Mỹ - Triều: Đối thoại hay đối đầu?

Thứ năm, 25/01/2018 11:06

Một quan chức ngoại giao cấp cao của Hàn Quốc nhận định, bây giờ là "thời điểm tốt nhất" để Triều Tiên đối thoại với Mỹ về các chương trình hạt nhân và tên lửa, đồng thời nói thêm rằng, Seoul không phản đối việc này. Tuy nhiên, xem ra mọi việc không dễ dàng như vậy.

Việc Triều Tiên chuẩn bị tổ chức duyệt binh quy mô lớn
có thể ẩn chứa thông điệp ngầm từ Bình Nhưỡng. 
    Ảnh: Yonhap

"Bây giờ là lúc tốt nhất, bởi vì Mỹ đang mở cửa cho các cuộc đàm phán. Washington có thể đóng cửa bất kỳ lúc nào. Điều quan trọng là Triều Tiên phải ngừng các hành động khiêu khích và tiến tới đàm phán", quan chức này cho biết.

Mỹ đã sẵn sàng đối thoại?

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng Hàn -Triều đã dịu đi sau khi Bình Nhưỡng gần đây đồng ý tham dự Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 diễn ra tại Hàn Quốc vào tháng tới. Hàn Quốc đang nỗ lực tìm cách biến không khí hòa bình này thành cơ hội để nối lại thương lượng về các tham vọng hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, trong đó đối thoại giữa Bình Nhưỡng và Washington được coi là có vai trò hết sức quan trọng.

Quan chức trên cho rằng, phía Mỹ đang đưa ra những tín hiệu cho thấy họ sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên, trái ngược với trước đây khi họ thường ép nước này chấp nhận những việc mà Bình Nhưỡng gọi là điều kiện tiên quyết rất khó khăn trước khi bắt đầu đối thoại. "Mặc dù lời tuyên bố của họ rất mạnh mẽ, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã báo hiệu, các cuộc đàm phán có thể xảy ra nếu Triều Tiên ngừng thử tên lửa hạt nhân trong một thời gian, và Tổng thống Donald Trump cũng có cùng quan điểm như vậy", ông nói, đồng thời khẳng định "các quan chức Mỹ chưa từng có quan điểm như trước đó". Bên cạnh đó, quan chức này cũng tiết lộ Hàn Quốc không phản đối việc Mỹ ngồi lại với Triều Tiên nhưng lưu ý, việc Seoul tham gia tiến trình này sau đó phải được đảm bảo.

Không dễ dàng

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, mọi việc không đơn giản như vậy vì "cuộc chiến" Mỹ-Triều khó có thể đi đến hồi kết và khó để bên nào nhượng bộ trước. Trên thực tế, Washington vẫn đang chuẩn bị kế hoạch quân sự cho ván bài này.

Hôm 18-1, Mỹ-Hàn đạt thỏa thuận tiếp tục triển khai luân phiên các vũ khí chiến lược của Mỹ ở trên và xung quanh bán đảo Triều Tiên nhằm đối phó với mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Hai bên cũng nhất trí, việc triển khai luân phiên các phương tiện chiến đấu chiến lược của Mỹ tới Hàn Quốc và khu vực xung quanh nước này sẽ tiếp tục diễn ra cho tới khi chấm dứt được mối lo ngại hạt nhân, tên lửa từ Triều Tiên. Gần đây, Lầu Năm Góc cũng đã tăng cường triển khai nhiều phương tiện chiến đấu chiến lược tới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương như triển khai tới căn cứ quân sự trên đảo Guam 6 máy bay ném bom tầm xa B52, 3 máy bay ném bom hạng nặng B-2, điều hàng không mẫu hạm Carl Vinson tới Tây Thái Bình Dương.

Tại Hội nghị giải trừ quân bị ở Geneva hôm 23-1, Triều Tiên cáo buộc Mỹ triển khai các vũ khí gần nước này với cái cớ đảm bảo an ninh cho Thế vận hội mùa Đông. Đại sứ Triều Tiên tại LHQ, ông Han Tae Song nói: "Việc phá hoại bầu không khí tích cực hiện nay của mối quan hệ liên Triều là hành động nguy hiểm. Mối quan hệ này có thể bị đưa trở lại giai đoạn đối đầu cực đoan". Bình Nhưỡng cũng lên kế hoạch diễu binh rầm rộ vào ngày 8-2, một ngày trước ngày khai mạc Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018. Người phát ngôn đảng Hàn Quốc Tự do đối lập chính Choung Tae-ok cho rằng, cuộc diễu binh là một "hành động khiêu khích nghiêm trọng" trước khi diễn ra sự kiện thể thao toàn cầu mà Hàn Quốc lâu nay vẫn tìm cách tận dụng để thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và thế giới.

Xem ra, Mỹ và Triều Tiên chẳng ai chịu nhường ai khi liên tiếp có những hành động và lời nói khiêu khích nhau. Để hai nước cùng ngồi vào bàn đối thoại là điều không hề dễ.

AN BÌNH

Thủ tướng Nhật sẽ tham dự Thế vận hội PyeongChang

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 24-1 đã xác nhận kế hoạch tham dự Thế vận hội mùa Đông PyeongChang tại Hàn Quốc, mong muốn gặp mặt Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhằm khẳng định lập trường của Tokyo về thỏa thuận "phụ nữ mua vui" năm 2015.

Phát biểu với phóng viên tại Dinh Thủ tướng, ông Abe cho biết: "Tôi muốn tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh nhằm khẳng định lập trường vững chắc trong thỏa thuận về vấn đề "phụ nữ mua vui". Cùng ngày, Phủ Tổng thống Hàn Quốc hoan nghênh quyết định này của Thủ tướng Abe.

B.N