lận này. Loughlin và chồng, nhà thiết kế thời trang nổi tiếng Mossimo Giannulli, bị buộc tội trả 500.000 USD để đưa các con gái vào Đại học Nam California làm tân binh cho thủy thủ đoàn mặc dù con gái cô không biết chèo thuyền.

Các luật sư cho biết, nếu bị kết án, người chủ mưu và các phụ huynh đã trả tiền cho dịch vụ có thể bị phạt đến 20 năm tù. Tuy nhiên, Reuters dẫn lời luật sư Thom Mrozek tiết lộ, nhiều khả năng tất cả bị cáo đều được bảo lãnh tại ngoại. Hiện, bà Huffman đã được bảo lãnh tại ngoại với số tiền 250.000 USD trước khi phải tham dự phiên tòa tiếp theo ngày 29-3 ở Boston. Ông Giannulli được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 1 triệu USD trong khi vợ Loughlin hiện không có mặt ở Mỹ, và cam kết sẽ sớm quay về nước.

KHẢ ANH