Nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với hệ thống chính trị

Thứ sáu, 01/04/2022 09:50
Ngày 31-3, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị” (Ban Chỉ đạo Đề án T.Ư 6) do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai dẫn đầu đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố (TP). Đồng chủ trì buổi làm việc, về phía lãnh đạo TP Đà Nẵng có Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Nguyễn Văn Quảng.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh tham gia thảo luận tại buổi làm việc.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại buổi làm việc.

Tạo được sự đồng thuận cao

Báo cáo với Đoàn công tác về kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa X), Ủy viên dự khuyết T.Ư, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cho biết: Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết trên địa bàn TP đã đạt nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các phương thức lãnh đạo, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiếu đấu của Đảng bộ TP; tạo sự đoàn kết trong nội bộ, sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần phát triển KT-XH TP thời gian qua.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 1997-2021 đạt khoảng 9%/năm; GRDP bình quân đầu người hiện nay gấp hơn 15 lần so với năm 1997; không gian đô thị được mở rộng gấp hơn 3,5 lần theo hướng văn minh, hiện đại; nhiều chính sách an sinh xã hội thiết thực, mang đậm tính nhân văn, mang thương hiệu riêng của Đà Nẵng như chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” đã mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân; quốc phòng, an ninh được giữ vững; nhiều năm liền đứng đầu cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, CCHC, quản trị công, chuyển đổi số và sẵn sàng ứng dụng CNTT…

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại buổi làm việc.

Liên quan đến nội dung phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác Dân vận, 15 năm qua, Đà Nẵng đã có một số mô hình, cách làm hay để xây dựng khối đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân. Nổi bật là trong giải tỏa, đền bù với hơn 120.000 hộ giải tỏa nhưng số cưỡng chế rất ít; phong trào Nhà nước và nhân dân cùng làm trong đầu tư chỉnh trang hạ tầng, góp phần tạo diện mạo mới cho đô thị TP. Trước đó, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã trực tiếp gặp mặt, nói chuyện với các đối tượng hoàn lương, những người chồng có hành vi bạo lực gia đình, thanh thiếu niên chậm tiến, vi phạm pháp luật… để vận động, giáo dục, thuyết phục; đồng thời, giao các hội đoàn thể theo dõi, giúp đỡ các đối tượng tiến bộ, được dư luận đánh giá cao, qua đó, góp phần tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. Hay như trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Ban Thường vụ Thành ủy chủ trương phân công đảng viên chi bộ khu dân cư, cán bộ, công chức trong khu phong tỏa theo dõi, giúp đỡ các hộ gia đình và tham gia Ban điều hành khu dân cư, trong đó đa số đồng chí bí thư chi bộ là trưởng ban, góp phần thực hiện tốt quan điểm “đảm bảo tính mạng của người dân là trên hết, trước hết”, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Triết cho biết việc triển khai Nghị quyết còn có một số hạn chế. Nổi lên là việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết ở một số địa phương, đơn vị chưa thật sự bảo đảm chất lượng, tiến độ; một số cấp ủy vẫn chưa nhận thức đầy đủ, toàn diện về nội dung phương thức lãnh đạo của Đảng; việc rà soát, bổ sung, xây dựng mới các quy chế, quy định, quy trình công tác để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nhất là các quy chế phối hợp trên một số mặt còn chậm; đầu nhiệm kỳ 2015-2020 có một số sai phạm được UBKT Trung ương chỉ ra; mối quan hệ về trách nhiệm giữa tập thể và cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu ở một số nơi chưa được rõ; vai trò tiên phong, gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu chưa cao, có cán bộ chủ chốt của TP vi phạm, khuyết điểm...

Trên cơ sở phân tích các kết quả đạt được và hạn chế, thiếu sót; đặc biệt là chỉ ra nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện Nghị quyết thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã kiến nghị với Đoàn Khảo sát 3 nhóm vấn đề lớn liên quan đến phương thức lãnh đạo, đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các phương thức lãnh đạo của Đảng cùng một số kiến nghị khác có liên quan.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh tham gia thảo luận tại buổi làm việc.

Bài học về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ

Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn khảo sát đã đánh giá rất cao những kết quả mà TP Đà Nẵng đã đạt được. Đặc biệt là TP đã tạo và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ rất lớn của người dân trong triển khai các mục tiêu, kế hoạch phát triển KT- XH, trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, củng cố niềm tin giữa “ý Đảng” và “lòng dân”, lắng nghe và cùng tháo gỡ những vướng mắc; thực hiện tốt chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; giữ vững mối quan hệ: “Đảng nói - Dân tin; Mặt trận và các đoàn thể vận động - Dân theo; Chính quyền làm - Dân ủng hộ”…

Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhìn nhận, trong 5 bài học được rút ra qua quá trình thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa X), thì bài học về “quan tâm lãnh đạo, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, biết đặt lợi ích chung trên lợi ích riêng”… là quan trọng nhất. Và đây là bài học có tác động gần như chi phối cả 5 phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị trên địa bàn.

Trưởng ban Tổ chức T.Ư, Trưởng đoàn Trương Thị Mai cho biết, Đà Nẵng là địa phương thứ 3 mà Đoàn đến khảo sát trong thời gian qua. Mục đích của Đoàn là để nghe nhiều ý kiến khác nhau của các địa phương liên quan đến kết quả thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa X) về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị. Đánh giá cao công tác chuẩn bị của Đà Nẵng, nhất là các báo cáo sát hợp với yêu cầu của Đoàn, Trưởng đoàn Trương Thị Mai cho biết, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là 1 trong 10 nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng. Và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là nhằm đảm bảo vai trò Đảng cầm quyền, vai trò lãnh đạo toàn diện từ T.Ư đến cơ sở. Để làm được điều này đòi hỏi người đứng đầu tổ chức cơ sở Đảng phải có trí tuệ, năng lực lãnh đạo và bản lĩnh chính trị...

Theo Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai cho rằng, trong đánh giá, nhìn nhận của cả nước thì Đà Nẵng là địa phương năng động, sáng tạo, đang có triển vọng phát triển rất lớn. Vì vậy, Đà Nẵng phải tiếp tục làm sao nâng cao hình ảnh, vị thế của mình, phải mạnh mẽ, năng động hơn để trở thành trung tâm của miền Trung và cả nước như tinh thần Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị đã đề ra. Trong số các mục tiêu mà Nghị quyết đề ra có mục tiêu người dân thành phố phải có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước, chất lượng cuộc sống tốt. “Đây là thách thức, trách nhiệm đặt lên vai của các thế hệ lãnh đạo TP từ nay đến năm 2045. Tin tưởng rằng với những nền tảng đã có, với đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ trung, năng lực chuyên môn tốt như hiện nay thì Đà Nẵng sẽ có những bước phát triển nhanh, mạnh và bền vững hơn”, Trưởng ban Tổ chức Trương Thị Mai nhấn mạnh.

DOÃN HÙNG