Mỹ và “giấc mơ” kiểm soát súng đạn
Sau vụ nổ súng kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Mỹ ở Las Vegas, những người ủng hộ kiểm soát súng đang nỗ lực làm mới lại lời kêu gọi thắt chặt các quy định về vũ khí. Đây là vấn đề “xưa như trái đất” ở Mỹ. Nó từng được bàn lên bàn xuống trong những năm gần đây, sau các vụ bạo lực súng. Tuy nhiên, kết quả dường như đều là con số không. Có thể sau vụ xả súng tồi tệ ở Las Vegas hồi tuần qua, áp lực sẽ thay đổi lớn hơn. Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều trở ngại.
![]() |
Cảnh sát Mỹ vẫn tiếp tục điều tra tại hiện trường vụ xả súng kinh hoàng ở Las Vegas. Ảnh: AFP |
Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (NRA)
NRA là một trong những nhóm lợi ích có ảnh hưởng nhất trong chính trị Mỹ - không chỉ vì số tiền mà họ dành cho vận động hành lang, mà còn vì sự tham gia của 5 triệu thành viên.
Tổ chức này đã phản đối hầu hết các đề xuất tăng cường các quy định về kiểm soát vũ khí và đang đứng sau nỗ lực ở cả cấp liên bang và tiểu bang để đẩy lùi nhiều hạn chế hiện có về quyền sở hữu súng. Năm 2016, NRA đã chi 4 triệu USD để vận động và đóng góp trực tiếp cho các chính trị gia và hơn 50 triệu USD ủng hộ chính trị, trong đó có khoảng 30 triệu USD để giúp Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền. Tổng ngân sách hàng năm của NRA khoảng 250 triệu USD, được phân bổ cho các chương trình giáo dục, lưu trữ súng, vận động pháp lý và các nỗ lực liên quan.
Tuy nhiên, hơn cả số liệu này, NRA phát triển danh tiếng ở Washington như một lực lượng chính trị có thể tạo ra hoặc phá vỡ ngay cả những chính trị gia mạnh mẽ nhất. Các nghị sĩ hôm 6-10 tăng cường nỗ lực để cấm bán các thiết bị mà tay súng sử dụng trong vụ tấn công ở Las Vegas để bắn nhanh hơn, nhưng NRA đã kêu gọi các quan chức liên bang xem xét tính hợp pháp của những sửa đổi như vậy. Một cựu nghị sĩ đảng Cộng hòa từng nói với tờ New York Times vào năm 2013: “Đó là một nhóm mà tôi đã nói, “Chừng nào tôi còn tại chức, tôi cũng không đụng vào”.
Liệu điều này có thay đổi không? Các nhóm kiểm soát súng, được các nhà hảo tâm giàu có ủng hộ như Thị trưởng thành phố New York, Michael Bloomberg, đã có tổ chức mạnh mẽ hơn trong những năm gần đây, nhằm phù hợp với sức mạnh chính trị của NRA. Tuy nhiên, chừng nào mà NRA còn giành được thắng lợi về lập pháp và bầu cử, họ vẫn sẽ là vua của ngọn đồi (Đồi Capitol – Tòa nhà Quốc hội Mỹ).
Quốc hội
Hầu hết các nỗ lực gần đây nhằm vượt qua các luật mới của liên bang về vũ khí đã “chết yểu” trước khi thực sự bắt đầu, vì bị cản trở trong Hạ viện Mỹ, vốn đã “về tay” kiểm soát của đảng Cộng hòa kể từ năm 2011. Vào tháng 6-2016, một nhóm các chính trị gia đảng Dân chủ đã tổ chức biểu tình ngồi để phản đối quyết định của lãnh đạo đảng Cộng hòa về việc không tổ chức biểu quyết về hai đạo luật kiểm soát súng.
Nhưng nếu một đạo luật kiểm soát súng vượt qua cửa ải Hạ viện, nó vẫn phải đối mặt với thách thức trong Thượng viện, nơi mà sự phân chia thành thị-nông thôn cũng diễn ra ở cấp tiểu bang. Các bang, vốn bị thống trị bởi các cử tri ở thành phố lớn, chẳng hạn như New York, Massachusetts hoặc California, đã trấn áp nhiều bang ở nông thôn và miền nam bằng việc ủng hộ súng trường.
Các quy tắc của Thượng viện cũng có thể ngăn cản những nỗ lực để ban hành các quy định về vũ khí nghiêm ngặt hơn, nhờ vào việc “cản trở sự thông qua” - một rào cản về thủ tục. Điều này có nghĩa hầu hết các văn bản luật cần sự hậu thuẫn của 60 trong số 100 thượng nghị sĩ để vượt qua, chứ không phải đơn giản là đa số 51. Vào năm 2013, sau vụ xả súng kinh hoàng ở trường học tại Newtown, Connecticut, dường như những nỗ lực nhằm tăng cường kiểm tra lý lịch mua súng đã có sự ủng hộ đáng kể ở Thượng viện.
Tuy nhiên, sau nỗ lực vận động hành lang của NRA, dự luật này chỉ nhận được 56 phiếu thuận, 4 lần đánh dấu cần thiết để phá vỡ việc này. Không có biện pháp kiểm soát súng nào tiến gần tới hơn nữa kể từ đó. Liệu có thể thay đổi? Trừ khi có một “cơn lũ lớn” trấn áp phe diều hâu của đảng Cộng hòa, tất cả nỗ lực rồi cũng chỉ còn là con số không, trong bối cảnh đảng Cộng hòa vẫn đang kiểm soát cả hai viện Quốc hội.
Tòa án
Sau vụ xả súng năm 2012 ở Newtown, 21 bang đã thông qua luật súng mới, bao gồm áp đặt các lệnh cấm vũ khí tấn công ở Connecticut, Maryland và New York. Tuy nhiên, một số luật đã vấp phải rào cản khác - hệ thống tư pháp của Mỹ.
Trong những năm gần đây, Tòa án Tối cao đã 2 lần sửa đổi luật kiểm soát súng đạn nhưng đều khẳng định, quyền sở hữu vũ khí cá nhân như súng cầm tay đã được ghi trong hiến pháp. Cho đến nay, Tòa án Tối cao từ chối thông qua bất kỳ vấn đề mới nào liên quan đến việc này. Nhiều người chờ vào một sự thay đổi. Thẩm phán Neil Gorsuch, vừa được Tổng thống Trump bổ nhiệm, đã chỉ rõ rằng ông sẽ xem xét lại vấn đề này.
Tuy nhiên, hy vọng này cũng rất mơ hồ. Trong chuyến thăm kéo dài 4 tiếng đồng hồ đến Las Vegas hôm 4-10, Tổng thống Trump đã không nhắc đến khía cạnh quan trọng nhất của thảm kịch kinh hoàng ở Las Vegas – kiểm soát súng đạn.
KHẢ ANH