Mỹ-Trung “khẩu chiến” về Hồng Kông

Thứ tư, 12/06/2019 13:05

Hồng Kông đang căng mình chống chọi cho một viễn cảnh bất ổn chính trị hơn nữa khi những người biểu tình dự kiến sẽ tiếp tục xuống đường vào hôm nay (12-6) trong khi chính quyền vẫn kiên quyết thông qua dự luật gây tranh cãi.

 Người dân Hồng Kông tuyên bố sẽ tiếp tục xuống đường biểu tình vào hôm nay (12-6). Ảnh: CNN

 Bắc Kinh ngày 11-6 chỉ trích cái gọi là “các phát biểu vô trách nhiệm và sai lầm” của Washington về một dự luật dẫn độ của Hồng Kông, theo đó cho phép dẫn độ các nghi phạm đến Trung Quốc đại lục, sau khi Mỹ bày tỏ lo ngại về dự luật này. Trong khi đó, làn sóng giận dữ của người dân vùng lãnh thổ này đối với chính quyền xung quanh dự luật này chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Mỹ tỏ lo ngại, Trung Quốc gạt phăng

“Chúng tôi đề nghị phía Mỹ thận trọng và ngừng can thiệp vào vấn đề Hồng Kông cũng như các vấn đề nội bộ của Trung Quốc dưới bất cứ hình thức nào”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 11-6.

Tuyên bố này nhằm đáp trả việc Mỹ trước đó bày tỏ quan ngại về luật dẫn giải tội phạm của Hồng Kông. Washington cũng thúc giục Hồng Kông dàn xếp với người dân về những quan ngại liên quan việc cho phép dẫn giải tội phạm về Trung Quốc đại lục, cho rằng, những cuộc biểu tình đông người thể hiện sự phản đối rộng rãi ở đặc khu này. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tiếp tục bày tỏ quan ngại đối với dự luật này, theo đó Trung Quốc và nhà chức trách Hồng Kông từ chối nhân nhượng bất chấp việc nổ ra cuộc biểu tình lớn nhất ở thành phố này kể từ khi hòn đảo này được Anh chuyển giao lại cho Bắc Kinh vào năm 1997. Trao đổi với báo giới, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nêu rõ: “Cuộc biểu tình hòa bình của hàng trăm nghìn người Hồng Kông hôm 9-6 rõ ràng thể hiện sự phản đối của người dân đối với dự thảo luật sửa đổi. Chúng tôi cũng quan ngại rằng việc sửa đổi luật này có thể hủy hoại môi trường kinh doanh của Hồng Kông…”.

Hồng Kông hiện có hiệp ước dẫn độ với 20 quốc gia, gồm Mỹ, Anh, Singapore... Và theo dự luật sửa đổi, Trưởng đặc khu sẽ có quyền quyết định từng trường hợp dẫn độ với bất cứ quốc gia và vùng lãnh thổ nào, bao gồm cả Đài Loan (Trung Quốc) và Đại lục.

Người dân Hồng Kông căng mình “chống bão”

Trung tâm tài chính Châu Á đã bị rung chuyển bởi một cuộc biểu tình lớn vào cuối tuần qua - lớn nhất kể từ khi thành phố này trở về Trung Quốc vào năm 1997 - khi người dân xuống đường kêu gọi các nhà lãnh đạo đặc khu hủy bỏ dự luật dẫn độ gây tranh cãi.

Hơn 1 triệu người đã xuống đường để phản đối dự luật nhưng đám đông kỷ lục đã không thể thuyết phục Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga khi bà kiên quyết bác bỏ mọi lời kêu gọi về việc rút hoặc trì hoãn thông qua dự luật, đồng thời cảnh báo việc chống lại “hành vi cực đoan”. Bà khẳng định không có kế hoạch thay đổi nội dung hay rút lại đạo luật này và sẽ tiếp tục được đưa ra thảo luận ở cơ quan lập pháp vào ngày hôm nay (12-6).

Và Hồng Kông đang căng mình chống chọi một viễn cảnh bất ổn chính trị hơn nữa khi những người biểu tình dự kiến sẽ tiếp tục xuống đường vào hôm nay (12-6) trong khi chính quyền vẫn kiên quyết thông qua dự luật gây tranh cãi. Dự luật đã trở thành “tia sét” cho những lo ngại về sự kiểm soát ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với Hồng Kông. Trong ngày 11-6, một loạt doanh nghiệp Hồng Kông cam kết đóng cửa để nhân viên đi biểu tình trong ngày 12-6, thời điểm dự luật dẫn độ sẽ có phiên thảo luận thứ 2 và 3 trước Hội đồng lập pháp. Hiện đã có hơn 100 doanh nghiệp nhỏ thông báo kế hoạch đình công, từ các cửa hàng cà-phê, nhà hàng đến các phòng tập thể dục. “Tôi không biết gì về chính trị, nhưng người như tôi cũng hiểu chính trị thực sự ảnh hưởng đến mọi khía cạnh cuộc sống của chúng tôi”, một cô gái mở cửa hàng bán hoa cho biết.

Nhiều người lo sợ, làn sóng biểu tình lần này sẽ khiến danh tiếng của Hồng Kông, như một trung tâm kinh doanh quốc tế, bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

KHẢ ANH