Nên lĩnh bảo hiểm thất nghiệp hay để dành?
Bạn đọc hỏi: chị Trần Thu An, trú Q.Thanh Khê (TP Đà Nẵng) hỏi: Tôi đã tham gia đầy đủ BHXH ở công ty được 3 năm và tôi mới vừa nghỉ việc. Nay tôi muốn làm thủ tục để hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nhưng tôi còn băn khoăn vì nghe nói nếu nhận BHTN thì sẽ ảnh hưởng đến mức nhận và thời gian tính BHXH sau này. Xin hỏi nếu nhận BHTN bây giờ thì có thiệt hại gì đối với BHXH của tôi sau này không? Ngoài ra, nếu bây giờ tôi không đi làm cho doanh nghiệp nhưng muốn tiếp tục đóng BHXH có được không?
* Ths. LS Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng CN Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh tại Đà Nẵng, trả lời: Điều 49 Luật Việc làm 2013 quy định về điều kiện để được hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau: Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng BHTN được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
2. Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;
3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;
4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, trừ các trường hợp sau đây: a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; e) Chết.
Ngoài ra, Điều 61 Luật BHXH 2014 quy định về bảo lưu thời gian đóng BHXH như sau: Người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này hoặc chưa hưởng BHXH một lần theo quy định tại Điều 60 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng BHXH.
Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên, chị An có thể làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng với thời gian đã tham gia BHXH ở công ty cũ. Việc hưởng trợ cấp thất nghiệp không ảnh hưởng gì đến quyền lợi về BHXH sau này. Thời gian chị đã tham gia BHXH 3 năm sẽ được bảo lưu cho đến khi chị tiếp tục tham gia lại BHXH, toàn bộ thời gian tham gia BHXH mà chưa hưởng lương hưu hoặc chưa hưởng BHXH một lần thì đều được bảo lưu và cộng dồn. Về BHXH tự nguyện, Khoản 3 Điều 3 Luật BHXH quy định: BHXH tự nguyện là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. Như vậy, chị An hoàn toàn có thể tham gia BHXH tự nguyện.
Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của CN Văn phòng Luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456; 0905102425