Mỹ và cuộc chiến thuốc phiện Afghanistan

Thứ ba, 06/05/2014 11:04

(Cadn.com.vn) - Việc quân đội Mỹ chuẩn bị rút khỏi Afghanistan và ngành công nghiệp thuốc phiện tại đất nước này đang bùng nổ chưa từng có sẽ thúc đẩy quân nổi dậy Taliban lớn mạnh và thách thức chính phủ Kabul.

Chúng tôi thực sự không có chiến lược hiệu quả nhằm ngăn chặn việc mở rộng ngành công nghiệp ma túy của Afghanistan", John Sopko, Tổng Thanh tra đặc biệt (IG) của Chiến dịch Tái thiết Afghanistan thừa nhận. Và đáng lo ngại hơn, Nhà Trắng không còn nhiều thời gian để thay đổi tình trạng này.

Nông dân Afghanistan chăm sóc cây thuốc phiện ở Jalalabad.

Thất bại thực sự

Mỹ chi 5,7 tỷ USD nỗ lực xóa bỏ cây thuốc phiện của Afghanistan kể từ khi đem quân đến nước này vào ngày 7-10-2001, ngay sau khi Osama bin Laden thực hiện vụ tấn công khủng bố 11-9.

Tuy nhiên, theo hình ảnh vệ tinh, kể từ năm 2008, Washington và các đồng minh chỉ mới xóa bỏ chưa tới 4% số cây thuốc phiện tại đây. Các vụ bắt giữ thậm chí còn ít hơn, chỉ chiếm khoảng 1% sản lượng. Điểm mấu chốt là, nếu Mỹ, với tất cả sức mạnh quân sự và tiền bạc, không thể kiểm soát vấn nạn ma túy tại Afghanistan trong 13 năm qua, thì một chính phủ Kabul yếu kém liệu có thể làm được gì sau khi Washington rút quân? Nạn buôn lậu ma túy tại Afghanistan giống như một tổ mối đang ăn mòn các cơ cấu của xã hội mà Mỹ hy vọng sẽ xây dựng ở Afghanistan - nơi cung cấp khoảng 90% thuốc phiện trên toàn thế giới.

Nông dân nước này dành hơn 2.000.000 ha trồng cây thuốc phiện trong năm 2013, tăng 36 % so với năm 2012. Phần lớn số thuốc phiện này được bán cho Taliban, và giúp nhóm khủng bố này bỏ túi khoảng 100 triệu USD mỗi năm. "Việc buôn bán ma túy làm suy yếu chính phủ Afghanistan vì nó tài trợ cho lực lượng nổi dậy, là nguyên nhân dẫn đến nạn tham nhũng và làm biến dạng nền kinh tế. Ngoài ra, số người nghiện trong nước cũng đang gia tăng", IG cho biết trong báo cáo mới nhất.

Báo cáo cũng đưa ra những thống kê đầy ảm đạm: khoảng 7,5% người trưởng thành ở Afghanistan sử dụng ma túy bất hợp pháp. Trong khi chính phủ Kabul thành lập 50 trung tâm cai nghiện ma túy trên cả nước, chúng chỉ đại diện cho 1% số người nghiện trên quốc gia này. Tại nhiều khu vực, một nửa số cha mẹ còn cung cấp thuốc phiện cho con mình.

Do lợi nhuận cao

Những gì Mỹ và các đồng minh đạt được ở quốc gia Nam Á này đang bị đe dọa nếu tiền buôn lậu ma túy tiếp tục chảy tự do, làm biến dạng nền kinh tế Afghanistan và khuyến khích tham nhũng.

Năm ngoái, 50 trong số 700 người Afghanistan bị các đơn vị chống ma túy đặc biệt bắt giữ và bị kết án là nhân viên chính phủ. Theo báo cáo Bộ Quốc phòng Mỹ trình lên Quốc hội vào tháng trước: "Ma túy tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc tài trợ các cuộc nổi dậy, tạo ra sự bất ổn và tạo điều kiện cho tham nhũng". Gốc rễ của vấn đề là lợi ích kinh tế. Các nông dân trồng thuốc phiện sẽ trồng bất cứ thứ gì thu được lợi nhuận cao nhất. "Họ không phải tội phạm, họ thậm chí không hề ý thức được những gì làm. Họ kiếm được 500 USD/năm nếu trồng lúa mì, nhưng có thể kiếm được 2.000 USD/năm nếu trồng cây thuốc phiện, và dĩ nhiên, họ trồng thuốc phiện", William Brownfield, người đứng đầu nỗ lực chống ma túy của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết hồi tháng 2.

Từ năm 2011-2013, khi sự hiện diện của quân đội Mỹ giảm từ gần 100.000 người xuống còn 70.000 người, số lượng các cuộc tấn công ma túy cũng giảm 17%. Hiện có khoảng 33.000 lính Mỹ ở Afghanistan và hầu hết sẽ rời khỏi nước này vào cuối năm nay. Tình hình còn phức tạp hơn, bởi các lực lượng làm nhiệm vụ chống ma túy được chuyển sang làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho các cuộc bầu cử gần đây, đúng vào thời kỳ cao điểm triệt phá cây thuốc phiện.

An Bình (Theo Time)