Nâng cao chất lượng dạy - học là tiên quyết!

Thứ năm, 28/08/2014 09:52

(Cadn.com.vn) - Sau khi Báo Công an TP Đà Nẵng phản ánh về trường hợp một phụ huynh vì muốn con được vào học Trường TH Hoàng Văn Thụ đã giả mạo giấy tờ, qua đường dây nóng, nhiều bạn đọc bày tỏ thái độ đồng tình, cho rằng cần phải nói không với tiêu cực, quyết tâm chống hiện tượng “chạy” trường, “chạy” lớp được biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau... nhằm đảm bảo quyền lợi, công bằng trong công tác tuyển sinh đầu cấp để tiến tới việc đảm bảo sự đồng đều chất lượng đầu vào, tạo sự cân bằng trong dạy - học giữa các trường. Và, đằng sau sự biến tướng này, một vấn đề khác cũng được đề cập...

Một phụ huynh học sinh (PHHS) tâm sự: “Liệu có phải khi được vào học những trường được gọi là “điểm” này, tất cả các cháu sau này sẽ thành tài năng cả hay sao mà nhiều người đua nhau cho con vào học bằng được? Mấy năm trước, vì không đúng tuyến, nghe lời bạn bè, tôi đã cho con thi đầu vào Pháp văn và cháu trúng tuyển. Tuy nhiên, thấy cháu sức khỏe yếu, lại nói chương trình Pháp văn rất nặng, sợ gây áp lực cho con ngay từ nhỏ không tốt nên sau đó vợ chồng tôi đã quyết định cho về học trường gần nhà đúng tuyến. Và tôi thấy quyết định ngày ấy là đúng đắn. Tôi nghĩ, cha mẹ thì ai cũng yêu thương, mong muốn con được học trong môi trường học tập tốt. Nhưng thương con kiểu như 2 vị PH mà Báo vừa nêu thì tôi không chấp nhận! Môi trường giáo dục ở trường quan trọng, nhưng ở nhà cũng không kém!”.

Cân bằng chất lượng dạy - học sẽ hạn chế tình trạng “chạy” trường. (Trong ảnh: HS Đà Nẵng trong ngày tựu trường). Ảnh: D.H 

Cũng thể hiện sự bất bình, nhưng có ý kiến cho rằng, cơ sự đều bắt nguồn từ tình thương, tất cả cũng vì lo cho con cái. Trong việc này có phần trách nhiệm của ngành GD-ĐT, do chất lượng GD-ĐT giữa các trường không đồng đều mới dẫn đến chuyện “chạy” trường, “chạy” lớp!? Bởi xét cho cùng, tâm lý chung của PHHS đều muốn con được học trong môi trường học tập tốt nhất có thể và đó là mong muốn hoàn toàn chính đáng!

Vì sao nhiều PHHS thích cho con được vào học ở 5 trường nằm trong danh sách “cấm tuyệt đối việc tuyển sinh trái tuyến, chạy hộ khẩu” theo NQ 53 của HĐND TP gồm: TH Hoàng Văn Thụ, TH Phù Đổng, TH Phan Thanh, TH Trần Cao Vân, THCS Trưng Vương? Có phải vì các trường này chất lượng đào tạo tốt hơn, giáo viên (GV) giỏi và nhiệt huyết hơn các trường khác?

Thực tế, không hẳn là thế, bởi xét về cơ sở vật chất thì một số trường trung tâm không bằng các trường nằm xa trung tâm. Ngoài Trường chuyên THPT Lê Quý Đôn, Trường THCS Nguyễn Khuyến và Trường THCS Lương Thế Vinh được phép tổ chức thi tuyển sinh riêng, các trường học khác trên địa bàn Đà Nẵng đều có chung một phương án tuyển sinh theo tuyến phường, tổ.

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy một số nguyên nhân sau: Đây là những trường nằm ở trung tâm của thành phố, nơi tập trung nhiều cơ quan, đơn vị, đời sống bộ phận lớn người dân ổn định về kinh tế. Vì thế, con em vào các trường này đa phần là con em gia đình công chức, hay gia đình có nhiều điều kiện để quan tâm, chăm sóc chu đáo hơn.

Từ sự quan tâm của cha mẹ, việc quan tâm đến thầy cô, nhà trường cũng khác dẫn đến tâm thế người dạy theo đó mà cũng khác hơn. Trong khi đó, ở các trường khác phần lớn HS là con em của PH ít có điều kiện chăm sóc cũng như chưa nhận thức đầy đủ về việc quan tâm đến chuyện học hành của con em mình. Từ quan điểm này, có không ít PHHS muốn con em mình được học hành ở môi trường tốt hơn.

Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là tâm lý muốn thuận lợi trong công việc đưa đón con em đi học, nhận thức đã ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều người đó là thích học trường trung tâm, trường “điểm” cho bằng bạn, bằng bè...

Trộm nghĩ, đã làm cha mẹ thì ai cũng yêu thương con, mong muốn con mình được học trong môi trường học tập tốt để có điều kiện phát huy và phát triển trí tuệ. Tuy nhiên, không thể vin vào “tình thương” để bất chấp tất cả. Xin đừng để chuyện của người lớn làm mà con trẻ phải gánh chịu hậu quả...

Để trả lại môi trường trong lành cho ngành GD-ĐT, không có chỗ cho bệnh thành tích, “chạy” trường, “chạy” lớp, thì ngoài việc làm tốt công tác luân chuyển giáo viên, đổi mới phương pháp dạy học theo tiêu chí nâng cao chất lượng, tiến tới xóa dần khoảng cách đầu vào giữa các trường thuộc về ngành GD-ĐT, mỗi thầy cô giáo là tấm gương sáng, thì các bậc PHHS cũng phải thay đổi suy nghĩ về trường “điểm”, lớp chọn.

Xin được mượn ý của Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh tại buổi làm việc với ngành GD-ĐT về công tác chuẩn bị năm học mới 2014 được tổ chức ngày 19-8 để kết thúc bài viết này: Công việc này phải tiếp tục được làm thường xuyên, không được buông lỏng, nếu không “nước lại chảy chỗ trũng”. Về lâu dài, phải làm sao cân bằng chất lượng GD-ĐT giữa các quận, huyện, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân nhằm thay đổi tâm lý, nhận thức trong việc coi trọng trường “điểm” của phần lớn PHHS.

Khánh An