Nâng cao nhận thức về ma túy cho học sinh, sinh viên bằng tin nhắn

Thứ ba, 01/12/2015 11:08

(Cadn.com.vn) - Thời gian gần đây, tình trạng thanh thiếu niên, đặc biệt là học sinh sinh viên (HSSV) phạm tội về ma túy (MT) có chiều hướng gia tăng. Làm thế nào để giải quyết vấn nạn trên lại đang là câu hỏi lớn đặt ra. Một trong những giải pháp khá phù hợp vừa được CATP Đà Nẵng phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) triển khai là tuyên truyền, cảnh báo về thủ đoạn, tác hại của MT và tội phạm MT thông qua hệ thống tin nhắn "SMS - EDU" kết nối trực tiếp từ nhà trường đến phụ huynh và các em HSSV. Hy vọng giải pháp này sẽ đem lại hiệu quả tích cực.

Thực trạng đáng báo động     

Theo thống kê của Phòng CSĐTTP về MT CATP Đà Nẵng, trong năm 2014 và 10 tháng năm 2015, bình quân trên địa bàn Đà Nẵng lực lượng chức năng phát hiện và xử lý hơn 30 trường hợp là HSSV phạm tội, tập trung vào các hành vi sử dụng và mua bán trái phép chất MT. Hầu hết các đối tượng là HSSV khi bị phát hiện và xử lý đều có nhận thức lệch lạc, thậm chí hiểu một cách mù quáng về tác hại cũng như hậu quả mà MT, nhất là MT "đá" gây ra.

Thiếu tá Huỳnh Trọng Nghĩa, Đội trưởng Đội Tham mưu (Phòng CSĐTTP về MT CATP Đà Nẵng) cho biết: Trong số các chuyên án, vụ án về MT mà Phòng khám phá trong thời gian qua, dễ nhận thấy là các đối tượng phạm tội hầu hết đều rất trẻ. Bên cạnh việc thực hiện các hành vi phạm tội như mua bán, vận chuyển trái phép chất MT thì các đối tượng này đều có "thâm niên" sử dụng MT thậm chí có đối tượng nắm vai trò cầm đầu, chủ mưu. Phùng Ngọc Anh (1990), trú tổ 35, P.Thanh Khê Tây (Q.Thanh Khê) là một ví dụ điển hình.

Là cựu SV khoa du lịch của một trường Đại học, do có chút nhan sắc, lại thiếu tính tự lập nên khi ra trường, Anh không kiếm việc làm đàng hoàng mà lại lân la ở các quán bar, vũ trường để tìm thú vui, cảm giác lạ. Ở cái nơi đầy rẫy cám dỗ ấy, các đối tượng tội phạm đã dụ dỗ và đưa Anh vào con đường ăn chơi, trụy lạc. Và để có tiền phục vụ cho những cuộc phiêu lưu ấy, Anh dấn thân vào con đường buôn bán MT, trở thành "đại lý" MT di động lúc nào không hay… Không những bản thân bị lệ thuộc vào MT, Anh còn kéo thêm anh trai của mình là Phùng Việt Quốc (1985) lún sâu vào con đường phạm tội. Hậu quả là cả hai anh em Anh- Quốc đã phải đánh đổi cả tuổi xuân cùng tương lai tốt đẹp phía trước để vào nhà giam thụ án.

Cũng theo thiếu tá Huỳnh Trọng Nghĩa, phần lớn các đối tượng là HSSV sử dụng chất MT, đặc biệt là MT tổng hợp dạng "đá" khi bị bắt đều có chung suy nghĩ là sử dụng MT "đá" không gây nghiện như các loại MT khác. "Đây là nhận thức lệch lạc, sai lầm và hậu quả sẽ rất khó lường nếu không kịp thời tuyên truyền, cảnh báo. Những người dùng MT thường ngụy biện rằng, nó không gây nghiện dẫn đến những cơn vật vã do thiếu thuốc như MT thông thường. Nhưng thực tế, khi vùi mình vào thứ ảo giác sinh ra từ "đá", họ lại không ngờ rằng, chính mình đang trở thành mầm mống cho các loại tội phạm nguy hiểm trong xã hội", Thiếu tá Nghĩa nhìn nhận.

Hàng chục đối tượng, trong đó có cả HSSV sử dụng trái phép chất ma túy bị Phòng CSĐTTP về MT CATP Đà Nẵng phát hiện, xử lý.

Nhắn tin tuyên truyền đến từng HSSV

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng HSSV phạm tội về MT. Một trong những nguyên nhân chủ yếu đó là việc giáo dục con em tại nhiều gia đình còn lỏng lẻo, bố mẹ không hạnh phúc hoặc quá nuông chiều.

Đơn cử như trường hợp của H., học sinh một trường THPT trên địa bàn Đà Nẵng, khi bị bắt về hành vi sử dụng trái phép chất MT đã thành thật khai báo rằng mình bị dính vào MT cũng bởi do hoàn cảnh gia đình. Bố mẹ ly dị, H. ở với mẹ. Cuộc sống trước đó vốn đã khó khăn, khi thiếu đi sự chia sẻ, chăm sóc của người cha lại càng khó khăn hơn. H. đã không thể vượt qua nỗi ám ảnh của sự nghèo đói, chật vật; càng không có đủ bản lĩnh, nhận thức để sống trong môi trường với sự khích bác của đám bạn xấu xung quanh. Thay vào đó, H. đã buông thả, phó mặc cho sự xô đẩy của những "luồng gió độc" làm H. ngã vào vòng xoáy của MT.

"Một nguyên nhân cốt lõi khác là hiện nay các em đang thiếu những sân chơi lành mạnh, vì vậy, nếu muốn giải trí các em phải tìm đến những địa điểm tự do như các quán internet, quán bi-a, trò chơi điện tử…, mà ở đó vì lợi nhuận, hay đã có sẵn những kẻ xấu và một số kẻ không từ một thủ đoạn nào để lôi kéo các em  sa ngã đi vào con đường nghiện MT", Thiếu tá Nghĩa đánh giá.

Hiện nay công tác tuyên truyền, giáo dục hậu quả tác hại của MT nhằm tạo phong trào rộng khắp nhằm phòng ngừa, lên án, đấu tranh chống tội phạm MT và tệ nạn MT trong các nhà trường chưa thường xuyên và đủ mạnh, chưa đến được nhiều với từng nhà trường, từng lớp học và từng HSSV. Tuyên truyền nặng về hình thức mà chưa gắn với hoạt động thực tế. Do vậy vẫn còn không ít HSSV chưa nhận thức và hiểu biết được tác hại của MT, nhất là các loại MT tổng hợp…

Xuất phát từ thực tiễn này, vừa qua, Phòng CSĐTTP về MT đã tham mưu cho Giám đốc CATP phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức tuyên truyền bằng hình thức nhắn tin thông qua phần mềm "SMS - EDU" của Sở GD-ĐT đến tất cả các thuê bao ĐTDĐ của HSSV và phụ huynh đăng ký sử dụng dịch vụ tin nhắn của trường học. Theo đó, căn cứ diễn biến của tình hình tội phạm và người nghiện MT trên địa bàn, nhất là các phương thức, thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo của tội phạm và người nghiện MT, các loại MT độc hại mới xuất hiện… Phòng CSĐTTP về MT chủ động trao đổi, cung cấp kiến thức phòng, chống MT với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, để các trường học chuyển tải đến HSSV và phụ huynh.  

Thiết nghĩ, để đẩy lùi tệ nạn MT, đặc biệt là tình trạng sử dụng MT đá trong giới trẻ, ngoài những nỗ lực của lực lượng chức năng thì rất cần sự chung tay của cộng đồng; trong đó, vai trò của gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội trong công tác quản lý, giáo dục con em là vô cùng quan trọng.

D.Hùng