Nâng cao năng lực giữ rừng tự nhiên

Thứ hai, 15/06/2020 14:40

Để bảo vệ những cánh rừng tự nhiên quý hiếm còn lại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, những năm qua, các ban quản lý rừng đã ký hợp đồng với người dân địa phương nhằm quản lý, bảo vệ rừng (BVR) tốt hơn. Tuy nhiên, không ít vụ phá rừng do chính những người nhận khoán BVR tiếp tay hoặc trực tiếp phá những khu rừng do mình canh giữ. Trước thực tế trên, vừa qua tỉnh Quảng Nam đã thành lập các đội BVR chuyên trách trực thuộc các ban quản lý rừng, thay cho các nhóm hộ gia đình nhận giữ rừng như trước. Đây được xem là bước tiến mới nhằm nâng cao năng lực giữ rừng tại Quảng Nam.

Lễ ra mắt lực lượng BVR chuyên trách của Quảng Nam.

Thay vì thuê nhóm hộ giữ rừng như lâu nay, tỉnh Quảng Nam đã tuyển dụng gần 630 nhân viên vào lực lượng BVR chuyên trách. Phần lớn họ là những người có trình độ chuyên môn từ trung cấp đến đại học, bộ đội xuất ngũ, có sức khỏe và tâm huyết với công tác BVR. Đặc biệt, có đến 90% là người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia lực lượng, với mong muốn cống hiến sức trẻ để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên còn lại của Quảng Nam. Tại hai huyện Nam Giang và Phước Sơn, lực lượng BVR chuyên trách là 324 người, chiếm hơn 51% tổng số lực lượng BVR chuyên trách toàn tỉnh.

Ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho hay, lực lượng BVR chuyên trách của các chủ rừng sau khi được thành lập sẽ phối hợp cùng với lực lượng Kiểm lâm thực hiện nhiệm vụ BVR trên phạm vị toàn tỉnh. Lực lượng này từng bước sẽ được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ và trang bị các phương tiện bảo hộ, công cụ hỗ trợ để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách BVR. Đây là lực lượng nòng cốt của chủ rừng thực hiện tuần tra BVR, triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi phá rừng, lấn chiếm rừng, khai thác lâm sản và các hành vi vi phạm pháp luật khác về lâm nghiệp; thực hiện các phương án, biện pháp PCCCR, đồng thời vận động, tuyên truyền người dân các địa phương tham gia BVR, PCCCR.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, việc tuyển dụng con em địa phương vào lực lượng chuyên trách nhằm giải quyết công ăn việc làm, vừa phát huy lợi thế, kinh nghiệm của bà con trong công tác BVR. Trong các chủ rừng, Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh đợt này có thêm 130 nhân viên BVR chuyên trách. Với lực lượng đông đảo trên, khu bảo tồn này như được tiếp thêm sức mạnh trong việc BVR cũng như ngăn chặn, đẩy đuổi các đối tượng làm vàng trái phép lâu nay ngay trong khu bảo tồn. Anh Hôih Trần - nhân viên BVR chuyên trách Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh cho biết, anh vừa xuất ngũ thì được tuyển dụng vào lực lượng BVR chuyên trách nên rất phấn khởi. "Như nhiều nhân viên khác, tôi rất yêu thích công việc giữ rừng. Là người lính trở về, tôi rất tự hào vì được bảo vệ khu rừng của quê hương. Bản thân tôi sẽ phát huy sức trẻ, hết lòng với công việc để không phụ lòng mong đợi của các cấp lãnh đạo cùng nhân dân"- anh Hôih Trần tâm sự.

Lực lượng BVR chuyên trách phối hợp với lực lượng kiểm lâm Quảng Nam tuần tra, BVR.

105 tỷ đồng trồng rừng lấy gỗ làm nhà

Theo đề án "Cơ chế hỗ trợ trồng cây lấy gỗ làm nhà cho người dân các huyện trung du, miền núi tỉnh giai đoạn 2020 - 2025", do Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ 16, các địa phương cần nguồn vốn 105 tỷ đồng để trồng rừng lấy gỗ làm nhà. Trong đó, hơn 99 tỷ đồng hỗ trợ cho các ban quản lý rừng phòng hộ huyện trồng rừng tập trung, chủ yếu cây bản địa; 6,1 tỷ đồng tạm tính hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân trồng cây phân tán. Nhu cầu sắp xếp, bố trí dân cư 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025 là 17.810 hộ. Dự kiến nhu cầu sử dụng gỗ để làm nhà mới hoặc tu sửa nhà cũ với là 10m3/hộ thì tổng cộng khối lượng gỗ cần để đáp ứng là 170.810m3, trung bình mỗi năm cần 21.400m3 gỗ.

TH. HÀ

Với diện tích rừng tự nhiên còn lại hơn nửa triệu héc-ta, Quảng Nam là một trong số ít địa phương có diện tích rừng nguyên sinh lớn của cả nước. Với diện tích rừng trên, theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, địa phương này còn thiếu 300 cán bộ kiểm lâm. Trong khi biên chế kiểm lâm chưa được phân bổ, việc bổ sung hơn 600 nhân viên BVR chuyên trách sẽ lấp vào khoảng trống thiếu hụt lực lượng BVR lâu nay. "Việc chuyển đổi mô hình bảo vệ rừng từ nhóm hộ sang lực lượng chuyên trách là rất phù hợp. Đây là lực lượng nòng cốt của chủ rừng thực hiện tuần tra bảo vệ rừng, triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi phá rừng, lấn chiếm rừng... Qua đó tăng cường hỗ trợ cho lực lượng kiểm lâm, nhất là trong bối cảnh thiếu biên chế như hiện nay", ông Từ Văn Khánh - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam nhận định.

Việc thành lập lực lượng BVR chuyên trách là bước đột phá trong đề án sắp xếp lại lực lượng BVR của tỉnh Quảng Nam. Song song với việc thay đổi các mô hình quản lý BVR như hiện nay, thiết nghĩ chính quyền địa phương cùng các cấp cần có các cơ chế, chính sách mới tạo sinh kế cho người dân miền núi để giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên rừng. Có thể kể đến như phát triển cây dược liệu, lâm sản phụ dưới tán rừng, trồng rừng gỗ lớn, nghiên cứu đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên cơ sở phát huy các giá trị cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phi vật thể của các cộng đồng địa phương. Cùng với đó, phải đảm bảo nguồn thu nhập ổn định để những nhân viên BVR gắn bó lâu dài với công việc đặc thù này.

BÃO BÌNH