Mỹ thất bại tại Trung Đông?
(Cadn.com.vn) - 5 năm sau khi cam kết xây dựng lại mối quan hệ của Mỹ với Trung Đông rộng lớn và cải thiện hình ảnh của Mỹ trong thế giới Hồi giáo, chiến lược của chính quyền Obama đối với khu vực này dường như đã thất bại.
Tổng thống Barack Obama phải đối mặt với sự phát triển nhanh chóng và đáng ngại từ Afghanistan đến Tunisia, trong bối cảnh một cuộc đấu tranh quyền lực công khai gay gắt giữa Iran và Saudi Arabia. Điều này buộc ông Obama phải điều chỉnh kế hoạch trong nhiệm kỳ đầu tiên để khôi phục lại vị thế và ảnh hưởng của Washington.
Nhưng giờ đây, Mỹ chỉ có thể nhắm đến mục đích đơn thuần là giữ cho mình “có liên quan” đến một bầu không khí ngày càng biến động và thù địch ở khu vực chưa bao giờ yên ả này. Chính quyền Obama buộc phải đối phó với 3 năm nội chiến ở Syria, đẩy lùi các chiến binh Hồi giáo vốn đang gây bất ổn cho các nước láng giềng Lebanon và Iraq, nơi Al-Qaeda trỗi dậy trở lại sau khi Mỹ rút quân khỏi nước này.
Nhà Trắng cũng mất dần kiên nhẫn với Tổng thống Hamid Karzai, người đang từ chối ký một thỏa thuận an ninh với Mỹ cho phép Washinhton giữ lại một số quân để giúp đào tạo và hỗ trợ quân đội Kabul sau khi Mỹ rút quân khỏi nước này vào năm 2014.
Quân đội Mỹ tại Afghanistan. Ảnh: Reuters |
Bị chỉ trích nặng nề
Ngoài những nỗ lực của ông Kerry, đội ngũ an ninh quốc gia của Tổng thống Obama dường như giải quyết vấn đề bằng cách tiếp cận không gây tổn hại cho sự phát triển của Syria, Iraq, Lebanon, Libya và Ai Cập. Điều này vấp phải những lời chỉ trích, nhất là từ các đồng minh của Mỹ như Saudi Arabia, quốc gia ủng hộ Israel chống lại chương trình hạt nhân của Iran.
Dù không thể đổ lỗi cho Obama đối với cuộc khủng hoảng nhấn chìm khu vực Trung Đông, nhiều người lo ngại, chính sách Trung Đông của Mỹ trở thành bánh lái có thể góp phần làm tình hình xấu đi và làm gia tăng chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, đặc biệt là ở Syria và Iraq.
Chính quyền Obama bị cáo buộc bỏ qua các quốc gia khác mà chỉ tập trung vào một thỏa thuận Israel-Palestine khó nắm bắt. “Israel đang bị bao quanh bởi sự đổ vỡ của chế độ. Iran đang hướng đến hạt nhân.
Syria đang trở thành bệnh ung thư lây nhiễm toàn bộ khu vực. Tôi khao khát hòa bình, nhưng trên hết, tôi khao khát được lãnh đạo đất nước vào thời điểm mà thế giới cần sự lãnh đạo của Mỹ”, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham, chỉ trích chính quyền Obama.
Syria rơi vào hỗn loạn với 130.000 người chết. Jordan và Lebanon đang đối phó với những tác động của cuộc chiến tranh ở Syria, Iraq bắt đầu sụp đổ, trong khi Iran đang làm giàu uranium. Các thành viên cao cấp của gia đình hoàng gia Saudi Arabia cũng không tán thành cách giải quyết của Mỹ trước vấn đề Syria và bày tỏ thái độ hoài nghi về mối quan hệ của Washington với Iran.
Vương quốc này từ chối một ghế trong HĐBA LHQ để phản đối việc Mỹ không hành động gì đối với Syria, và tuần trước Saudi Arabia công bố ủng hộ 3 tỷ USD để quân đội Lebanon chiến đấu chống chủ nghĩa cực đoan.
Dù công khai chào đón các nỗ lực hòa bình của Kerry, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vận động chống lại chính sách ngoại giao của Mỹ với Iran. Chính quyền Obama thực hiện một “giai điệu không chắc chắn” ở Iraq và để lại ấn tượng tiêu cực “thường xuyên trong khu vực này”, James F. Jeffrey, cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao và là Đại sứ Mỹ tại Baghdad cho biết trong bài viết tuần trước. Ông Jeffrey cho rằng, chính quyền dường như đang cố gắng để bảo vệ mình khỏi những lời chỉ trích và điều này thực sự gửi đi thông điệp sai lầm.
Lời biện minh
Tất nhiên, các quan chức chính quyền Obama nhanh chóng phủ nhận những cáo buộc do dự, hay yếu kém của Washington. Họ cho biết, ông chủ Nhà Trắng đang áp dụng các sáng kiến ngoại giao đối với từng điểm nóng.
“Chính sách của chính quyền ưu tiên vấn đề ngoại giao”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Jen Psaki cho biết. Bà lưu ý, Tổng thống Obama và ông Kerry khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông, mở các cuộc đàm phán trực tiếp với Iran và giải quyết vấn đề vũ khí hóa học của Syria mà không cần tấn công quân sự. Theo kế hoạch, cuối tuần này, ông Kerry sẽ có cuộc họp với những người ủng hộ phe đối lập Syria và các quan chức Liên đoàn Arab tại Paris để thảo luận về Syria và tiến trình hòa bình.
An Bình
(Theo AP)