Mỹ và toan tính sai lầm ở Syria
Nhắm mục tiêu vào nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Donald Trump ngày 15-10 tuyên bố các lệnh trừng phạt đối với Ankara nhằm kiềm chế cuộc tấn công của nước này nhằm vào các lực lượng và thường dân người Kurd ở miền bắc Syria - một cuộc tấn công mà đồng minh NATO thân cận của Washington bắt đầu sau khi ông Trump tuyên bố rút quân đội ra khỏi khu vực này.
Washington đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ ngừng cuộc tấn công xâm lược Syria.
Thị trấn Ras al-Ain ở biên giới Syria chìm trong khói lửa do các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP |
Mỹ nỗ lực sửa sai?
Theo Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, ông chủ Nhà Trắng nói chuyện với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và yêu cầu Ankara lập tức ngừng bắn tại Syria. Phát biểu với phóng viên, Phó Tổng thống Pence khẳng định: “Mỹ vẫn chưa bật đèn xanh cho Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược Syria”.
Theo nguồn tin Nhà Trắng, ông Pence và Cố vấn An ninh Quốc gia Rober Brien sẽ sớm đến Ankara trong nỗ lực bắt đầu đàm phán với nước chủ nhà về chiến dịch tấn công đang gây ra làn sóng chỉ trích mạnh mẽ này. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố sẽ gặp các đồng minh thuộc NATO vào tuần tới để thúc giục các đồng minh đưa ra “các biện pháp ngoại giao và kinh tế” đáp lại chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo ông Esper, hành động quân sự của Ankara “không cần thiết và bốc đồng”, có thể dẫn tới hậu quả là sự trỗi dậy của tổ chức IS.
Người Mỹ đang nỗ lực thoát khỏi vũng lầy Syria, động thái bị chỉ trích cả trong và ngoài nước vì mở cánh cửa cho sự hồi sinh của nhóm IS, và mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công nước láng giềng. Nhưng trong thông điệp mới nhất trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump nhấn mạnh một số lượng binh sĩ Mỹ vẫn sẽ ở lại Syria để “giám sát tình hình”. Ông Trump cho biết, khoảng 1.000 binh sĩ Mỹ - đã hợp tác với các chiến binh người Kurd địa phương để chiến đấu với IS ở miền đông bắc Syria sẽ ở lại Trung Đông để theo dõi tình hình, và để ngăn chặn sự hồi sinh của IS” - mục tiêu mà ngay cả các đồng minh của ông Trump cho rằng đang trở nên khó khăn hơn do hậu quả của việc Washington rút quân.
Nhưng ông Trump cũng cho rằng, người Kurd đang cố tình lôi kéo Washington vào quy mô chiến đấu rộng hơn, cho rằng lực lượng này đã cố tình thả tự do cho một số tù nhân IS để “Mỹ tham gia” vào cuộc xung đột.
Thổ Nhĩ Kỳ có lùi bước?
Ankara bắt đầu các cuộc tấn công ở Syria vào tuần trước để chống lại các lực lượng người Kurd ở Syria. Người Kurd hiện đã bắt tay với quân đội chính phủ Syria để chống lại Ankara. Tối 14-10, quân đội chính phủ Syria đã di chuyển về phía bắc đến khu vực biên giới, thiết lập cuộc đụng độ tiềm năng với các lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ lãnh đạo.
Theo LHQ, chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria khiến 160.000 dân thường phải ly tán. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi phải tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận nguồn cứu trợ đầy đủ, an toàn và không bị cản trở cũng như để các nhân viên và đối tác của LHQ thực hiện được công tác cứu trợ. Thậm chí, người đứng đầu Mạng lưới nhân quyền Syria, Ahmad Kazem cho rằng việc tiếp diễn các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến hàng loạt dân thường thiệt mạng, đó chính là tội ác diệt chủng không thể chối cãi, vi phạm các nguyên tắc cơ bản của LHQ.
Trước áp lực từ cộng đồng quốc tế, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt và cấm cấp thị thực cho một số thành viên của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Washington trừng phạt 3 trong số các quan chức quyền lực nhất Thổ Nhĩ Kỳ: Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Năng lượng và Bộ trưởng Nội vụ; cũng như 2 bộ là Bộ Quốc phòng và Bộ Năng lượng. Liên minh Châu Âu (EU) cũng quyết định sẽ ngừng xuất khẩu vũ khí tới Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời nhất trí soạn thảo các biện pháp trừng phạt về kinh tế đối với hoạt động khoan dầu khí của Ankara ở vùng biển ngoài khơi Cyprus.
Tuy nhiên, không có khả năng Ankara sẽ sớm chấm dứt cuộc tấn công này. Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Recep Erdogan khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không chấm dứt chiến dịch này dù “bất kỳ ai nói gì”, đồng thời nhấn mạnh cuộc chiến sẽ tiếp tục đến khi giành được “thắng lợi cuối cùng”. Ngoài ra, ông Erdogan cũng phê phán mạnh mẽ sự chỉ trích của EU và Liên đoàn Arab (AL) đối với chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ và kêu gọi các khoản tài trợ quốc tế dành cho những kế hoạch về “khu an toàn” của Ankara ở đông bắc Syria.
KHẢ ANH