Mỹ tố quân đội Trung Quốc hậu thuẫn các “gã khổng lồ” công nghệ

Thứ sáu, 26/06/2020 11:27

Reuters ngày 25-6 dẫn các nguồn tin tài liệu mà họ thu thập được cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, các Cty hàng đầu của Trung Quốc, bao gồm tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei và Cty giám sát video Hikvision được Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) hậu thuẫn hoặc kiểm soát, động thái có thể đặt nền móng cho các lệnh trừng phạt tài chính mới của Washington.

Huawei và Hikvision là hai Cty lớn của Trung Quốc có tên trong danh sách của Mỹ, với cáo buộc “được quân đội Trung Quốc hậu thuẫn”. Ảnh: AFP

20 cái tên đình đám

Ngoài 2 gã khổng lồ Huawei và Hikvision, trong 20 cái tên bị Washington cáo buộc được PLA hậu thuẫn hoặc hỗ trợ còn có cả Tập đoàn truyền thông di động Trung Quốc (China Mobile), Tập đoàn viễn thông Trung Quốc (China Telecom) và Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC)... Danh sách của Bộ Quốc phòng cũng bao gồm Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc, Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC), cũng như CRRC, nhà sản xuất tàu chở khách lớn nhất thế giới, đã ký hợp đồng ở Boston, Philadelphia, Chicago và Los Angeles bằng cách mua các đối thủ.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã thiết lập danh sách này trong nhiều năm và một quan chức nước này đã xác nhận tài liệu nói trên. Tuy nhiên, người này yêu cầu giấu tên vì lý do nhạy cảm. Các doanh nghiệp có tên trong danh sách này và Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington hiện vẫn chưa đưa ra bình luận gì. Trong khi đó, Hikvision gọi các cáo buộc này là “vô căn cứ”, nhấn mạnh rằng, họ không phải là một Cty quân sự của Trung Quốc và không bao giờ tham gia vào bất kỳ công việc nghiên cứu và phát triển (R&D) nào cho các ứng dụng quân sự. Đồng thời, Hikvision cho biết sẽ làm việc với chính phủ Mỹ để giải quyết vấn đề.

Trên thực tế, việc lọt vào danh sách của Lầu Năm Góc không đồng nghĩa với một lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, luật pháp Mỹ quy định Tổng thống có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt và đóng băng tài sản tại Mỹ của những doanh nghiệp nói trên.

 “Đổ thêm dầu vào lửa”

Giới quan sát cho rằng, việc công bố bản danh sách này có thể khiến Mỹ - Trung căng thẳng hơn nữa. Tuần trước, Trung Quốc đã cảnh báo trả đũa việc Tổng thống Trump ký đạo luật kêu gọi trừng phạt hành động đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Trước đó, hai bên cũng đã “khẩu chiến” gay gắt sau khi Washington đã đưa Huawei vào “danh sách đen” thương mại vì lo ngại vấn đề an ninh quốc gia, đồng thời, mở một chiến dịch quốc tế để loại trừ tập đoàn này khỏi các dự án xây dựng hệ thống 5G tại nước đồng minh. 

Danh sách này cũng sẽ làm nổi bật các Cty Mỹ, mối quan hệ với các Cty Trung Quốc cũng như các hoạt động của họ tại Mỹ. Vào năm 2012, General Electric Co, có trụ sở tại Mỹ, đã thành lập một liên doanh hàng không 50/50 với AVIC có tên là Aviage Systems, để  cung cấp thiết bị cho máy bay  chở khách China C C1919 của Trung Quốc.

Vì vậy, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chịu nhiều áp lực từ các nghị sĩ của cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ để công bố danh sách này. Tháng 9-2019, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chuck Schumer và Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Cotton viết thư cho Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, nêu quan ngại về việc Bắc Kinh chiêu mộ các  tập đoàn Trung Quốc để triển khai các công nghệ dân sự phục vụ  cho mục đích quân sự. “Ngài có cam kết cập nhật và công khai danh sách này sớm nhất có thể không”, họ nêu trong bức thư. Và ngay sau khi danh sách được công bố, ông Cotton và Gallagher đã khen ngợi Bộ Quốc phòng và hối thúc Tổng thống áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm đối phó với các Cty này. 

Nhà Trắng cũng vẫn chưa đưa ra phản hồi về việc liệu Mỹ có trừng phạt các Cty nằm trong danh sách trên hay không, nhưng cho biết chính quyền Tổng thống Trump sẽ coi đây là “một công cụ hữu hiệu” khi xem xét quan hệ đối tác với các thực thể này, đặc biệt là khi danh sách trên ngày càng tăng lên.

KHẢ ANH