Mỹ "tái cân bằng" Đông Nam Á

Thứ sáu, 09/01/2015 14:35

(Cadn.com.vn) - Đông Nam Á là một trong những thành phần trung tâm của chính sách xoay trục hay tái cân bằng của chính quyền Tổng thống Barack Obama đối với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Dù mở rộng hỗ trợ khu vực tại Đông Nam Á, vẫn còn nhiều mối quan ngại về khả năng thực hiện và tính bền vững của chính sách này. Vậy Nhà Trắng có thể làm gì trong năm 2015 để thúc đẩy chính sách tái cân bằng Đông Nam Á trước khi tập trung vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016?

Ký kết các Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương

Chính quyền Obama cần ký kết các Hiệp định thương mại tự do đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 thành viên, hiện liên quan đến 4 nước Đông Nam Á là Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam, nhưng có khả năng sẽ bao gồm thêm nhiều nước khác trong tương lai. TPP được ký kết thành công là thắng lợi lớn đối với Mỹ trong các cuộc chơi kinh tế đang diễn ra ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, mang lại lợi thế cạnh tranh rất lớn cho Washington trước Trung Quốc.

Hơn thế nữa, TPP sẽ là minh chứng hữu hình cho thấy, chính sách tái cân bằng không chỉ tập trung vào quân sự mà là tín hiệu rõ ràng về khả năng và sự sẵn sàng của Washington trong việc định hình các quy tắc cho khu vực trong tương lai.

Mỹ cần tập trung cho khu vực Đông Nam Á trong năm 2015. Ảnh: Diplomat

Điều chỉnh chiến lược khu vực của Trung Quốc

Chiến lược của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á về cơ bản ủng hộ việc tăng cường liên kết kinh tế để ràng buộc các quốc gia ASEAN đến gần với Bắc Kinh. Một số chính sách được Bắc Kinh điều chỉnh sau đó nhằm hạn chế phản ứng của Đông Nam Á và vai trò của Mỹ.

Tuy nhiên, Washington thường xuyên có những kế sách khôn ngoan để đối phó với "quyền lực mềm" của Bắc Kinh. Theo chuyên gia về Trung Quốc Robert Sutter, mục tiêu chính sách của Mỹ năm 2015 không phải chỉ là phản ứng với các động thái của Bắc Kinh mà còn là chủ động đưa ra các sáng kiến riêng để có thể tăng thêm sức mạnh, cũng như khai thác điểm yếu của Trung Quốc.

Đạt cân bằng trong chính sách Myanmar

Năm 2015, Myanmar sẽ chứng kiến sự đấu tranh giữa những người thúc đẩy đất nước tiến nhanh về phía trước và những người phản đối chuyển động quá nhanh chóng. Các nỗ lực cải cách có thể bị đình trệ khi Myanmar đang tiến đến cuộc bầu cử vào cuối năm 2015. Chính quyền Obama và Quốc hội của đảng Cộng hòa sẽ phải cân bằng giữa việc yêu cầu chính phủ Naypyidaw chấm dứt những tồn tại về dân chủ và nhân quyền với tham vọng làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, không dễ để làm được điều này.

Đẩy mạnh quan hệ đối tác toàn diện

Chính quyền Obama phải làm việc không mệt mỏi để xây dựng các "quan hệ đối tác toàn diện" lỏng lẻo với 3 quốc gia Đông Nam Á quan trọng - Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Đây là các liên minh cần được nuôi dưỡng vào năm 2015 vì vẫn còn ở giai đoạn non trẻ so với các liên minh cũ của Mỹ. Tất cả các quốc gia này sẽ bận rộn trong năm 2015, buộc Washington phải ưu tiên thúc đẩy quan hệ đối tác với các nước này.

Ứng phó với IS

Ngoài 2 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số là Malaysia và Indonesia, các nước khác như  Philippines và Singapore cũng đang lo ngại về mối đe dọa của IS trong khu vực. Tất nhiên, điều quan trọng là không nên phóng đại mối đe dọa này, tuy nhiên cần thiết phải có sự phối hợp giữa Mỹ và các quốc gia Đông Nam Á có liên quan. Thách thức đối với Washington là đảm bảo, mối quan ngại về an ninh được giải quyết mà không làm tổn hại nền dân chủ và nhân quyền của các nước ASEAN.

An Bình
(The Diplomat)