NATO “nhắm” Nga và IS

Thứ sáu, 05/09/2014 11:49

(Cadn.com.vn) - Hội nghị Thượng đỉnh NATO lần này là “thời khắc quan trọng nhất của các nhà lãnh đạo NATO trong hơn một thập kỷ” và là “cơ hội lịch sử để liên minh quân sự tìm cách chống lại Nga.

Mọi con mắt đổ dồn về khu nghỉ dưỡng Celtic Manor ở xứ Wales của Vương Quốc Anh trong ngày 4-9, nơi gần 60 nhà lãnh đạo thế giới và các nguyên thủ quốc gia đến từ 28 nước thành viên NATO bắt đầu Hội nghị Thượng đỉnh.

Từ xung đột ở Ukraine cho đến Afghanistan và cả bóng ma lan rộng nhanh chóng của IS ở Trung Đông..., tất cả đều nằm trong nghị trình quan trọng của hội nghị lần này. Tuy nhiên, cách thức liên minh do Mỹ đứng đầu này phản ứng như thế nào trước những hành động của Nga đối với Ukraine vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Các nhà lãnh đạo đến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại xứ Wales hôm 4-9. Ảnh: REUTERS

MỐI LO IS

NATO sẽ rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan vào cuối năm nay. Vì vậy, tương lai của NATO ở Afghanistan là vấn đề đầu tiên được đưa ra thảo luận.

Rõ ràng, vai trò của NATO sẽ thay đổi khi quân đội Mỹ rút hết quân khỏi chiến trường này vào năm 2016. Và tất nhiên, vai trò của lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế do NATO đứng đầu tại Afghanistan (ISAF) cũng sẽ chuyển từ hình thức chiến đấu sang cố vấn và đào tạo. Tổng thống Obama cũng rất muốn có được sự hỗ trợ của NATO để giải quyết những mối đe dọa ngày càng tăng của IS tại Iraq và Syria trong khi liên minh này cũng muốn chứng tỏ khả năng sẵn sàng đối phó với IS.

“Thế giới đang đối mặt với “cuộc chiến thế hệ” chống lại các mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, và IS sẽ bị tiêu diệt”, Thủ tướng Anh nước chủ nhà David Cameron tuyên bố. Ông chủ “Nhà số 10” bác bỏ khả năng quân đội Anh sẽ không kích chống IS như các lực lượng Mỹ đang làm ở Iraq, song cho rằng, NATO nên đồng ý về cách làm thế nào để giúp các nước Trung Đông như Jordan hay Iraq đối phó với mối đe dọa của IS.

“Bất kỳ yêu cầu viện trợ nào của Iraq sẽ được xem xét nghiêm túc”, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen khẳng định. Nhưng cho đến nay, NATO chưa nhận được một lời kêu gọi nào như vậy từ Baghdad. Ngoài các nước phương Tây và Mỹ, IS đang nhắm mục tiêu đến Nga do “Moscow ủng hộ chính quyền Syria”. Nhóm phiến quân Hồi giáo này hôm 4-9 đưa ra lời đe dọa Tổng thống Vladimir Putin, trong đó thề sẽ phế truất ông và “giải phóng” khu vực Bắc Caucasus bất ổn.

Ngoài ra, vấn đề đóng góp tiền cho NATO cũng được quan tâm. Tất cả các quốc gia NATO có nghĩa vụ cam kết đóng góp 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng, nhưng rất ít thành viên làm như thế. Mỹ chi 4,4% GDP cho quốc phòng - và Tổng thống Barack Obama hy vọng sẽ thúc giục các quốc gia Châu Âu giữ vững cam kết về vấn đề này.

KHỦNG HOẢNG UKRAINE CHI PHỐI

Tuy nhiên, nỗ lực tìm cách ủng hộ Ukraine chống lại Nga chi phối toàn bộ hội nghị sau khi liên minh quân sự này cáo buộc Nga đang gây chiến ở quốc gia Đông Âu này. “Chúng ta đang phải đối mặt với một môi trường an ninh thay đổi nhanh chóng. Ở phía Đông, Nga đang tấn công Ukraine”, Tổng Thư ký NATO Rasmussen tuyên bố.

Nga bác bỏ những cáo buộc đưa quân vào Ukraine. Thậm chí, trước thềm hội nghị NATO, Tổng thống Putin đề xuất kế hoạch hòa bình cho đông Ukraine. Kế hoạch nêu ra 7 bước: quân đội Ukraine rút quân, chấm dứt không kích, trao đổi tù nhân, thiết lập hành lang nhân đạo dành cho người tị nạn và xây dựng lại cơ sở hạ tầng... Nhưng, Thủ tướng Arseny Yatseniuk bác bỏ. Kiev cho rằng, đó là âm mưu nhằm lừa gạt phương Tây trước thềm hội nghị NATO và tránh các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Moscow.

Trên thực tế, Moscow đang rất nóng lòng giải quyết hòa bình xung đột ở đông Ukraine để tránh gây thêm thương vong. Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko qua điện thoại, ông Putin tin rằng, Kiev và phe nổi dậy có thể đạt được thỏa thuận tại bàn đàm phán ở Minsk vào hôm nay (5-9). Tuy nhiên, Điện Kremlin cảnh báo NATO “chớ kết nạp Ukraine làm thành viên”. Lâu nay Moscow vẫn tuyên bố “việc Ukraine gia nhập NATO” là đe dọa an ninh quốc gia.  Moscow cũng kêu gọi Washington không nên áp đặt ảnh hưởng lên quốc gia thuộc Liên Xô cũ này.

Khả Anh