Mỹ - Triều “khẩu chiến” gay gắt
Nhà Trắng nhấn mạnh, chính sách ngoại giao mới của Mỹ với Triều Tiên có tính chất thăm dò, nhưng không nhằm kiếm tìm một thỏa thuận từ lãnh đạo Kim Jong-un.
Ông Biden phát biểu tại phiên họp chung của Quốc hội đánh dấu 100 ngày cầm quyền, trong đó nói rằng, chương trình hạt nhân của Triều Triên là “mối đe dọa nghiêm trọng”. |
Trong động thái bất ngờ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra cách tiếp cận mới với Triều Tiên nhằm gây sức ép buộc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Nhà Trắng nhấn mạnh, chính sách ngoại giao mới này có tính chất thăm dò, nhưng không nhằm kiếm tìm một thỏa thuận từ nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Mục tiêu của Mỹ là gì?
Phát biểu hôm 1-5 (giờ Việt Nam) trên chuyên cơ Air Force One, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, các quan chức Mỹ hoàn thành việc xem xét kéo dài nhiều tháng về chính sách với Bình Nhưỡng.
Và bà nhấn mạnh, mục tiêu của Mỹ hiện tại vẫn là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Bà nói, việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên vẫn là mục tiêu, nhưng bà lưu ý, 4 đời tổng thống trước đây đã không thể khiến Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Chính sách của chính quyền ông Biden cố gắng đạt được điểm nằm giữa, kế thừa chính sách mà cả hai người tiền nhiệm Donald Trump và Barack Obama đã theo đuổi.
Cựu Tổng thống Donald Trump, thành viên đảng Cộng hòa, đã tổ chức 3 cuộc gặp thượng đỉnh với ông Kim nhưng không đạt được bước đột phá nào ngoài việc tạm dừng các vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và hạt nhân kéo dài từ năm 2017. “Chính sách của chúng tôi sẽ không tập trung vào việc đạt một thỏa thuận, cũng không dựa trên sự kiên nhẫn chiến lược”, bà Psaki nói và cho biết thêm: “Thay vào đó, Mỹ sẽ theo đuổi một cách tiếp cận thực tế được hiệu chỉnh, cởi mở và sẽ thăm dò ngoại giao với Triều Tiên và thực hiện các bước tiến bộ thực tế nhằm tăng cường an ninh của Mỹ và các đồng minh”.
Giới phân tích cho rằng, ông Biden, giống như người tiền nhiệm Obama đã nhìn nhận Triều Tiên là thách thức đối ngoại lớn nhất cho Mỹ và đồng minh. Tuy nhiên, theo tuyên bố mới nhất của bà Psaki, ông Biden sẽ không sao chép cách làm của ông Obama. Nhà Trắng dưới thời ông Biden cũng dường như đang muốn gửi đi tín hiệu rằng, họ sẽ tìm cách từ từ phi hạt nhân hóa Triều Tiên dựa trên nỗ lực và thiện chí của Bình Nhưỡng, trong đó mỗi sự nhượng bộ của Triều Tiên có thể được đổi lại tương ứng là giảm nhẹ lệnh trừng phạt của Mỹ.
Triều Tiên nói gì?
Triều Tiên cho đến nay đều từ chối các yêu cầu ngoại giao từ chính quyền ông Biden. Bình Nhưỡng muốn Mỹ và các đồng minh phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với các chương trình vũ khí của họ trước khi muốn yêu cầu họ làm gì đó.
Trong động thái đáp trả, Bình Nhưỡng cáo buộc những bình luận gần đây của Washington cho thấy, Tổng thống Biden có ý định duy trì một “chính sách thù địch”. Trong một tuyên bố được đăng tải trên phương tiện truyền thông nhà nước hôm 2-5, Bộ Ngoại giao Triều Tiên gọi những bình luận của Tổng thống Biden về chương trình hạt nhân của họ - trong bài phát biểu trước Quốc hội tuần này - “không thể dung thứ và là một sai lầm lớn”. “Tuyên bố của Biden phản ánh rõ ràng ý định tiếp tục thực thi chính sách thù địch với Triều Tiên như cách mà Mỹ đã làm trong hơn nửa thế kỷ qua”, ông Kwon Jong-gun, thuộc ban Bắc Mỹ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói.
Một tuyên bố riêng của Bộ Ngoại giao nói rằng, những bình luận trước đó của Mỹ là xúc phạm phẩm giá của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và cho thấy Nhà Trắng đang “chuẩn bị cho một cuộc thách thức toàn diện”. Bình Nhưỡng cũng cảnh báo sẽ có động thái đáp trả mạnh mẽ. Vụ trưởng Vụ các vấn đề Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên Kwon Jong Gun nêu rõ: “Mỹ sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ hơn ngoài tầm kiểm soát trong tương lai gần nếu nước này chuẩn bị tiếp cận mối quan hệ Mỹ -Triều, vẫn giữ chính sách lỗi thời theo quan điểm và lối suy nghĩ của Chiến tranh Lạnh... Mỹ sẽ thấy mình trong một tình huống rất nghiêm trọng”.
Đầu tuần qua, phát biểu tại một phiên họp chung của Quốc hội, đánh dấu 100 ngày cầm quyền, ông Biden nói chương trình hạt nhân của Triều Tiên, cùng với của Iran, là “những mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh của Mỹ và an ninh của toàn thế giới”.
KHẢ ANH