Mỹ trừng phạt Iran: Tốt hay xấu đối với Trung Quốc?
(Cadn.com.vn) - Chính quyền tân Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 3-2 ban hành lệnh trừng phạt mới đối với Iran, nhằm đáp trả việc Tehran thử nghiệm tên lửa tầm trung hôm 29-1. Nhiều người Trung Quốc vui mừng trước động thái này của ông Trump, nhưng các biện pháp trừng phạt mới này đặt ra nhiều rủi ro kinh tế và chính trị đối với Bắc Kinh.
Bộ Tài chính Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt 25 cá nhân và các Cty có liên quan tới chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và các đối tượng hỗ trợ cho lực lượng Vệ binh Hồi giáo Cách mạng Iran. Danh sách trừng phạt cũng bao gồm 3 mạng lưới liên quan đến việc hỗ trợ chương trình tên lửa của Iran.
Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ không gây ngạc nhiên vì trong chiến dịch tranh cử, ông Trump chỉ trích gay gắt cách đối phó với Iran của người tiền nhiệm Barack Obama. Ông Trump cho rằng, Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA) - thỏa thuận đạt được giữa Iran và các cường quốc P5+1 nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran - là “thảm họa đối với Mỹ, Israel, và toàn bộ khu vực Trung Đông”. “Ưu tiên hàng đầu của tôi là xóa bỏ thỏa thuận tai hại này”, ông nói thêm.
Khi tin tức về các biện pháp trừng phạt mới xuất hiện, nhiều người cho rằng đó là “tin xấu” đối với Iran, nhưng là “tin tốt” đối với Trung Quốc. Họ cho rằng, các biện pháp trừng phạt tạo cho Trung Quốc cơ hội để tăng cường mối quan hệ và sự tin tưởng với Iran, cũng như mở rộng hợp tác kinh tế với Tehran.
Trung Quốc sẽ gặp nhiều thách thức hơn khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Iran. Ảnh: Diplomat |
Sau khi ký JCPOA, vị trí thống trị của Trung Quốc trong kinh tế và đầu tư tại Iran lâu nay bị thách thức bởi các Cty phương Tây, đặc biệt là Pháp và Mỹ. Iran xem đây là cơ hội để thiết lập kết nối mới với phương Tây để có được công nghệ và kỹ năng quản lý tiên tiến hơn. Trong mắt Iran, Trung Quốc vẫn là nước thiếu các công nghệ cần thiết và kinh nghiệm quản lý.
Trong bối cảnh này, một số người Trung Quốc cho rằng, các biện pháp trừng phạt mới sẽ tạo ra những cơ hội quý giá cho lợi ích của Bắc Kinh ở Trung Đông. Về mặt chính trị, các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Tehran sẽ làm trầm trọng thêm quan hệ Iran-Mỹ, đẩy Iran vào cuộc chiến “chống Mỹ”. Mặt khác, các biện pháp trừng phạt mới có thể ngăn cản hợp tác kinh tế giữa Iran và phương Tây. Với các biện pháp trừng phạt nặng hơn trong tương lai, Trung Quốc có thể trở thành đối tác kinh tế đáng tin cậy duy nhất của Iran và là sự lựa chọn duy nhất của quốc gia Hồi giáo này.
Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt mới là thách thức và có thể gây tổn hại không chỉ cho lợi ích của Trung Quốc ở Iran, mà còn ảnh hưởng không tốt đến sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc. Thách thức trực tiếp nhất là kinh tế. Quan hệ kinh tế Trung Quốc-Iran phần lớn không bị ảnh hưởng bởi một loạt các biện pháp trừng phạt mà những người tiền nhiệm của ông Trump áp đặt đối với Tehran trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, hiện giờ, một trong ba mạng lưới bị trừng bao gồm các cá nhân và các Cty Trung Quốc, các đối tượng cáo buộc hỗ trợ chương trình tên lửa đạn đạo của Iran.
Bên cạnh những thách thức kinh tế, thách thức nghiêm trọng và lâu dài hơn mà Bắc Kinh phải gánh chịu là chính trị. Với sự rạn nứt về địa chính trị và sự cạnh tranh giữa Iran và Saudi Arabia, các biện pháp trừng phạt mới sẽ khuếch đại các cuộc chạy đua chính trị ở Trung Đông. Vì lợi ích của sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”, Bắc Kinh đứng trung lập và phát triển các mối quan hệ công bằng với tất cả các quốc gia Trung Đông. Tuy nhiên, một trong những cơ sở quan trọng nhất cho sự thành công của sáng kiến này là một khu vực Trung Đông yên bình. Các biện pháp trừng phạt mới có thể đẩy cuộc khủng hoảng ở Trung Đông lên cao và đó sẽ là một thách thức đối với Trung Quốc. Mặt khác, một khi mối quan hệ Mỹ- Iran xấu đi, mối quan hệ Trung Quốc- Mỹ cũng đối mặt với nhiều thách thức. Việc Iran tăng cường “chống Mỹ”, có thể đẩy Trung Quốc vào tình thế lúng túng.
An Bình
(Theo Diplomat)