Mỹ tăng cường tập trận đối phó với Trung Quốc
(Cadn.com.vn) - Lầu Năm Góc đang lên kế hoạch tổ chức nhiều cuộc tập trận hơn nữa ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nhằm đối phó với Trung Quốc.
Mỹ có kế hoạch tăng số lượng các cuộc tập trận quân sự và diễn tập nhân đạo tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, một phần trong chiến lược mới nhằm chống lại hoạt động mở rộng của Trung Quốc ở biển Đông.
Hình ảnh từ máy bay do thám P-8A Poseidon của Mỹ gửi về cho thấy Trung Quốc đang cải tạo đất tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters |
Reuters dẫn nguồn tin từ quân đội Philippines ngày 26-8 cho biết, kế hoạch của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Lầu Năm Góc đặc biệt quan ngại về việc Trung Quốc gia tăng triển khai các hoạt động bồi lấn nhanh chóng ở biển Đông tranh chấp. Theo nguồn tin, Đô đốc Harry Harris - Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ - đã nêu bật những khía cạnh chính trong bản dự thảo Chiến lược An ninh biển Châu Á - Thái Bình Dương của Lầu Năm Góc tại các cuộc hội đàm với người đồng cấp Philippines, tướng Hernando Iriberri.
Một nguồn tin quân sự, cũng có mặt tại cuộc họp giữa ông Harris và Iriberri cho biết, Mỹ và Philippines dự kiến sẽ tăng quy mô, tần số và độ phức tạp tinh tế của các cuộc tập trận trong khu vực. Phát ngôn viên quân đội Philippines, đại tá Restituto Padilla nói với giới báo chí rằng, bản dự thảo trên vạch rõ những hành động của Washington ở biển Đông và cả biển Hoa Đông, chủ yếu tập trung vào việc bảo vệ “quyền tự do trên biển”, ngăn chặn xung đột và đe dọa vũ lực cũng như thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp quốc tế.
Đô đốc Harry Harris đang có chuyến thăm quan trọng và mang ý nghĩa biểu tượng đến Philippines – một đồng minh thân cận trong khu vực Đông Nam Á và đã đệ đơn kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế vì những tuyên bố chủ quyền vô lý của Bắc Kinh ở biển Đông. Nhân chuyến thăm này, Philippines yêu cầu quân đội Mỹ giúp bảo vệ việc hoạt động chuyển quân và nguồn tiếp tế của Manila ở biển Đông bằng cách triển khai máy bay tuần tra để ngăn chặn việc Trung Quốc cản trở các phi vụ tiếp tế này. Quốc gia Đông Nam Á này từng phản đối các tàu cảnh sát biển Trung Quốc nhiều lần cản trở các tàu nhỏ của Philippines chở binh sĩ, thực phẩm và đồ tiếp tế khác đến một tiền đồn quân sự mà cả Manila và Bắc Kinh đều tuyên bố chủ quyền cũng như điều tàu canh gác.
Trung Quốc đang trở thành tâm điểm chỉ trích và lo ngại của Mỹ và cả cộng đồng quốc tế vì những tuyên bố chủ quyền vô lý cùng những hoạt động cải tạo đất ở biển Đông - khu vực không chỉ giàu tài nguyên mà còn là tuyến hàng hải quan trọng của thế giới. Theo bản dự thảo về Chiến lược an ninh biển Châu Á - Thái Bình Dương của Lầu Năm Góc, Bắc Kinh đang tích cực tuần tra các vùng biển quanh khu vực bồi lấp nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền. Bản dự thảo cũng cho biết, kể từ khi bắt đầu hoạt động bồi lấn trên biển từ tháng 12-2013 đến tháng 6-2015, Trung Quốc mở rộng và cải tạo được hơn 1.170ha.
Mỹ từng “rất sốc” khi thấy các hòn đảo nhân tạo mới và một nỗ lực công nghiệp khổng lồ mà Trung Quốc đang thực hiện ở biển Đông. Quy mô của công trình gần như là ẩn dụ hoàn hảo cho chính sách đối ngoại hiện đại “trong cát” của Bắc Kinh: “Chúng tôi lớn mạnh, chúng tôi có khả năng, và chúng tôi có thể và sẽ xây dựng bất cứ điều gì chúng tôi muốn”. Có thể thấy, sau một thập kỷ căng thẳng ngày càng tăng, Trung Quốc đang có những động thái táo bạo nhất và mạnh mẽ nhất trong tuyên bố chủ quyền biển. Tại vùng biển Hoa Đông, Bắc Kinh cũng mạnh mẽ đòi chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản. Tokyo trong thời gian qua liên tục cáo buộc tàu của Bắc Kinh xâm nhập lãnh hải Nhật quanh quần đảo Senkaku. Theo Nhật Bản, trong năm 2015 (tính đến ngày 26-8), tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển của họ 23 lần.
Nhưng giới phân tích cho rằng, chính sách của Trung Quốc chắc chắn sẽ không thể mang lại hòa bình và ngăn chặn xung đột trên biển Đông.
Khả Anh