Mỹ sẽ điều chỉnh chính sách đối ngoại

Thứ tư, 28/05/2014 10:43

(Cadn.com.vn) - Trong chặng đường không chỉ trải đầy hoa hồng ở Nhà Trắng, nỗ lực kết thúc hai cuộc chiến tốn nhiều tiền của ở Afghanistan và Iraq là điểm sáng hiếm hoi trong chính sách đối ngoại của ông Obama.

Tổng thống Barack Obama nắm quyền đã gần 6 năm, đã đưa binh sĩ Mỹ từ Iraq trở về, sắp khép lại cuộc chiến tại Afghanistan, tiêu diệt trùm khủng bố quốc tế Osama bin Laden và có hàng loạt bài phát biểu thể hiện thế giới quan của mình.

Tuy nhiên, điều quan trọng, đó chỉ là những điểm sáng hiếm hoi dưới chế độ của vị Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Mỹ - người cho đến nay vẫn chưa định hình học thuyết ngoại giao của riêng mình. Đó là lý do ông Obama cảm thấy cần thiết phải có nỗ lực mới nhằm lý giải chính sách đối ngoại với công chúng Mỹ. Đó là lý do ông chủ Nhà Trắng sẽ có bài diễn văn quan trọng về chính sách đối ngoại vào hôm nay (28-5) tại Học viện Quân sự West Point.

Thật sự, đã đến lúc ông Obama cần có những điều chỉnh quan trọng trong chính sách đối ngoại chủ đạo trước khi đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2016.

Tổng thống Obama có chuyến thăm bất ngờ đến căn cứ quân sự Mỹ Bagram ở Afghanistan hôm 26-5. Ảnh: White House

“Một kết thúc có trách nhiệm”

Khi cuộc chiến ở Afghanistan đang lùi dần, ông chủ Nhà Trắng cảm thấy cần làm gì đó để nói lên vai trò của Mỹ trên sân khấu chính trị thế giới trong phần còn lại của nhiệm kỳ thứ hai.

Chuyến đi bất ngờ đến Afghanistan hôm 26-5 đánh dấu nỗ lực khởi đầu của ông chủ Nhà Trắng. Trong đó, ông Obama khẳng định sẽ mang đến “một kết thúc có trách nhiệm” đối với Afghanistan vào cuối năm nay và mong muốn có một đội ngũ nhỏ lực lượng Mỹ sẽ ở lại quốc gia Nam Á này sau năm 2014 cho nhiệm vụ chống khủng bố, cũng như đào tạo an ninh cho lực lượng nước sở tại.

Tuy nhiên, sự hiện diện khá nhỏ nhoi này vẫn còn phụ thuộc vào chính phủ Kabul. Bất chấp nỗ lực đàm phán, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai từ chối ký khi Thỏa thuận an ninh song phương (BSA) với Nhà Trắng. Dường như, ông Karzai đang muốn “nhường” quyền quyết định lại cho người kế nhiệm sau cuộc bầu cử vào tháng tới. Trở về Washington ngay rạng sáng 27-5 mà không hề hội đàm với người đồng cấp Karzai, ông Obama đang dành tâm huyết “điền vào chi tiết” kế hoạch Afghanistan tại Học viện Quân sự West Point. Tại West Point, Tổng thống Obama có lẽ sẽ giải thích các mục tiêu của chính quyền Washington trong năm 2013 và “cách tiếp cận đối với những điểm nóng như Ukraine, Iran và Syria phù hợp với quan điểm đó như thế nào”.

Ben Rhodes, Phó Cố vấn an ninh quốc gia của ông Obama, cho biết, đây là thời điểm đánh dấu “bước ngoặt” cho chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của ông chủ Nhà Trắng.

Cách tiếp cận chủ động hơn

Giới phân tích cho rằng, việc ông Obama bất ngờ đến Afghanistan mang lại cảm giác về sự kết thúc của một kỷ nguyên - “kỷ nguyên của Trung Đông và Nam Á”.

Một kỷ nguyên mới khác lại bắt đầu trong bối cảnh các đối thủ của ông Obama chỉ trích, sự do dự của ông chủ Nhà Trắng không những khuyến khích Nga sát nhập Crimea mà còn “giúp” Trung Quốc hung hăng hơn trong tranh chấp trên biển với các quốc gia Châu Á. Chính sách lớn nhất của Mỹ hiện nay là tái xoay trục Châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nó đang bị thách thức bởi các cuộc khủng hoảng như xung đột phe phái ở Syria, thách thức của Nga đối với trật tự thế giới hậu Chiến tranh Lạnh và một nước Trung Quốc hung hăng trong vấn đề chủ quyền.

Nhìn về một hướng khác, Giáo sư Alan Dupont thuộc Trường Đại Học New South Wales cho rằng, tranh chấp trên biển tạo cơ hội cho Mỹ nhen nhóm lại “hệ thống liên minh” trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và vô hiệu hóa ảnh hưởng trên biển ngày càng tăng của Trung Quốc, cũng như tạo thế cân bằng hiệu quả hơn nhằm đối phó Bắc Kinh.

Báo PhilStar dẫn lời giáo sư Dunpont cho rằng, Bắc Kinh dường như tin rằng, khi Mỹ bị phân tâm bởi những thách thức về chính sách ngoại giao trong và ngoài nước, nỗ lực gây sức ép nhằm tạo ảnh hưởng về địa chính trị lên các nước láng giềng nhỏ hơn và yếu hơn. Nhưng Bắc Kinh đã lầm. Theo ông Dupont, lập trường cứng rắn của Trung Quốc trong tranh chấp biển thách thức “tính vượt trội” của Mỹ. Và việc Trung Quốc không nhìn ra chính sách tái cân bằng của Mỹ có thể bị cô lập bởi chính những quốc gia có tranh chấp chủ quyền với mình.

Vẫn chưa rõ chính xác chính sách đối ngoại mới sẽ hình thành như thế nào. Tuy nhiên, các quan chức nói rằng, ông Obama sẽ có cách tiếp cận chủ động hơn.

Khả Anh