Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển:

Nâng cao năng lực người dạy là giải pháp quyết định đổi mới giáo dục

Thứ ba, 10/11/2015 10:36

(Cadn.com.vn) - Việc đặt các trường sư phạm ở vị trí tiên phong trong thực hiện triển khai NQ 29 về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo" là chủ trương đúng của Bộ GD-ĐT. Việc đề cao vai trò giảng viên sư phạm trước chương trình giáo dục phổ thông mới lại càng thể hiện tầm nhìn có tính chiến lược trong nâng cao năng lực người dạy. P.V đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển xung quanh vấn đề bồi dưỡng năng lực cho giảng viên các trường sư phạm và giáo viên phổ thông.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển

P.V: Thưa Thứ trưởng, xuất phát từ đâu mà thời gian qua, Bộ GD-ĐT chú trọng nhiều ở việc bồi dưỡng năng lực giảng viên các trường sư phạm, nhất là có nhiều hội thảo cấp cơ sở, cấp quốc gia về vấn đề này?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Có thể khẳng định trước hết, người dạy là lực lượng quyết định chất lượng giáo dục. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định: Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, đổi mới cơ chế quản lý GD là khâu then chốt của đổi mới GD. Như vậy, phát triển nâng cao năng lực giảng viên, giáo viên được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp quyết định đổi mới giáo dục.

Đối với giảng viên các trường sư phạm, việc nâng cao năng lực đội ngũ có những đặc trưng riêng, họ là những người có trình độ cao, là người đào tạo giáo viên các trường phổ thông, nên yêu cầu về tính chủ động tự học, học lẫn nhau cao hơn so với các bậc học khác. Đặc điểm của hoạt động tự nâng cao năng lực giảng viên cũng có những điểm khác, chẳng hạn như trong trường đại học có điều kiện giao lưu quốc tế nhiều hơn, giảng viên sư phạm có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đó là những con đường cho họ nâng cao năng lực.

Do vậy, cần phải khuyến khích các trường sư phạm cùng nhau nghiên cứu, có các hình thức bồi dưỡng GV theo tinh thần tự bồi dưỡng thông qua công việc, vì công việc. Học để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn và nghiên cứu khoa học thì cũng đồng thời nâng cao năng lực một cách thiết thực và hiệu quả nhất.

Mặt khác, nếu ở các trường kỹ thuật thì thầy giáo đào tạo ra kỹ sư, nhưng ở trường sư phạm thì thầy giáo lại đào tạo ra thầy giáo, nên giảng viên sư phạm phải thật sự mẫu mực về phẩm chất, phong cách, phương pháp giảng dạy và làm việc để sinh viên trực tiếp học tập và làm theo; sinh viên được học theo những phương pháp nào thì họ sẽ có khả năng áp dụng phương pháp đó trong dạy học ở phổ thông. Sinh viên sư phạm ra trường và giáo viên phổ thông phải có năng lực gì thì giảng viên sư phạm cũng phải có năng lực ấy nhưng ở trình độ cao hơn, xứng đáng là thầy của những bậc thầy. Điều đó cho thấy đổi mới sư phạm và đổi mới phổ thông phải đồng hành cùng nhau trên tất cả các hoạt động, vừa là mục tiêu vừa là điều kiện của nhau.

Hội thảo quốc gia về bồi dưỡng năng lực cho GV các trường SP thu hút đông đảo đại biểu tham gia.

P.V: Xin Thứ trưởng cho biết bước chuyển của các trường sư phạm kể từ khi được đặt ở vị trí tiên phong trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, cũng như xuất phát từ tư tưởng chỉ đạo nói trên?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Tôi cho rằng bước chuyển lớn nhất là họ đã hình thành ra được câu lạc bộ hiệu trưởng các trường sư phạm với số lượng tham gia ngày càng nhiều và đã bước đầu đi vào hoạt động, từng bước phối hợp cộng tác, phát huy năng lực chung của lãnh đạo và giảng viên các trường trong việc xây dựng chuẩn đầu ra, đổi mới chương trình đào tạo sư phạm; tham gia xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới; tìm hiểu nhu cầu của giáo viên phổ thông và tham gia công tác bồi dưỡng giáo viên phổ thông nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục mới; tổ chức cho một số giảng viên đi tìm hiểu, học tập ở nước ngoài hoặc mời các nhà khoa học giáo dục nước ngoài đến để tập huấn, bồi dưỡng cho giảng viên trong nước. Sắp tới sẽ tiếp tục còn nhiều việc khác nữa phải làm.

P.V: Được biết năm 2018, chương trình, SGK mới sẽ được thực hiện ở cả 3 cấp học phổ thông trên phạm vi toàn quốc. Thứ trưởng có tin ở sự thành công của việc đổi mới lần này hay không?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Cách tiếp cận với đổi mới giáo dục bây giờ khác, không giống trước. Một là cố gắng đưa từng trường sư phạm chủ động vào cuộc từ đầu. Hai là đổi mới dần chứ không phải đùng một cái là đổi mới. Ba là tất cả các trường phổ thông và trường sư phạm đều phải đổi mới, phải đạt được yêu cầu tối thiểu, nhưng phụ thuộc vào đặc điểm và điều kiện khác nhau của mỗi trường mà đặt ra mục tiêu và lộ trình phù hợp riêng để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của đổi mới.

Thực tế là rất nhiều vấn đề mới của chương trình đã được triển khai trong 2 năm qua. Khi chương trình mới được ban hành chính thức thì đó là phiên bản đầu tiên và sẽ vẫn còn phải chủ động việc tiếp thu góp ý, nghiên cứu bổ sung, tiếp tục hoàn thiện. Nghĩa là chương trình khi đưa ra thì phải đáp ứng yêu cầu của đổi mới cơ bản, còn chi tiết thì vẫn phải nghiên cứu để thực hiện trong quá trình phát triển.

Cũng có thể hiểu đổi mới không thể là quay ngoắt một cái sang trái, quay ngoắt một cái sang phải, mà phải có xi nhan và dần dần rẽ qua đường. Mặt khác, khi mình đưa chương trình, SGK mới ra để thử nghiệm thì không có nghĩa là thử để biết chương trình, SGK đó đúng hay sai (?) mà đã là sự cân nhắc thật cẩn thận, phải dựa vào thành tựu của khoa học giáo dục hiện đại, kinh nghiệm của quốc tế, thực tiễn và kinh nghiệm của Việt Nam để đề xuất nội dung đổi mới chắc chắn đúng. Thử nghiệm chỉ là để điều chỉnh, để rút kinh nghiệm, bổ sung cho tốt nhất, hiệu quả nhất trong những trường hợp cụ thể. Nếu là định hướng đúng thì xã hội mới cho phép mình làm.

Có thể nêu ví dụ của việc tiếp cận mới là việc tổ chức hoạt động trải nghiệm hay dạy học tự chọn, không phải nơi nào cũng làm bằng nhau, như nhau nhưng nơi nào cũng làm được, trong quá trình làm thì thêm kinh nghiệm, thêm yêu cầu mới, từng bước giải quyết các yêu cầu mới thì năng lực của nhà trường đáp ứng nhu cầu được học qua trải nghiệm và học tự chọn của học sinh, sinh viên sẽ tăng dần qua hàng năm; không phải đợi đến khi thật đầy đủ điều kiện mới làm, mà thực tế là không bao giờ thật đầy đủ được.

P.V: Thưa Thứ trưởng, dạy học tích hợp rất quan trọng nhưng cho tới thời điểm này vẫn còn những giáo viên sư phạm và kể cả giáo viên phổ thông vẫn chưa hiểu thấu đáo về vấn đề này, còn lúng túng. Ý kiến của Thứ trưởng như thế nào và hướng xử lý của Bộ GD-ĐT?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Đó là thực tế và cũng là vấn đề đáng bàn mà tại nhiều hội nghị, hội thảo tôi đã đề cập. Không phải bây giờ ta mới dạy tích hợp mà dạy học tích hợp đã được thực hiện trong nhà trường từ lâu. Nhưng yêu cầu của đổi mới căn bản giáo dục là chuyển từ tập trung trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực người học thì dạy học tích hợp cần được quán triệt tốt hơn, toàn diện hơn, từ việc xác định mục tiêu, đến lựa chọn và sắp xếp nội dung giáo dục, hình thức tổ chức và phương pháp giáo dục, kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục.

Nếu vận dụng tốt các phương pháp dạy học tích cực mà giáo viên đã được đào tạo trong trường sư phạm, được học bồi dưỡng trong những năm vừa qua thì sẽ dạy học tích hợp có hiệu quả. Các phương pháp đó là: Dạy học giải quyết vấn đề, thảo luận nhóm, dạy học theo dự án, dạy học theo hợp đồng, "bàn tay nặn bột", nghiên cứu khoa học, hoạt động trải nghiệm…

Các phương pháp đó không hề xa lạ với giáo viên. Vấn đề là ở chỗ giáo viên cần chủ động áp dụng các phương pháp đó phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Chương trình và SGK mới sẽ tạo điều kiện cho giáo viên dễ dàng hơn trong việc thực hiện dạy học tích hợp. Việc đổi mới ra đề thi theo hướng mở, giảm yêu cầu học thuộc máy móc các con số, sự kiện, tăng yêu cầu vận dụng kiến thức cũng là cách đặt ra yêu cầu, đồng thời hỗ trợ dạy học tích hợp.

P.V: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Nguyễn Thị Thúy Hồng
(thực hiện)